Ngắm những cây cầu ngói cổ, tồn tại hàng trăm năm ở Ninh Bình
Ninh Bình - Ngoài các khu du lịch nổi tiếng, tỉnh Ninh Bình mới còn sở hữu những cây cầu ngói cổ kính, tồn tại hàng trăm năm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có cầu ngói Phát Diệm niên đại hơn 1 thế kỉ. Cây cầu này được xây dựng từ năm 1902, nằm gần quần thể nhà thờ đá Phát Diệm tạo thành không gian sinh hoạt văn hóa rất độc đáo.
Cây cầu có hình cầu vồng gồm 3 nhịp và 4 gian. Phần mái được lợp bằng ngói, nền được lát bằng đá, các bộ phận khác như: cột, kèo, vì, khóa gian, rui, mè... đều được làm bằng gỗ lim.
Năm 2018, cầu ngói Phát Diệm đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, khi hợp nhất với Nam Định, tỉnh Ninh Bình mới có thêm ba cây cầu ngói cổ. Trong đó, cầu ngói chợ Lương (xã Hải Anh, tỉnh Ninh Bình) trở thành điểm dừng chân lý tưởng của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Cây cầu cổ kính có tuổi đời hơn 500 năm, được xây dựng cùng thời với chùa Lương vào năm Hồng Thuận Tam niên, tức là năm 1511. Cầu được dựng trên 18 trụ đá vuông mỗi cạnh 35cm xếp thành 6 hàng để gánh 6 vì và đỡ toàn bộ 9 gian nhà cầu. Nằm trên các trụ đá là hệ thống xà ngang, xà dọc bằng gỗ lim to chắc để đỡ các dầm và nâng sàn cầu, nhà cầu.

Năm 1990, cầu ngói chợ Lương được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia. Để bảo tồn và tránh cho cây cầu ngói bị hư hại, nơi đây đã xây dựng cầu đá rộng 5m, ngay gần cầu ngói để cho các phương tiện giao thông đi lại.
Một cây cầu cổ nữa là cầu ngói chợ Thượng (hay còn gọi là cầu ngói Thượng Nông), xã Nam Minh, tỉnh Ninh Bình. Năm 2012, cây cầu này được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Cầu ngói chợ Thượng được xây dựng từ thời Hậu Lê, với sự đóng góp công đức của bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân, cung phi của chúa Trịnh cũng là người con gái làng Thượng Nông. Cầu được xây dựng trên là nhà; dưới là cầu dài 17,35m.
Mặt cầu rộng khoảng 2m, lát đá tảng xanh xen kẽ nhau; mặt đá bóng loáng, nhưng không trơn trượt. Hai bên hành lang cũng lát đá tảng, tạo phần gờ cao hơn phần mặt cầu khoảng 15cm.

Cuối cùng là cầu lợp làng Kênh (xã Cổ Lễ, tỉnh Ninh Bình) và là cầu mái lợp mái lá duy nhất còn lưu lại những giá trị lịch sử hiếm có của làng quê Việt Nam.
Trải qua 700 năm, đến nay, cầu vẫn giữ nguyên được kết cấu kiến trúc cổ kính và độc đáo. Đây là cây cầu nối hai bờ sông Hải Ninh, cũng là con đường độc đạo dẫn vào chùa Cổ Lễ phục vụ người dân đi lễ chùa ngày xưa. Trước đây, cầu được đặt theo theo hướng Bắc Nam. Sau đó, do hệ thống sông ngòi được chỉnh trang lại nên cây cầu đã đổi sang hướng Đông Tây để phù hợp với sinh hoạt, đi lại của người dân.
Người dân địa phương cho biết, sau nhiều lần trùng tu, sửa mái, ngày nay mái cầu được chuyển sang lợp bằng lá cọ thay cho lá bổi. Toàn bộ các bẹ cọ được tếp chặt với vì kèo và được gia cố buộc lại bằng sợi mây, làm cho mái của cầu rất chắc chắn, không lo gió bão làm hỏng.