Báo động an toàn bữa ăn học đường
Gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ việc không đảm bảo khẩu phần ăn cũng như an toàn thực phẩm trong bữa ăn bán trú. Sự việc gây bức xúc, lo ngại cho xã hội, nhất là các bậc phụ huynh. Bởi hơn ai hết, hệ quả tác động rất lớn tới sức khỏe không chỉ hiện tại mà còn lâu dài cho trẻ em.
Liên tiếp những vụ việc đáng tiếc
Mới đây, báo chí phản ánh bữa ăn bán trú tại Trường Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai có dấu hiệu bất thường, bị cắt xén. Mỗi mâm 11 học sinh chỉ được ăn sáng 2 gói mì tôm nấu loãng, pha với cơm, trong khi bảng thực đơn ghi mỗi học sinh được 1 gói mì tôm và 1 quả trứng.
Với bữa trưa và tối, học sinh được ăn một ít giò thái nhỏ và canh rau, dù trên bảng ghi ngày 14.11, ngoài rau, thực phẩm cho 2 bữa còn có 14kg thịt lợn và 11kg xương. Thậm chí, rau ở bếp bị thối, học sinh được huy động xuống nhặt.
Hồi tháng 10, hình ảnh về suất cơm trị giá 32.000 đồng của học sinh bán trú trường THCS Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) cũng trở thành chủ đề được bàn tán xôn xao trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông. Theo đó, suất ăn này được đựng trên khay inox 5 ngăn, bao gồm 3 - 4 miếng cá chiên bé bằng hai đầu ngón tay chụm lại, một miếng giò lụa xắt mỏng, một ít khoai tây thái mỏng xào và ít canh có vài sợi giá đỗ.
Ngược lại tháng 4.2023, Trường Mầm non AMIS (American Montessori International School, cơ sở Trần Hữu Dực, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng bị phụ huynh tố cáo cắt xén suất ăn. Theo phản ánh của một phụ huynh có con gái 5 tuổi theo học trường từ tháng 7 năm ngoái. Mức học phí tại đây là 11 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm tiền ăn 70.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, suất ăn được cung cấp cho học sinh lại quá lèo tèo: Nước cam pha loãng như nước lọc, một quả chuối cắt lát chia cho nhiều học sinh, quả nho cắt đôi và cháo trắng lác đác vài miếng thịt...
Ngoài khẩu phần ăn nghèo nàn, bị cắt xén, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là nỗi lo thường trực của nhiều phụ huynh.
Mới đây, hơn 80 học sinh Trường tiểu học Mạc Đĩnh Chi, Trường tiểu học Lê Văn Tám và Trường tiểu học Trần Văn Ơn (TP Rạch Giá, Kiên Giang) bị ngộ độc thực phẩm do ăn món thịt heo khìa của cơ sở dịch vụ nấu ăn Cát Tường (ở phường Vĩnh Lợi) cung cấp là một ví dụ điển hình. Theo kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng, món thịt heo khìa trên có chỉ tiêu vi sinh vật như Ecoli, Bacillusereus... vượt ngưỡng giới hạn cho phép.
Sau những sự việc trên, nhà trường đã có những giải thích, cơ quan quản lý cũng có những biện pháp xử lý. Song đó chỉ là những giải pháp đối với từng sự việc riêng lẻ. Vậy đối với các bữa ăn học đường hàng ngày, vấn đề kiểm soát chất lượng liệu có đảm bảo?
Hệ quả lâu dài
Trả lời Báo Lao Động, Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam - cho hay, thực đơn bữa ăn học đường cần bảo đảm đa dạng thực phẩm, không nên lặp lại trong 4 tuần (trừ các thực phẩm cơ bản). Nên đạt tối thiểu trên 10 loại thực phẩm khác nhau, có ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong đó nhóm chất béo là bắt buộc. Đồng thời, hạn chế sử dụng thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn như: Xúc xích, lạp sườn, giò, chả lụa...
Bữa ăn học đường có vai trò cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng cho học sinh đáp ứng nhu cầu hoạt động học tập và vận động, phát triển thể lực và trí lực theo lứa tuổi; hỗ trợ kiểm soát các bệnh liên quan đến dinh dưỡng gồm: Suy dinh dưỡng, thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, thừa cân béo phì...
Theo TS. Sơn, hiện nay, tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng nông thôn, miền núi còn ở mức cao. Sự tăng trưởng (chiều cao, cân nặng) và phát triển (trí tuệ) ở lứa tuổi này có đóng góp lớn từ dinh dưỡng, mà các bữa ăn, trong đó có bữa ăn bán trú đóng vai trò quan trọng.
“Trường hợp nếu khẩu phần ăn không đáp ứng đầy đủ sẽ ảnh hưởng tới cân nặng và chiều cao của trẻ. Trẻ sẽ thiếu các vi chất dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất quan trọng, gây ảnh hưởng đến sự phát triển tầm vóc của trẻ. Lâu dài, có thể ảnh hưởng đến thể lực và trí lực của người Việt Nam trong tương lai. Chưa kể đến việc bữa ăn bán trú không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng về sức khỏe với trẻ như rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong” - TS. Sơn cho hay.
Vai trò giám sát thực tế
Để học sinh được thụ hưởng bữa ăn đảm bảo chất lượng, tạo sự yên tâm cho phụ huynh, việc giám sát nguồn thực phẩm đầu vào, cũng như quy trình chế biến cần phải được tiến hành thường xuyên, hàng tuần trên tinh thần công tâm, khách quan, trách nhiệm, tránh hình thức và có hình thức xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm. Đặc biệt, các nhà trường cần rộng cửa để phụ huynh được góp mặt trong các hoạt động kiểm tra, giám sát bếp ăn.
Hiện nay, một số trường đã thành lập Tổ giám sát an toàn thực phẩm, có Ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia.
Cô Lê Thị Anh Thư - Hiệu trưởng trường Tiểu học Thành Công A (Ba Đình, Hà Nội) cho hay để có một bữa ăn đủ chất và lượng, nhà trường luôn quan tâm các yếu tố: Kiểm tra thực phẩm đầu vào, quy trình sơ chế chế biến thức ăn, chia suất thức ăn, lưu mẫu thức ăn. Đặc biệt, thực đơn luôn công khai tới phụ huynh.
Hằng ngày, Ban giám sát nhà trường phối hợp cùng phụ huynh học sinh có mặt từ 6h15 để kiểm tra giám sát, đặc biệt chú trọng khâu truy xuất nguồn gốc thực phẩm, định lượng đầu vào, chất lượng thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ định lượng, chất lượng, khẩu phần ăn của học sinh. Đặc biệt là khâu giao thức ăn chín về từng lớp đủ định lượng cho số học sinh đăng ký bán trú của lớp.
Nhà trường phân công giáo viên hàng ngày chụp ảnh các khay cơm, thức ăn. Giáo viên chủ nhiệm lớp trực tiếp trông bán trú, luôn sát sao động viên quan tâm học sinh giờ ăn, ngủ, hỏi ý kiến học sinh về món ăn, khẩu vị... phản hồi với nhà bếp để điều chỉnh cho hợp lý.
Tại một số nhà trường, việc giám sát chặt chẽ đơn vị cung cấp suất ăn từ khâu giao nhận thực phẩm đến chế biến, định lượng, chia về lớp cho học sinh cũng luôn được chú trọng. Bếp ăn được giám sát 24/24 giờ qua hệ thống camera.
Trong bối cảnh hiện nay, để học sinh có bữa ăn học đường an toàn, lành mạnh, đủ dinh dưỡng, không chỉ cần trông chờ vào cái tâm của người thực hiện, mà rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận triển khai. Trong đó, việc giám sát, thanh tra là vô cùng cần thiết.