• :
  • :

Bạo hành trẻ em phải bị trừng trị nghiêm minh

Gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ việc bạo hành trẻ em gây ra những lo lắng không nguôi trong xã hội. Ðể ngăn chặn, giải quyết tình trạng này rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức của cộng đồng, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Những vụ việc đau lòng

Gần đây, các vụ bạo hành trẻ em ngày càng thể hiện tính chất phức tạp, gia tăng mức độ nghiêm trọng; Nạn nhân bị xâm hại ngày càng trẻ hóa, báo động sự xuống cấp về đạo đức của không ít cá nhân, gây bức xúc xã hội. Khảo sát Chỉ số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam về Trẻ em và Phụ nữ năm 2020-2021 chỉ ra, hơn 72% trẻ em trong độ tuổi từ 10-14 đã từng bị kỷ luật bạo lực; trong đó có 39% trẻ em bị bạo lực tinh thần, 47% trẻ em bị xâm hại thể chất.

hai bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái trong vụ bạo hành bé N.T.V.A. (8 tuổi) đến tử vong.

Phiên toà xét xử hai bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái trong vụ bạo hành bé V.A tử vong

Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2023, đã liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành, tra tấn trẻ em một cách dã man. Những vụ việc này đang có xu hướng tăng lên với nhiều hình thức và cách thức khác nhau. Điều đáng nói, các em bị bạo hành bởi chính người thân trong gia đình, chịu những trận đòn roi kinh hoàng trong chính ngôi nhà mình sinh sống.

Mới đây, Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã bắt khẩn cấp Trần Hoài Thương (33 tuổi, trú TP Đà Lạt) để điều tra hành vi bạo hành cháu N.N.T.C (2 tháng 20 ngày tuổi), con gái của Nguyễn Phúc Hồng A - người tình của Thương.

Công an xác định Thương trong thời gian sống chung với người tình, thấy cháu C thường quấy khóc nên nhiều lần dùng tay đánh, tát mạnh vào mặt cháu bé. Hứng chịu những hành động trên, nạn nhân đang trong tình trạng nguy kịch.

Trước đó, nhiều vụ án bạo hành trẻ em cũng liên tục xảy ra, như vụ 2 bảo mẫu hành hạ, đánh đập một cháu bé 2 tuổi đến chấn thương sọ não, dập phổi ở TP Đà Lạt, hay vụ bé gái V. A ở TP HCM bị dì ghẻ và cha đánh đập, bạo hành đến tử vong.

Ngày 12/4 vừa qua, xảy ra vụ việc bé trai 2 tuổi tại xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn, TP HCM) nghi bị mẹ ruột bạo hành. Khi được đưa vào bệnh viện điều trị, bé trai trong tình trạng tỉnh với các vết thương ở đầu, ngực, mặt, bụng và bị gãy tay phải. Phần da ở vùng bụng, ngực, mông có vết bỏng.

Sự việc cũng chỉ bị phát giác khi người cô phát hiện cháu có nhiều vết thương, trình báo cơ quan chức năng. Làm việc với cơ quan công an, người mẹ thừa nhận có đánh con mình.

Trước đó, tối 24/ 3, mạng xã hội lan truyền nhiều clip về một bé trai 3 tuổi ở TP HCM bị một người đàn ông xăm kín người nhiều lần chửi bới, cầm búa đe dọa và ép hút bình khí giống ma túy đá.

Được biết, người đàn ông trong clip là người tình của mẹ ruột cháu bé. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đang củng cố hồ sơ để điều tra hành vi hành hạ, ngược đãi và cho cháu bé 3 tuổi sử dụng ma túy của hai đối tượng này.

Những kẻ gây ra các vụ việc đau lòng trên chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc, xã hội lên án mạnh mẽ. Thế nhưng, điều chúng ta băn khoăn, trăn trở là nạn bạo hành vẫn còn đó, như một vết thương không lành, thậm chí có chiều hướng gia tăng với mức độ ngày một trầm trọng…

Phải xử lý nghiêm

Nói về nguyên nhân xảy ra nhiều vụ cha mẹ, người thân bạo hành trẻ em dẫn tới hậu quả đau lòng, Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến những hành vi bạo hành trẻ em. Trong đó có nguyên nhân như những người cha, người mẹ đó có cuộc sống không hạnh phúc, nhận thức pháp luật và xã hội hạn chế, thiếu sự quan tâm giúp đỡ của những người thân và đôi khi là cả sự thờ ơ của những người hàng xóm xung quanh.

Bởi vậy, để giảm thiểu những vụ việc bạo hành trẻ em do chính cha mẹ, người thân của trẻ gây ra thì cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật đối với công tác bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, các cơ quan chức năng chú trọng đến các cơ chế để đảm bảo quyền trẻ em không chỉ được ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật mà còn phải được đảm bảo để thực hiện trong thực tế.

Các cơ quan chức năng cần phải áp dụng triệt để các biện pháp hành chính và chế tài hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền trẻ em để ngăn ngừa những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra; Đổi mới phương thức giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức nhân cách lối sống để xây dựng, duy trì đạo đức xã hội, trong đó có lòng nhân ái, tình yêu thương con người; Giáo dục kiến thức pháp luật, đặc biệt là quy định pháp luật về quyền trẻ em cho các bậc phụ huynh...

Tiến sỹ, luật sư

Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường

Chuyên gia pháp lý cho rằng, đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật về quyền trẻ em và giáo dục kỹ năng sống để trẻ có thể nhận diện được những hành vi xâm phạm quyền trẻ em phải biết cách tự bảo vệ và nhờ người khác bảo vệ khi quyền của mình bị xâm phạm;Tăng cường trách nhiệm của cơ quan chức năng, của chính quyền địa phương và của cả cộng đồng xã hội để kịp thời phát hiện những hành vi bạo hành trẻ em, loại bỏ suy nghĩ lạc hậu là "đèn nhà ai nhà ấy rạng", "đánh con là hành vi dạy dỗ"... Khi phát hiện hành vi bạo hành trẻ em thì bất kỳ ai cũng phải có trách nhiệm can thiệp, hỗ trợ, trình báo sự việc với cơ quan chức năng để can thiệp, xử lý kịp thời đối với hành vi vi phạm pháp luật.

“Chỉ khi nào văn hóa, đạo đức xã hội được nâng cao, pháp luật được phổ biến rộng rãi và được tôn trọng thì khi đó quyền trẻ em mới được đảm bảo tốt nhất. Để quyền trẻ em được đảm bảo, tính mạng, sức khỏe của trẻ em được bảo vệ thì một điều rất quan trọng là phải xây dựng cơ chế, bổ sung nhân lực, tài chính để có một lực lượng chuyên nghiệp, tinh nhuệ, sẵn sàng có mặt ở bất kỳ lúc nào khi quyền trẻ em bị xâm phạm.

Những hành vi đánh đập, hành hạ trẻ em là những hành vi vô đạo đức, vi phạm pháp luật, thể hiện nhận thức hiểu biết thấp kém của đối tượng vi phạm. Khi nào những hành vi đánh đập hành hạ trẻ em bị cả xã hội lên án và bị xử lý bằng những chế tài nghiêm minh của pháp luật một cách nhanh chóng, kịp thời thì khi đó mới giảm bớt những vụ việc đau lòng như thế này”, tiến sỹ Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Lượt xem: 3
Tác giả: Thành Lộc
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...