• :
  • :

Cần ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ em gia tăng

Thời gian gần đây, các vụ bạo hành trẻ em trên cả nước cũng như ở thành phố Hà Nội liên tiếp xảy ra gây xôn xao dư luận. Đáng nói, dù nước ta đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như hệ thống tiếp nhận thông tin, mạng lưới can thiệp, bảo vệ trẻ khá chặt chẽ, song tình trạng bạo hành trẻ em vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Con số đáng báo động

Mới đây, ngày 28/7, Công an phường Láng Thượng (quận Đống Đa) tiếp nhận tin báo từ Bệnh viện Nhi Trung ương việc có một trường hợp bệnh nhân là cháu L.Q.T. (1 tuổi, quê Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng tím tái, li bì và sốt cao, nghi bị ngược đãi, hành hạ.

Qua điều tra sơ bộ xác định, ngày 21/7, mẹ cháu T. là chị Lê Thị Lan H. (28 tuổi, ở Hà Tĩnh) thuê Đoàn Diệu Linh (26 tuổi, ở Hà Nội) trông cháu T. với giá 3 triệu đồng/tháng để đi làm công nhân tại Bắc Giang. Trong quá trình trông trẻ, do cháu T. bị sốt và quấy khóc nên Linh và chồng là Hoàng Thế Vũ (28 tuổi) đã dùng dây sạc điện thoại buộc chân; dùng que gỗ, búa nhựa đánh vào đầu, người và dùng chăn quấn, dùng băng dính bịt miệng cháu T. Đến ngày 26/7/2022, thấy cháu T. mệt mỏi, khó thở, Vũ và Linh đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.

Cần ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ em gia tăng
Trẻ em cần được yêu thương, chăm sóc.

Trước đó, dư luận cũng đã rúng động với nhiều vụ bạo hành trẻ em. Có trường hợp trẻ đã không qua khỏi sau những đòn tra tấn man rợ. Điển hình như vụ bé gái 6 tuổi tại quận Bắc Từ Liêm bị chính bố ruột dùng cán chổi và gậy gỗ đánh tử vong do không tập trung học bài xảy ra vào ngày 16/9/2021. Hay vụ cháu bé 3 tuổi ở Hà Nội bị “cha dượng” hành hạ đến 4 lần, nhập viện do ngộ độc thuốc diệt cỏ, gãy tay, nuốt dị vật... Sau 3 tháng điều trị tích cực đến tháng 3/2022, cháu bé đã tử vong, nguyên nhân được xác định là tổn thương não do dị vật quá nặng…Các vụ việc trên không chỉ gióng lên hồi chuông báo động trước trình trạng bạo hành trẻ em mà còn trở thành nỗi ám ảnh của các phụ huynh cũng như lực lượng chức năng.

Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục Trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, những năm gần đây, các cơ quan chức năng, gia đình và cộng đồng cùng quan tâm, chăm sóc trẻ em, tạo điều kiện để trẻ được sống, học tập, vui chơi trong môi trường an toàn, lành mạnh. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn tồn tại dai dẳng, diễn ra ở nhiều nơi, chủ yếu do người thân, quen với trẻ gây ra.

Chỉ riêng năm 2021, Tổng đài quốc gia về trẻ em 111 (Tổng đài 111) đã tiếp nhận tổng số hơn 500.000 cuộc gọi để phản ánh về các vấn đề liên quan đến trẻ em, trong đó có hơn 35.000 cuộc gọi được tư vấn, hỗ trợ, tăng hơn 11% so với năm 2020. Qua sàng lọc thông tin, Tổng đài 111 đã kết nối với các cơ quan chức năng để hỗ trợ, can thiệp 1.257 vụ việc. Đáng nói, 67% số trẻ em bị bạo lực, xâm hại ngay trong gia đình.

Còn theo thống kê của Bộ Công an, mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 2.000 vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng. Đại đa số đối tượng có hành vi bạo lực, bạo hành là bố, mẹ, cha dượng, mẹ kế, người trông nom hằng ngày... của trẻ gây ra. Đó là những con số nhức nhối, cần được ngăn chặn, phòng ngừa.

Tăng mức xử phạt kết hợp với các biện pháp tuyên truyền

Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Ngọc Loan (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Thời gian qua, tình trạng bạo hành trẻ em ngày một gia tăng về cả số lượng lẫn mức độ gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhiều vụ án bạo hành trẻ em dẫn đến những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi tước đi tính mạng các cháu. Nếu may mắn không bị tử vong thì các cháu cũng bị ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển thể chất và tinh thần sau này. Tại nước ta, hiện nay, pháp luật đã có những quy định rất rõ ràng về hành vi bạo hành trẻ em.

Ví dụ, theo Điều 22, Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi bạo lực trẻ em như sau: Phạt tiền từ 10 -20 triệu đồng đối với một trong các hành vi bắt trẻ nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em; Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em…

Bên cạnh đó, hành vi bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như: Tội hành hạ người khác, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ cho người khác, tội vô ý làm chết người, tội giết người với khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Tuy nhiên, thực tế trong hầu hết các vụ án bạo hành trẻ em, chỉ đến khi trẻ được đưa đi nhập viện trong với tình trạng bị bạo hành nặng hoặc nguy kịch thì cơ quan chức năng mới biết và phát hiện. Như vậy, nhìn chung vẫn mới chỉ xử lý được phần ngọn của vấn đề. Gốc rễ nằm ở chỗ, phải bảo vệ các em ngay từ khi vừa bị bạo hành. Điều này có ý nghĩa quan trọng hơn cả.

“Đặc biệt, để hướng tới một xã hội nói không với bạo lực trẻ em thì cần thiết phải tăng mức xử phạt để răn đe đối với người phạm tội. Đồng thời kết hợp với các biện pháp tuyên truyền, thành lập các hội nhóm bảo vệ trẻ em tại các thôn xóm, làng xã, trường học... Song song với đó, công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng cũng như người dân cũng cần được đẩy mạnh để phát hiện kịp thời sự bất thường của trẻ”, Luật sư nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Đặng Hoa Nam cũng nhận định, mặc dù Nhà nước đã có nhiều giải pháp để phòng ngừa tình trạng bạo hành trẻ em nhưng trên thực tế vẫn đang diễn ra rất phức tạp. Xử lý nghiêm minh trước pháp luật các vụ án bạo hành trẻ em là một trong các biện pháp hữu hiệu không chỉ nhằm trừng trị các đối tượng phạm tội mà còn để răn đe, phòng chống tội phạm bạo lực trẻ em.

Theo ông, chức năng bảo vệ, hỗ trợ trẻ em đã được phân cấp rất rõ ràng, các tổ chức xã hội về bảo vệ trẻ em hoàn toàn có thể truy cứu được trách nhiệm vụ việc thuộc về cơ quan nào. Trong đó, trách nhiệm của cha mẹ, gia đình là không thể thay thế, chính quyền địa phương với chức năng quản lý trực tiếp cũng đóng vai trò quan trọng.

Đặc biệt, ông Nam cũng cho rằng, vai trò của những người làm công tác trẻ em ở cấp phường, xã là rất quan trọng và cần được chuyên nghiệp hóa. Theo ông, Luật Trẻ em quy định rõ, cần phải có hệ thống bảo vệ trẻ em ở cấp xã, người đó phải có đủ năng lực, thời gian, kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa, xâm hại trẻ em. Và về lâu dài, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp cơ sở phải là nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp. Chính quyền địa phương cũng phải phân bổ ngân sách để hệ thống bảo vệ trẻ em và mạng lưới xã hội bảo vệ trẻ em hoạt động hiệu quả.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần dành thời lượng, chuyên mục, chuyên trang hợp lý để đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em. Các cơ quan tố tụng cần kịp thời giải quyết và xử lý nghiêm các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ trong xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em./.

Lê Thắm
 
Lượt xem: 78
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...