Đề án 103 sẽ tạo hành lang pháp lý để các hội quần chúng hoạt động hiệu quả
Ngày 1/7, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Đề án 103 Trung ương đã có buổi làm việc với Thành ủy Hà Nội về triển khai xây dựng Đề án “Nghiên cứu chức năng nhiệm vụ, mô hình tổ chức của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ” và Đề án “Quy chế hoạt động của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ”.
Đại biểu Trung ương dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng, Trưởng đoàn công tác; các đồng chí thành viên Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Đề án 103 Trung ương.
Đại biểu thành phố Hà Nội chủ trì tiếp đoàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng.
Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các ban Đảng Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các sở, ngành và đại diện lãnh đạo 19 hội quần chúng được giao nhiệm vụ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Toàn cảnh hội nghị |
Hà Nội có trên 3.711 hội quần chúng
Báo cáo công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trên địa bàn thành phố Hà Nội do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Trịnh Huy Thành trình bày cho thấy, hiện thành phố Hà Nội có trên 3.711 hội quần chúng. Trong đó, có 1.714 hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Những năm qua, Thành ủy Hà Nội luôn coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trên địa bàn thành phố.
Cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương về các hội quần chúng, Thành ủy Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản, thường xuyên quan tâm chỉ đạo về tổ chức và hoạt động đối với các hội quần chúng. Định kỳ, Thường trực Thành ủy đều tổ chức giao ban với các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, nắm tình hình hoạt động và kịp thời giải quyết những đề xuất, kiến nghị chính đáng của các hội.
Thành ủy Hà Nội cũng đã lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng trong các hội; chỉ đạo thành lập tổ chức Đảng trong tổ chức hội đủ điều kiện. Đến nay, toàn thành phố có 28 chi bộ và 4 đảng đoàn trong tổ chức hội. Vai trò của đảng viên trong các hội quần chúng luôn được Thành ủy Hà Nội đặc biệt quan tâm, nhất là đối với những hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Các cấp ủy Đảng đã chỉ đạo việc phân công, giới thiệu cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực vận động quần chúng để hội bầu vào ban chấp hành và giữ chức danh chủ chốt của các hội… Qua đó, lãnh đạo chủ chốt của các hội đã nêu cao vai trò, tính tiên phong, gương mẫu, làm nòng cốt trong việc vận động, tập hợp hội viên thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội.
Những năm qua, các hội quần chúng cũng đã đóng góp đáng kể trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố và các địa phương, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của Thủ đô trên tất cả các lĩnh vực; đóng góp tích cực trong việc xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.
Tạo điều kiện thuận lợi để các hội quần chúng tham gia đóng góp xây dựng Đảng
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và lãnh đạo các ban, sở, ngành thành phố đã nêu nhiều ý kiến nhằm nâng cao chất lượng hoạt động.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Đề án 103 nếu được Trung ương ban hành sẽ là bước tiến quan trọng, tạo hành lang pháp lý để các hội quần chúng hoạt động hiệu quả.
Đánh giá về hoạt động của các hội quần chúng, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Hà Nội là Thủ đô của cả nước nên cũng có rất nhiều hội quần chúng được thành lập. Thời gian qua, Thành ủy Hà Nội luôn tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo với hoạt động của các hội. Việc nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của hội viên, giữ vững sự ổn định, đoàn kết trong các hội quần chúng tại Hà Nội chính là nền tảng quan trọng để tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng.
Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, hoạt động của các hội quần chúng vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Một số hội đoàn thể còn chưa chủ động trong triển khai công việc. Tính chủ động, phát hiện và xử lý các tình huống phát sinh của một số hội quần chúng cũng chưa thực sự linh hoạt.
Thời gian tới, Thành ủy Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy với các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Thành ủy cũng sẽ chỉ đạo UBND thành phố đẩy mạnh thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các hội; quan tâm hơn nữa đến việc thành lập các tổ chức Đảng tại các hội quần chúng.
Biểu dương, ghi nhận đánh giá cao đóng góp của các hội quần chúng trong thời gian vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định, những đóng góp tích cực của các hội đã góp phần quan trọng để xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, qua đó giúp Thủ đô phát triển bền vững.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng kiến nghị Trung ương sớm ban hành quy chế mẫu về hoạt động của các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ để cấp ủy các địa phương căn cứ trên quy chế mẫu vận hành hiệu quả hoạt động của các hội và thực hiện các cơ chế, chính sách với cán bộ, viên chức được tuyển dụng vào làm việc tại các hội quần chúng theo đúng quy định của pháp luật.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng cho biết, qua các ý kiến thảo luận và bản báo cáo được chuẩn bị công phu của Thành ủy Hà Nội, đoàn khảo sát đã có được “bức tranh” khá toàn cảnh về các hội quần chúng tại Thủ đô.
Đồng chí Phạm Tất Thắng cũng đánh giá cao vai trò của các hội trong việc tích cực tham gia giám sát, phản biện xây dựng Đảng, chính quyền; tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các hoạt động ngoại giao Nhân dân.
Ghi nhận những khó khăn, tồn tại mà các hội đã nêu, đồng chí Phạm Tất Thắng đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để các hội quần chúng nâng cao hiệu quả hoạt động.
Trưởng đoàn khảo sát của Trung ương cũng đề nghị Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội sớm hoàn thiện báo cáo, bám sát các yêu cầu của Trung ương; Đồng thời nêu rõ những khó khăn, vướng mắc và những đề xuất cụ thể, từ đó, Đoàn công tác sẽ có những kiến nghị nhằm tham mưu Trung ương trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các hội quần chúng.