• :
  • :

Đối thoại, giao lưu trực tuyến: Chế độ, chính sách mới và chăm sóc sức khỏe cho người lao động

Sáng nay (15/5), tại Công ty Cổ phần Kim Khí Thăng Long (Khu Công nghiệp Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội), báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội tổ chức cuộc Đối thoại, giao lưu trực tuyến với Chủ đề: “Chế độ, chính sách mới và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”.

Đến dự buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến có các đại biểu: Ông Phạm Bá Vĩnh - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Bá Châu - Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội, Chánh Văn phòng LĐLĐ thành phố Hà Nội.

Về phía Ban Tổ chức có: Bà Lê Thị Bích Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; ông Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; ông Phạm Anh Minh - Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội; bà Lê Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội.

Trực tuyến hình ảnh: Chính sách mới và chăm sóc sức khỏe cho người lao động

Trực tuyến hình ảnh: Chính sách mới và chăm sóc sức khỏe cho người lao động

Các đại biểu tham dự buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến

Đại diện doanh nghiệp có ông Phạm Hữu Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Kim khí Thăng Long.

Buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến còn có đại diện các ban của LĐLĐ thành phố Hà Nội; LĐLĐ các quận, huyện, Công đoàn ngành, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, các đồng chí là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở và đặc biệt là sự có mặt của gần 200 đoàn viên, người lao động thuộc Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội.

Tham gia chương trình đối thoại, giao lưu có sự góp mặt của các chuyên gia: Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Phụ trách Trung tâm ô xy cao áp Việt Nga.

08h40: Phát biểu khai mạc buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết, đại dịch Covid-19 kéo dài đã tác động không nhỏ đến đời sống xã hội, đặc biệt là nhiều lao động phải ngừng việc, thậm chí mất việc làm; ảnh hưởng của dịch đến sức khỏe, làm xáo trộn cuộc sống của rất nhiều công nhân lao động.

Đang Giao lưu trực tuyến: Chế độ, chính sách mới và chăm sóc sức khỏe cho người lao động
Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh phát biểu khai mạc buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến

Giờ đây, khi dịch bệnh đang được kiểm soát, đang trở lại cuộc sống bình thường mới thì việc thực thi các chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động sớm ổn định việc làm, ổn định cuộc sống, việc cập nhật các kiến thức về quyền lợi của người lao động, các chính sách bảo hiểm xã hội, hỗ trợ y tế… đang là những vấn đề cấp bách, thiết thực được đông đảo đoàn viên công đoàn và người lao động (NLĐ) quan tâm.

“Tham gia giải đáp tại buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến hôm nay là các chuyên gia trong lĩnh vực Lao động, Bảo hiểm xã hội (BHXH), y tế,.. các luật sư sẵn sàng cung cấp thông tin và cập nhật tới đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) những kiến thức pháp luật trong lĩnh vực lao động nói chung, đặc biệt là những quy định liên quan đến chế độ, chính sách đối với NLĐ, các quy định liên quan đến việc làm, bảo hiểm…

Với những vấn đề thiết thực, gắn liền với đời sống, lao động như vậy, Ban Tổ chức mong muốn đoàn viên, NLĐ sẽ cùng hưởng ứng, chia sẻ các vấn đề, băn khoăn của mình, đặt các câu hỏi đối với các chuyên gia ngay tại hội trường này. Đối với bạn đọc từ xa, có thể theo dõi toàn bộ nội dung cuộc Đối thoại, giao lưu và đặt câu hỏi với chương trình qua tường thuật trực tuyến trên báo điện tử Lao động Thủ đô”, Phó Tổng Biên tập Đinh Tuấn Anh nhấn mạnh.

08h45: Đại diện doanh nghiệp tham gia buổi Đối thoại, giao lưu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Kim Khí Thăng Long Phạm Hữu Hùng cho biết: Là một doanh nghiệp được thành lập năm 1969, Công ty chuyên sản xuất hàng cơ kim khí, phục vụ nội địa và xuất khẩu, đối tác là các tập đoàn lớn như Honda, Ikea, Gta, Olympia, Vinfast…

Trực tuyến hình ảnh: Chính sách mới và chăm sóc sức khỏe cho người lao động
Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Kim khí Thăng Long Phạm Hữu Hùng phát biểu tại buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến

Trong quá trình hoạt động, Công ty luôn tạo điều kiện và phối hợp với tổ chức Công đoàn xây dựng, thương lượng, ký kết và ban hành đầy đủ Thỏa ước lao động tập thể, các nội quy, quy chế… Trong đó, các chế độ, chính sách, quyền lợi cho NLĐ luôn được lãnh đạo Công ty quan tâm đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Hàng năm, Công ty thực hiện tốt việc trích nộp BHXH, BHYT, tổ chức khám sức khỏe, tổ chức nghỉ mát, sắp xếp bữa ăn ca cho NLĐ... do vậy quyền lợi của NLĐ luôn được đảm bảo.

“Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Thông qua buổi Giao lưu trực tuyến hôm nay, tôi mong muốn được nghe các chuyên gia phân tích, giải thích về các chế độ, chính sách… để giúp chúng tôi hiểu và thực hiện tốt hơn và cũng mong muốn các đồng chí đại biểu trong hội trường ngày hôm nay cùng chia sẻ để chúng ta có thêm kinh nghiệm”, ông Phạm Hữu Hùng cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Kim khí Thăng Long, buổi Giao lưu trực tuyến là hoạt động ý nghĩa, thông qua buổi giao lưu này giúp cho lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ làm công tác Công đoàn, cán bộ chính sách tại các doanh nghiệp, NLĐ được nắm rõ và hiểu sâu hơn quy định của pháp luật và giúp NLĐ hiểu rõ về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình khi tham gia quan hệ lao động.

08h55: Phát biểu chỉ đạo tại buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến, ông Phạm Bá Vĩnh - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội đánh giá buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến do báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội tổ chức là hoạt động thiết thực và ý nghĩa trong bối cảnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ luôn là nhiệm vụ cấp bách của các cấp Công đoàn, đặc biệt, hoạt động này càng ý nghĩa hơn khi được tổ chức ngay trong Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2022.

Trực tuyến hình ảnh: Chính sách mới và chăm sóc sức khỏe cho người lao động
Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Phạm Bá Vĩnh phát biểu chỉ đạo tại buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến

Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Phạm Bá Vĩnh, khi đi làm, tham gia vào quan hệ lao động, bất cứ NLĐ nào cũng rất quan tâm đến những quyền lợi, chế độ chính sách dành cho mình, nhất là tiền lương, thưởng, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, chế độ BHXH, BHYT…

Thực tế hiện nay, với sự giám sát, đôn đốc của tổ chức Công đoàn, hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện tốt chế độ chính sách đối với NLĐ. Tuy nhiên, vẫn còn những doanh nghiệp hoặc là do cố tình, hoặc do chưa hiểu biết cặn kẽ, chưa nắm rõ, cập nhật kịp thời những sửa đổi, bổ sung trong quy định của pháp luật dẫn đến việc thực hiện chế độ chính sách cho NLĐ chưa đầy đủ, quyền lợi NLĐ còn bị vi phạm.

Trong khi đó, cũng còn nhiều NLĐ do bận rộn không kịp cập nhật, thậm chí cũng có người còn quá tập trung cho công việc mà xem nhẹ việc trang bị kiến thức pháp luật, dẫn đến là chưa hiểu rõ về chính sách pháp luật, từ đó phải chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi.

“Việc xây dựng chính sách pháp luật đã khó việc thực hiện chính sách pháp luật nghiêm, đúng, và đủ lại càng khó hơn. Vì thế, việc phổ biến, giải đáp, trang bị chính sách pháp luật, các chế độ chính sách để cả NLĐ và người sử dụng lao động đều nắm rõ là hết sức cần thiết vừa để đảm bảo quyền lợi của NLĐ, vừa giúp cả NLĐ và người sử dụng lao động thực hiện tốt trách nhiệm nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa”, ông Phạm Bá Vĩnh nhấn mạnh.

09h00: Các chuyên gia giải đáp câu hỏi, vướng mắc của đoàn viên, NLĐ và bạn đọc

Đang Giao lưu trực tuyến: Chế độ, chính sách mới và chăm sóc sức khỏe cho người lao động
Lãnh đạo LĐLĐ Thành phố, báo Lao động Thủ đô và Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội tặng hoa các chuyên gia

- Anh Phạm Quý Dương (Công ty Cổ phần Kim Khí Thăng Long): Hiện nay, trên thẻ BHYT và căn cước công dân gắn chíp đều có mã QR. Xin hỏi, người dân được hưởng lợi gì từ việc sử dụng căn cước công dân gắn chíp và quét mã QR?

Đang Giao lưu trực tuyến: Chế độ, chính sách mới và chăm sóc sức khỏe cho người lao động

- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Một trong những ưu điểm lớn của căn cước công dân gắn chíp được đánh giá cao đó là thẻ có thể tích hợp được nhiều loại thông tin cá nhân như: Giấy phép lái xe; thẻ BHYT; sổ BHXH; sổ hộ khẩu; tạm trú tạm vắng…

Hiện nay, cơ quan BHXH đang tích cực phối hợp với cơ quan liên quan để đồng bộ dữ liệu bảo hiểm với căn cước công dân và khi người dân đi khám bệnh chỉ cần trình căn cước công dân gắn chíp là sẽ được hưởng BHYT mà không cần phải trình thẻ BHYT.

- Chuyên gia Nguyễn Văn Hà bổ sung: Nhờ việc tích hợp được nhiều loại giấy tờ, căn cước công dân gắn chíp trở nên vô cùng thuận tiện. Thay vì việc phải làm và mang theo rất nhiều các loại giấy tờ khác nhau thì người dân có thể sử dụng căn cước công dân gắn chíp để thực hiện mọi giao dịch.

Ví dụ trước đây, giao dịch về nhà đất người dân sẽ phải trình chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn… nhưng sau khi có căn cước công dân gắn chíp thì chỉ cần trình thẻ này là đủ.

Trực tuyến hình ảnh: Chính sách mới và chăm sóc sức khỏe cho người lao động
Anh Phạm Quý Dương - Công ty Kim khí Thăng Long đặt câu hỏi

Dự kiến từ đầu năm 2023, chúng ta sẽ không còn sổ hộ khẩu giấy nữa mà việc quản lý dân cư sẽ chuyển hết sang điện tử, và căn cước công dân gắn chíp tích hợp các thông tin này.

Một điều nữa là việc sử dụng căn cước công dân gắp chíp có tính bảo mật rất cao bởi khi đề xuất sử dụng căn cước công dân có gắn chíp điện tử, Bộ Công an đã xây dựng phương án đảm bảo tính bảo mật thông tin được lưu trữ trên chíp. Phương án bảo mật này được các đơn vị chuyên môn đánh giá, nghiệm thu, bảo đảm bảo mật trước khi đưa vào phát hành sử dụng rộng rãi trong xã hội, vì vậy chúng ta không phải lo lắng bị lộ thông tin cá nhân nếu vô tình làm mất căn cước công dân gắn chíp.


- Anh Nguyễn Văn Tâm (Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội): Hiện nay, quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu chặt chẽ (từ 20 năm làm việc trở lên) trong khi đó điều kiện được thanh toán BHXH một lần khá dễ dàng, dẫn tới nhiều NLĐ trẻ trong Công ty tôi nói riêng và NLĐ trong cả nước nói chung đang có suy nghĩ muốn rút BHXH một lần sau khi đã làm việc được dưới 20 năm. Trước thực trạng như vậy, các bộ, ban, ngành, nhà nước đã có giải pháp như thế nào để NLĐ an tâm tin tưởng tham gia hệ thống BHXH?. Khi thanh lý hợp đồng lao động, NLĐ được hưởng các chế độ như mất việc, thôi việc trong trường hợp nào?

Trực tuyến hình ảnh: Chính sách mới và chăm sóc sức khỏe cho người lao động
Anh Nguyễn Văn Tâm - Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội đặt câu hỏi

- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Từ đầu năm nay tình trạng xin rút BHXH một lần ở các tỉnh phía Nam khá nhiều, nhưng tại các tỉnh phía Bắc và Hà Nội thì tỷ lệ này lại không cao.

Tình trạng này có phần do ảnh hưởng khó khăn từ đại dịch Covid-19 nhưng cũng có thể do cách sống, suy nghĩ ở mỗi vùng miền khác nhau. Đảng, Nhà nước đã có nhiều điều chỉnh về chính sách để cho người dân giữ lại thời gian đóng BHXH, nhưng do cách sống ở mỗi vùng miền khác nhau nên có thời điểm rộ lên việc rút BHXH một lần. Nhưng sau đấy, những NLĐ rời khỏi lưới an sinh này càng ngày càng ít đi.

Theo Nghị quyết số 28-NQ/TW đã có 11 điều chỉnh, trong đó sẽ có những gói bảo hiểm thời gian đóng chỉ 10-15 năm là có thể hưởng lương hưu, nên chúng tôi khuyến khích NLĐ nên giữ lại thời gian tham gia BHXH, vì Nghị quyết đã ban hành rồi, chờ Chính phủ ban hành Nghị định chính thức để triển khai thực hiện, khi đó NLĐ sẽ có thêm lựa chọn, không nhất thiết phải chờ đủ 20 năm như bây giờ mới được hưởng lương hưu.

- Chuyên gia Nguyễn Văn Hà bổ sung: Khi NLĐ chấm dứt hợp đồng theo luật, thì doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn thành việc đóng các chế độ liên quan đến BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trước khi chốt sổ BHXH để bàn giao cho NLĐ theo quy định. Đồng thời, NLĐ cũng được trợ cấp thôi việc. Trong quá trình giao kết hợp đồng lao động, nếu người sử dụng lao động có tiếp nhận các giấy tờ bản gốc của NLĐ thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm bàn giao cho NLĐ.


- Anh Nguyễn Thanh Hải (Công ty Cổ phần Kim Khí Thăng Long): Sau khi bị mắc Covid-19, một số NLĐ bị rụng tóc, đổ mồ hôi, mất ngủ… xin chuyên gia tư vấn cách khắc phục? Cũng xin chuyên gia tư vấn thêm về việc ăn uống, ngủ, nghỉ và chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19.

Đang Giao lưu trực tuyến: Chế độ, chính sách mới và chăm sóc sức khỏe cho người lao động

- Chuyên gia Nguyễn Huy Hoàng: Đây là những triệu chứng thường gặp của các F0 sau khi bị Covid-19. Thường sau khi tiêm vắc xin triệu chứng bệnh Covid-19 nhẹ hơn, tuy nhiên khoảng 2-3 tuần, nhiều người đều phản ánh bị suy giảm sức khỏe. Trong đó, đa phần mọi người đều bị rối loạn sức khỏe.

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng trên như: Do tình trạng người bệnh bị lo lắng, căng thẳng… ăn ngủ kém, dẫn tới sức đề kháng giảm; biến chứng của bệnh Covid-19, từ đó gây thiếu máu, thiếu oxy… khiến người bệnh bị mệt mỏi, hụt hơi, ra mồ hôi trộm, các tế bào não suy giảm chức năng.

Bởi vậy, để hạn chế những tình trạng trên, sau khi mắc Covid-19, người bệnh cần tăng cường vận động nhiều, tùy theo sức khỏe (thường 10-15 phút), đồng thời, mọi người nên tăng dần thời gian tập luyện. Việc tăng cường tập luyện nhằm giúp cơ thể lưu thông máu, đầu óc đỡ căng thẳng… từ đó giúp người bệnh ăn ngon miệng hơn, giảm tình trạng mất ngủ.

Song song với đó, người bệnh nên tăng cường dinh dưỡng, ăn uống đa dạng. Hạn chế ăn đồ chiên, rán, nhiều dầu mỡ. Bên cạnh đó, với những người bị rối loạn giấc ngủ có thể bổ sung thêm các loại thuốc tăng cường tuần hoàn não có nguồn gốc thảo dược hợp lý.


- Chị Hương (Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội): Xin chuyên gia cho biết, chúng tôi là những tổ phó, tổ trưởng sản xuất làm việc trong các công đoạn được quy định trong danh mục nặng nhọc độc hại, nguy hiểm như hàn, dập, may công nghiệp và được ghi trong mục danh mục công việc trong sổ BHXH là (tổ trưởng, tổ phó sản xuất và thay thế công việc khi có người nghỉ), như vậy thì chúng tôi có được hưởng chế độ nặng nhọc độc hại như những công nhân đang trực tiếp làm việc trong công đoạn không?

Trực tuyến hình ảnh: Chính sách mới và chăm sóc sức khỏe cho người lao động
Anh Chu Văn Vượng – Công ty Cổ phần Thống Nhất Hà Nội đặt câu hỏi

- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Khi làm việc trong các ngành nghề độc hại, các anh chị hoàn toàn có điều kiện được hưởng các chế độ chính sách liên quan, được nghỉ sớm trước 5 năm. Tuy nhiên, các anh chị lưu ý, khi chúng ta kê khai thì nên nêu đầy đủ các thông tin liên quan để chúng tôi có đủ căn cứ để giải quyết các chế độ chính sách liên quan. Khi mình kê khai không đầy đủ thì dễ dẫn đến hệ lụy là phải đi giải trình khi làm các thủ tục liên quan đến BHXH. Rất mong anh chị công nhân lao động lưu ý giúp.


- Chị Hường (Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Việt Hà): Em là nhân viên văn phòng, ngồi làm việc tại văn phòng nhiều nên hay bị đau mỏi vai gáy, xin bác sĩ tư vấn các bài tập và cách điều trị?

- Chuyên gia Nguyễn Huy Hoàng: Qua thực tiễn tham gia các đoàn khám sức khỏe nghề nghiệp tại doanh nghiệp tôi thấy tình trạng bệnh nghề nghiệp của nhân viên văn phòng rất nhiều, trong đó phổ biến như đau mỏi vay gáy, mắt mờ, thiếu máu não…

Trực tuyến hình ảnh: Chính sách mới và chăm sóc sức khỏe cho người lao động
Chị Nguyễn Thị Thanh Hường - Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Việt Hà đặt câu hỏi

Một trong những nguyên nhân là do điều kiện làm việc trong văn phòng chật hẹp, lại sử dụng nhiều thiết bị điện tử rất ảnh hưởng đến sức khỏe. Về cách giải quyết, do điều kiện là làm việc tại văn phòng cơ quan nên cũng khó đòi hỏi những yêu cầu cao, tuy nhiên, trong điểu kiện có thể NLĐ nên đề xuất với doanh nghiệp cải thiện môi trường làm việc tại văn phòng ví dụ như: Trang bị máy hút bụi, hút ẩm, lọc không khí; trang bị ghế ngồi phù hợp, máy tính và thiết bị điện tử có màn hình linh hoạt để có thể nâng lên, hạ xuống phù hợp với tầm nhìn; thiết kế phòng làm việc thoáng mát, sạch sẽ, đủ không khí…

Với những yêu cầu này không phải bất cứ lúc nào cũng có thể được đáp ứng cho nên bên cạnh điều đó thì bản thân mỗi NLĐ phải chịu khó vận động, thỉnh thoảng phải ra hành lang, hít thở không khí trong lành; vận động nhẹ. NLĐ nên cân đối thời giờ làm việc với nghỉ ngơi, thư giãn, tập thể dục như bơi, đi bộ tập yoga… để nâng cao sức khỏe, cân bằng cuộc sống tránh sự căng thẳng…


- Anh Chu Văn Vượng (Công ty Xe đạp Thống Nhất): Hiện nay có chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân, xin hỏi điều kiện, thủ tục hưởng như thế nào? Hai vợ chồng cùng là công nhân thì có phải cả hai đều được hưởng chính sách này không?

- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Hiện nay, các văn bản hướng dẫn về điều kiện, tiêu chuẩn hưởng chế độ hỗ trợ tiền thuê nhà này đã có rồi. Hà Nội là vùng kinh tế trọng điểm, nên toàn bộ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đều thuộc diện được hưởng chế độ này.

Đang Giao lưu trực tuyến: Chế độ, chính sách mới và chăm sóc sức khỏe cho người lao động
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu trả lời câu hỏi của NLĐ gửi tới Ban Tổ chức chương trình

Về quy trình, NLĐ sẽ nộp tờ khai theo mẫu 01, có xác nhận của nơi thuê trọ nộp cho doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ lập mẫu 02 gửi cho cơ quan BHXH, sau đó trong 2 ngày, cơ quan BHXH sẽ trả lời những trường hợp nào đang tham gia BHXH. Sau khi có danh sách từ cơ quan BHXH, sẽ gửi Ủy ban nhân dân nơi doanh nghiệp đóng trụ sở xét duyệt và thực hiện chi trả cho NLĐ theo quy định.

Theo quy định, cả hai vợ chồng cùng là công nhân, đang thuê nhà trọ thì cả hai đều thuộc diện được hưởng chế độ hỗ trợ này.

- Chuyên gia Nguyễn Văn Hà bổ sung: Điều kiện được hưởng chế độ tiền thuê nhà này là NLĐ phải đang thuê nhà trọ, thời gian thuê nhà từ ngày 1/2/2022 đến ngày 30/6/2022; phải xác lập hợp đồng thuê nhà từ ngày 1/4/2022 trở về trước, còn nếu xác lập từ 2/4/2022 trở lại đây thì không đối tượng được hưởng; phải đang tham gia BHXH.


- Chị Phạm Thị Lan Hương (Công ty TNHH Phụ tùng Xe máy - Ô tô Goshi Thăng Long): Tôi bắt đầu ký hợp động lao động làm công nhân tại Công ty May Đức Giang, đến năm 1997, tôi xin thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động. Trong suốt những năm tháng đi làm việc tại Công ty tôi đều đóng BHXH, trừ trực tiếp vào tiền lương hàng tháng và được thể hiện trên bảng lương thanh toán.

Tuy nhiên, tháng 11/1991 tôi nghỉ sinh con, không được hưởng chế độ thai sản hoặc bất kỳ khoản trợ cấp nào mà hoàn toàn là nghỉ không lương, không chế độ gì. Năm 1992, tôi tiếp tục quay trở lại làm việc tại Công ty đến năm 1997 thì xin thôi việc và chấm dứt hợp đồng lao động. Sau khi thôi việc, tôi không nhận được bất kỳ 1 khoản thanh toán hoặc trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp nào... cũng như sổ BHXH hoặc quyết định thôi việc từ Công ty. Thời gian làm việc tính từ khi bắt đầu ký hợp đông lao động cho đến khi thôi việc là khoảng 9 năm do không còn giấy tờ nên không nhớ chính xác tháng phát sinh các sự kiện. Sau này, vào tháng 5/2008, tôi xin đi làm lại và cập nhật đóng BHXH mới biết trước đây cũng chưa có mã BHXH. Vậy có phải là Công ty đã không đóng BHXH cho tôi? Hay là có đóng nhưng lại không giải quyết chế độ quyền lợi cho tôi?

Trực tuyến hình ảnh: Chính sách mới và chăm sóc sức khỏe cho người lao động
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Bá Vĩnh tặng quà cho đoàn viên, NLĐ tham gia trả lời câu hỏi giao lưu

- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Trường hợp này của chị, theo Luật thì có thể cộng nối BHXH. Hồ sơ có thể là hợp đồng lao động, giấy tiếp nhận đầu vào khi chị đi làm và quy trình lương. Nếu như chị chưa thanh toán BHXH 1 lần vào thời điểm năm 1997, thời gian này chị nộp hồ sơ thì có thể cộng nối. Nếu chị tìm được hồ sơ có thể gửi hồ sơ cho đơn vị chị đang làm việc và cơ quan bảo hiểm để cộng nối. Rất mong Công đoàn phối hợp với chính quyền và công ty hỗ trợ NLĐ.


- Một bạn đọc hỏi: Việc khóa, giữ NLĐ bên trong nơi làm việc vào ban đêm để đảm bảo họ không trộm cắp tài sản có bị coi là cưỡng bức lao động hay không? Nếu một công ty sa thải một NLĐ mà không có lần cảnh báo thứ hai vì không sử dụng thiết bị an toàn cá nhân thì điều đó có chấp nhận được không?

- Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Nếu doanh nghiệp dùng các biện pháp giữ NLĐ trong nhà máy ban đêm, nhằm đảm bảo an toàn cho NLĐ, giữ gìn tài sản mà không ảnh hưởng tới sức khỏe của NLĐ thì không vi phạm pháp luật.

Trực tuyến hình ảnh: Chính sách mới và chăm sóc sức khỏe cho người lao động
Chánh Văn phòng LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Bá Châu tặng quà cho đoàn viên, NLĐ tham gia trả lời câu hỏi giao lưu

Trong trường hợp công việc của NLĐ bị giao đi lại, để đảm bảo hoàn thành công việc nhưng doanh nghiệp bắt NLĐ không được đi ra ngoài, bắt ép để làm thay đổi lộ trình trong giải quyết công việc, thì đó là cưỡng bức lao động.

Còn trường hợp nếu một công ty sa thải một NLĐ mà không có lần cảnh báo thứ hai vì không sử dụng thiết bị an toàn cá nhân là không đúng.

Bởi đối với đơn vị/chủ doanh nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng/sa thải NLĐ trong các trường hợp như: NLĐ trộm cắp, tham ô, sử dụng chất ma túy, làm lộ bí mật kinh doanh của đơn vị…Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ, người sử dụng lao động phải báo cho NLĐ biết trước: Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn.


- Anh Chử Văn Ninh (Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội): Xin hỏi các chuyên gia, người bị mắc Covid-19 sau khi khỏi bệnh bao lâu thì nên đi khám lại và cần khám những chuyên khoa gì? Trong chế độ phúc lợi của Công ty có quy định chi trả chế độ trợ cấp ốm đau cho tứ thân phụ mẫu, con cái của NLĐ với mức 200 ngàn/lần và không quá hai lần trong năm, xin hỏi là mỗi người thân của NLĐ bị ốm thì được trợ cấp 2 lần/năm hay cả gia đình chỉ được trợ cấp 2 lần/năm?

- Chuyên gia Nguyễn Huy Hoàng: Theo tôi, có 4 đối tượng mà sau khi khỏi Covid-19 nên đi khám hậu Covid-9 gồm: Những người chưa tiêm đủ vắc xin (ở đây được hiểu là người chưa tiêm mũi nào, người mới tiêm một mũi, người tiêm mũi 2 nhưng thời gian từ khi tiêm mũi 2 tới khi nhiễm Covid-19 chưa đủ 14 ngày); những người có bệnh nền, hệ miễn dịch kém.

Trực tuyến hình ảnh: Chính sách mới và chăm sóc sức khỏe cho người lao động
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Kim khí Thăng Long Phạm Hữu Hùng tặng quà cho đoàn viên, NLĐ tham gia trả lời câu hỏi giao lưu

Theo quy định của Bộ Y tế thì danh sách bệnh nền có khoảng 20 bệnh nhưng theo tôi thì những người có những bệnh nền sau đây thì cần đi khám hậu Covid-19 như: Bệnh ung thư, tiểu đường, cao huyết áp, thận, gan mãn tính…. Cần đi khám hậu Covid-19 nữa là những người trên 65 tuổi kể cả không có biểu hiện nặng thì sau khi khỏi cũng nên đi khám và những người không nằm trong những trường hợp trên nhưng quá trình bị Covid-19 thì bị nặng, phải vào viện cấp cứu, điều trị thở ô xy thì cũng cần đi khám lại ngay. Ngoài ra, những người khác không nhất thiết phải đi khám ngay nhưng sau 6-8 tuần nên đi khám.

Về khám những nội dung gì, hiện nay chưa có mục khám cụ thể nhưng theo tôi chúng ta nên khám về chức năng hô hấp (chụp XQ tim phổi thường, đo chức năng hô hấp); đánh giá chức năng tim mạch, siêu âm tim, điện tim)… Ngoài ra, nếu có các triệu chứng khác thì đi khám những chuyên khoa liên quan như về tiêu hóa, thần kinh; chức năng gan thận, tình trạng đông máu…

Trực tuyến hình ảnh: Chính sách mới và chăm sóc sức khỏe cho người lao động
Chị Phạm Thị Lan Hương - Công ty TNHH Phụ tùng Xe máy – Ô tô Goshi Thăng Long đặt câu hỏi

- Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Về chế độ phúc lợi thăm ốm đau như anh hỏi thì phải xem xét cụ thể quy định phúc lợi của Công ty anh như thế nào. Còn như tôi hiểu nôm na thì từng trường hợp xảy ra như bố mẹ, vợ, chồng, các con mà ốm đau thì đều được hưởng chế độ như vậy, chứ không phải cả nhà chỉ được hưởng 2 lần - sau có khi hai người ốm đã được hưởng chế độ, những người khác ốm sẽ không được. Tất nhiên vẫn có những Công ty do điều kiện riêng không thể trợ cấp hết cho tất cả người thân của NLĐ thì họ sẽ quy định tổng số lần trợ cấp cho người thân của NLĐ là 2 lần/năm. Cái này phải xem cụ thể quy chế quy định của doanh nghiệp.


- Chị Lục Thị Thoa (Công ty Cổ phần Đại Kim): Đơn vị tôi có NLĐ nghỉ việc do mắc Covid-19, có giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH. Do là giấy cấp lại (đóng dấu đỏ ghi cấp lại) nên ngày bắt đầu được nghỉ không trùng với ngày NLĐ đến khám. Do vậy, khi thanh toán thì BHXH quận Thanh Xuân không duyệt thanh toán. Cùng một hệ thống BHXH mà trường hợp tương tự như vậy làm thủ tục ở BHXH quận Đống Đa đã được thanh toán mà tại sao BHXH quận Thanh Xuân lại không duyệt thanh toán? Những trường hợp sai thông tin như vậy được thông báo là chờ hướng dẫn của Bộ y tế, vậy chờ đến khi nào?

- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Hiện tại cơ quan BHXH là cơ quan thực hiện theo các quy định của Chính phủ và chúng tôi đã thấy những vướng mắc và đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền để sửa đổi.

Trực tuyến hình ảnh: Chính sách mới và chăm sóc sức khỏe cho người lao động

Trực tuyến hình ảnh: Chính sách mới và chăm sóc sức khỏe cho người lao động

Ê kíp thực hiện truyền trực tuyến buổi Đối thoại - Giao lưu

Covid-19 là bệnh mới, NLĐ không may mắc cũng gặp nhiều khó khăn khi xin giấy xác nhận. Đây cũng là khó khăn của cả đơn vị BHXH. Chúng tôi rất chia sẻ với chị. Chúng tôi mong muốn có thể giải quyết nhanh nhất cho người lao động. Tuy nhiên, để sửa đổi vẫn còn phải đợi các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu các giấy tờ thủ tục NLĐ chưa chính xác thì chúng tôi hoàn toàn có thể cùng NLĐ phối hợp tháo gỡ.

- Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Trong trường hợp NLĐ chấm dứt hợp đồng tại đơn vị khi các chế độ chính sách liên quan đến Covid-19 thì chưa giải quyết được thì NLĐ hoàn toàn có thể bảo lưu. Vì trong hợp đồng quy định rõ quyền được bảo lưu, giúp đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của NLĐ.

Trực tuyến hình ảnh: Chính sách mới và chăm sóc sức khỏe cho người lao động
Bà Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô phát biểu bế mạc buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến

Phát biểu bế mạc buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc cho biết: Sau khoảng thời gian hơn 2 giờ, buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến đã thành công tốt đẹp và hết sức sôi nổi.

Tại buổi Đối thoại, giao lưu hôm nay, Ban tổ chức đã nhận được trên 20 câu hỏi trực tiếp tại hội trường với nhiều câu hỏi “kép” liên quan thiết thực với NLĐ. Cùng với đó, Báo cũng nhận được trên 100 câu hỏi gửi trực tuyến qua hộp thư điện tử của báo Lao động Thủ đô.

Các câu hỏi hôm nay cũng tập trung vào những vấn đề mới, thiết thực, liên quan trực tiếp đến NLĐ như chế độ, chính sách đối với người bị nhiễm Covid-19, BHYT, BHXH, hợp đồng lao động. Những vấn đề này đã được các chuyên gia tháo gỡ một cách thực tế, dễ hiểu.

Tuy nhiên, do thời lượng có hạn, vẫn còn nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi đến chưa được trả lời hết tại buổi giao lưu, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô mong muốn công nhân lao động sẽ tiếp tục gửi câu hỏi, báo Lao động Thủ đô sẽ là cầu nối gửi tới các chuyên gia, các cơ quan chức năng và trả lời bạn đọc.

Nhóm PV
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...