• :
  • :

Dự báo nhu cầu nhân lực của xã hội để lựa chọn ngành nghề

Chọn ngành, chọn trường là vấn đề gây khó với nhiều học sinh và phụ huynh bởi ai cũng kỳ vọng, sau khi ra trường sẽ có cơ hội việc làm rộng mở và nhận về mức lương hấp dẫn.

Dự báo nhu cầu nhân lực của xã hội để lựa chọn ngành nghề

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Trang Hà

Lúng túng lựa chọn nguyện vọng

Khi càng tìm hiểu thông tin tuyển sinh nhiều trường đào tạo các ngành Y - Dược, bạn Nguyễn Thị Dung - học sinh lớp 12, Trường THPT Đan Phượng (Hà Nội) - càng cảm thấy rất lo lắng.

“Bản thân em yêu thích ngành Y và mong muốn trở thành một bác sĩ giỏi. Để thực hiện ước mơ đó, em có dự định đăng ký vào Trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Tuy nhiên, 2 trường này đều có điểm đầu vào cao chót vót. Ngành Y lại là ngành học rất đặc thù nên em vẫn băn khoăn tìm phương án dự phòng” - Dung cho biết.

Dù đã trúng tuyển sớm ở 2 trường đại học nhưng Phạm Tuấn Phát - học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) lại không biết nên quyết định như thế nào. Nam sinh cho biết, do không xác định được thích gì nên đã rải hồ sơ ở nhiều trường đại học.

“Hiện tại, dù đã có thông báo trúng tuyển nhưng em vẫn rất băn khoăn không biết nên chọn ngành nào để sau khi tốt nghiệp có thể tìm được một công việc tốt, mức lương ổn định” - Tuấn Phát chia sẻ.

Trái ngược với Tuấn Phát, Phan Thị Hương Thảo - học sinh lớp 12 Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) chỉ sử dụng một phương thức xét tuyển duy nhất - xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Nữ sinh cho hay: “Điểm chuẩn 4 năm trở lại đây đều ở mức rất cao, có năm 26 - 27 điểm vẫn trượt đại học nên em thấy rất lo sợ. Thêm nữa, năm nay là năm cuối cùng tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo chương trình cũ, áp lực chọn ngành, chọn trường của em lại càng tăng thêm”.

Cẩn trọng khi chọn ngành, chọn trường

Chọn ngành học, trường học phù hợp là điều rất quan trọng, quyết định kết quả 4 năm học cũng như tương lai sau này. Theo các chuyên gia tuyển sinh, thí sinh cần phân tích kỹ trước khi đưa ra lựa chọn cuối cùng.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, TS Lê Danh Quang - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội - cho rằng: “Khi chọn ngành nghề, các sĩ tử cần căn cứ vào 3 yếu tố: đam mê, năng lực bản thân, cơ hội việc làm và khả năng thu nhập của ngành”.

Lý giải về 3 yếu tố chọn ngành, TS Lê Danh Quang cho biết - ngành học các sĩ tử chọn hiện tại có thể trở thành nghề nghiệp gắn bó suốt đời. Nếu không có đam mê, thí sinh sẽ dễ chán nản, dẫn tới bỏ cuộc giữa chừng hoặc kết quả học tập “bết bát”.

Tuy nhiên, đam mê cũng cần đi kèm với năng lực hiện thực hóa đam mê đó, nếu không, người học có thể chơi vơi, không theo kịp tiến độ học tập. Đặc biệt, thí sinh cần cân nhắc lựa chọn ngành nghề đang có nhu cầu nhân lực cao, từ đó, khi ra trường có cơ hội làm việc đúng ngành, phát huy được hết kiến thức, kinh nghiệm được học.

“Hài hòa được 3 yếu tố trên sẽ giúp các thí sinh xác định được chính xác nguyện vọng của bản thân” - TS Lê Danh Quang bày tỏ.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Phi Long - Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam - cho rằng, chọn ngành dựa trên dự báo nhu cầu nhân lực của xã hội là phương án khôn ngoan.

“Dưới khía cạnh đào tạo, chúng tôi nhận thấy một thực tế, có rất nhiều sinh viên ra trường không kiếm được việc làm hoặc phải làm trái ngành, trái nghề. Đây là một sự lãng phí rất lớn, xét trong cả khía cạnh đào tạo lẫn cá nhân các sinh viên. Vậy nên, một lời khuyên dành cho các sĩ tử 2006 rằng, trước khi chính thức đặt nguyện vọng, các bạn hãy nhìn vào dự báo nhu cầu nhân lực của xã hội. Từ đó đưa ra lựa chọn ngành nghề mà sau khi ra trường có thể tiệm cận với vị trí việc làm” - TS Nguyễn Phi Long đưa ra lời khuyên.

Lượt xem: 6
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết