• :
  • :

Giải bài toán khó cho các bãi tạm giữ xe vi phạm

Theo chuyên gia pháp lý, nên thay đổi hình thức xử lý đối với phương tiện vi phạm, theo hướng tăng nặng mức xử phạt vi phạm hành chính lên thay vì giữ xe. Việc này vừa giảm áp lực cho các bãi tạm giữ, vừa tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Giải bài toán khó cho các bãi tạm giữ xe vi phạm

Phương tiện bị thu giữ xuống cấp, hư hỏng theo thời gian. Ảnh: Hữu Chánh

Bất cập từ các bãi trông giữ xe vi phạm

Hầu hết xe tang vật trong vụ án, xe liên quan đến tai nạn giao thông và nhiều trường hợp vi phạm bị lực lượng chức năng xử lí, đưa về các bãi trông giữ phương tiện vi phạm của Hà Nội, TPHCM và nhiều tình thành trên cả nước. Tuy nhiên hiện nhiều bãi trông giữ lên tới hàng nghìn chiếc và đang trong tình trạng quá tải.

Riêng tại TPHCM, thống kê đến hết tháng 2.2023 cho thấy, đã có tổng cộng gần 32.000 xe vi phạm quá thời hạn tạm giữ nhưng vẫn tồn trong các kho bãi. Dự kiến trong năm nay, thành phố sẽ tổ chức 4 đợt đấu giá để thanh lý hơn 16.000 xe vi phạm mà không có người đến nhận.

Xe cũ chưa thanh lí xong thì xe vi phạm mới bị tạm giữ lại đến. Trung bình mỗi ngày, lực lượng cảnh sát giao thông tạm giữ thêm 500 phương tiện vi phạm. Vì thế các kho bãi giữ xe vi phạm không chỉ của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt (Công an TPHCM) mà tại các quận, huyện đều rơi vào tình trạng quá tải.

Bãi giữ xe quá tải, trong khi thủ tục đấu giá thanh lí xe cũ thì quá dài. Vòng luẩn quẩn này khiến bài toán bảo quản, đấu giá xe vi phạm chưa thể được giải trong suốt nhiều năm qua. Chỉ khi nút thắt pháp lí được gỡ, địa phương mới mạnh dạn thực hiện đấu giá, thanh lí xe vi phạm thay vì làm mà nơm nớp sợ sai.

Nếu theo quy định, để đấu giá, thanh lí 1 chiếc xe máy vi phạm quá thời hạn nộp phạt, nhanh nhất phải mất 1,5 năm. Ngoài việc phải đảm bảo quy định về xác minh, giám định phương tiện là vô chủ không đủ điều kiện sử dụng, một trong những yêu cầu bắt buộc trước khi địa phương đưa ra phương án đấu giá là phải có sự đồng thuận của Bộ Công an. Đây cũng là điểm nghẽn khiến thời gian thực hiện đấu giá, thanh lí xe vi phạm kéo dài, tạo áp lực cho kho bãi hiện tại.

Cần tăng nặng mức xử phạt hành chính

Trao đổi với Lao Động, luật sư Quách Thành Lực, Đoàn luật sư TP Hà Nội - cho biết, việc đấu giá tài sản phải trải qua các bước như thông báo công khai, tuân theo các quy định của Bộ Tư pháp như việc lựa chọn đơn vị đấu giá, thông báo về việc đấu giá để đa số người dân tiếp cận được đông nhất để người dân đến mua đấu giá. Từ đó giá trị thu về được cao nhất, tránh thiệt hại cho ngân sách cho nhà nước trong trường hợp này.

“Có những xe bị tịch thu, có những xe quá thời hạn tạm giữ liên quan đến vấn đề niêm yết, thời gian và các thủ tục… Đối với những trường hợp này, chúng ta cần có quy định rút gọn, ngắn nhất, cho phép các đơn vị chủ động thực hiện đấu giá và đảm bảo tính minh bạch, công khai cao nhất, lúc đó mới có thể giải quyết được tình trạng này một cách nhanh nhất" - luật sư Lực nói.

Tuy nhiên, hiện đang có nhiều chồng chéo, trong khi tài sản chỉ còn những đống sắt vụn, giá trị tài sản không còn nhiều dẫn đến việc chi trả các khoản chi phí từ việc thẩm định giá, thuê kho, xác minh, kiểm đếm... Điều này làm khó cơ quan chức năng khi vừa làm vừa nơm nớp lo sợ.

"Ngay chi phí để trông giữ xe, kho bãi thì cũng chỉ trả được khi đấu giá được tài sản. Do đó, chúng ta cần bố trí một nguồn ngân sách cho việc này. Chẳng hạn nó là một dạng quỹ, nhưng khi đấu giá được tài sản thanh lí thì sẽ trả về cho quỹ đó, điều này sẽ tạo điều kiện cho các bên. Thứ nhất tăng được giá trị thu về, thứ hai sẽ không làm khó cơ quan chức năng khi vừa làm vừa nơm nớp lo sợ" - luật sư Lực cho biết.

Theo luật sư Lực, cần nên thay đổi hình thức xử lí đối với phương tiện vi phạm, tức là tăng nặng mức xử phạt vi phạm hành chính lên thay vì giữ xe, bởi điều này có thể giảm áp lực cho các bãi tạm giữ, vừa có thể tăng thu cho ngân sách.

"Khi chúng ta tăng mức xử phạt liên quan đến hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông và áp dụng một cách triệt để thì hiện tượng sử dụng rượu bia giảm xuống rất rõ rệt, đó là biện pháp mang tính phòng ngừa rất cao.

Sắp tới, nếu có tăng thêm mức xử phạt, trường hợp tạm giữ xe phải phù hợp với lỗi vi phạm và các quy định của pháp luật. Còn một số trường hợp khác sẽ trừ thẳng luôn vào tài khoản để đánh trực tiếp, chính xác vào người đang vi phạm. Không để xảy ra trường hợp xe đi mượn nhưng lại bị giữ xe thì những người vi phạm lại có thái độ ỷ lại, không chịu đi nộp phạt để lấy xe về mà đẩy trách nhiệm sang cho người khác. Điều này không hoàn toàn hợp lí và tính phòng ngừa trong lúc này không được bảo đảm.

Hiện nay, việc dữ liệu về dân cư về việc thanh toán không dùng tiền mặt, điều này Bộ Công an cần sớm nghiên cứu để sớm đưa vào áp dụng cho trường hợp này" - luật sư Lực nói.

Đánh giá về tình trạng quá tải tại các bãi trông giữ phương tiện vi phạm, TS Khương Kim Tạo - Nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - khẳng định, bây giờ một số chủ xe có thể bỏ phương tiện nhưng chúng ta vẫn phải xử lí.

"Tình trạng xe vi phạm chất đống ở bãi tạm giữ tồn tại nhiều năm qua cho thấy sự phối hợp giải quyết của cơ quan chức năng với chủ phương tiện vi phạm chưa hiệu quả.

Đồng thời thủ tục xử lí, thanh lí phương tiện vi phạm rườm rà... Đòi hỏi sự quyết liệt trong sửa đổi, bổ sung Luật Xử lí vi phạm hành chính và Luật Đấu giá tài sản. Cùng với đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Công an và các cơ quan liên quan đến thủ tục đấu giá tài sản" - ông Tạo nói.

Lượt xem: 4
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết