• :
  • :

Giáo viên kiến nghị giãn thời gian kiểm tra, bỏ bài thi giữa học kì

Kiểm tra, đánh giá học sinh cần gọn nhẹ, giảm áp lực, căng thẳng để các em có niềm vui trong học tập thay vì nặng về điểm số.

Giáo viên kiến nghị giãn thời gian kiểm tra, bỏ bài thi giữa học kì

Giáo viên kiến nghị giãn thời gian kiểm tra, bỏ bài thi giữa học kì để giảm áp lực cho học sinh. Ảnh: Vân Trang

Thời điểm hiện tại, học sinh trên cả nước đã kết thúc 18 tuần thực học và đã hoàn thành kiểm tra cuối học kì I năm 2023-2024, chuẩn bị cho lễ sơ kết học kì I.

Sau kiểm tra học kì I, dư luận có nhiều tâm tư, nhiều phụ huynh, học sinh cảm thấy áp lực vì phải thi cử, kiểm tra quá nhiều. Vậy làm gì để việc kiểm tra, đánh giá diễn ra trong sự hân hoan của học trò mà vẫn đảm bảo tính công bằng, khách quan? Đây là câu hỏi đặt ra với mỗi nhà giáo, mỗi nhà trường.

Tăng số môn đánh giá bằng nhận xét

Ở bậc THCS và bậc THPT, việc kiểm tra đánh giá học sinh được thực hiện theo Thông tư Số 22/2021/TT-BGDĐT.

Theo đó, giáo viên đánh giá bằng nhận xét đối với các môn học: Giáo dục thể chất; Nghệ thuật; Âm nhạc; Mĩ thuật; Nội dung giáo dục của địa phương; Hoạt động trải nghiệm; hướng nghiệp. Đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số đối với các môn học còn lại trong Chương trình giáo dục phổ thông.

Về việc này, Bộ GDĐT nên xem xét tăng môn đánh giá bằng nhận xét, chẳng hạn, thêm môn GDCD vào môn đánh giá bằng nhận xét. Điều này sẽ giúp giảm tải áp lực về thi cử, điểm số cho học sinh.

Thay đổi tính hệ số

Để đạt điểm cao trong bài kiểm tra định kì, học sinh cần ôn tập theo đề cương thật kĩ nên áp lực là không tránh khỏi. Thường trước tiết kiểm tra là tiết ôn tập. Giáo viên sẽ triển khai đề cương, hướng dẫn các em soạn bài, ôn tập, giải đáp đề cương.

Điểm kiểm tra giữa kì được tính hệ số 2, điểm kiểm tra cuối kì tính hệ số 3. Cánh tính hệ số này cũng áp lực cho học sinh về mặt đánh giá xếp loại: Giỏi, Khá, Đạt, Chưa đạt. Chưa kể, không ít phụ huynh mang tâm lý coi trọng điểm số và thành tích, tạo thêm gánh nặng trên vai các em học sinh. Điểm số không phải là thước đo năng lực duy nhất đánh giá đối với học sinh. Do đó, Bộ GDĐT nên xem xét điều chỉnh lại hệ số các bài kiểm tra cho phù hợp.

Giãn cách thời gian kiểm tra

Theo nhiều thầy cô, để giảm áp lực kiểm tra định kì nhà trường nên tổ chức kiểm tra trong một vài tuần thay vì tập trung kiểm tra trong một tuần. Điều này sẽ giúp các em có thời gian “xả hơi”, nạp lại năng lượng cho môn kiểm tra sau.

Tiếp đến là đề kiểm tra cần chú trọng phát huy phẩm chất, năng lực học sinh, tránh kiểm tra ghi nhớ thuộc lòng để các em không áp lực phải học thuộc bài. Nếu làm được việc này, kiểm tra, đánh giá sẽ trở nên nhẹ nhàng với mỗi học trò.

Đơn cử, Trường THCS Trịnh Phong (Diên Khánh - Khánh Hòa), các em được ôn bài rất kĩ nên quá trình làm bài kiểm tra định kì rất nhẹ nhàng. Trường cũng không tổ chức kiểm tra tập trung mà phân đều kiểm tra trong hai tuần nên học sinh không bị áp lực, căng thẳng. Đề kiểm tra cũng nhẹ nhàng bảo đảm tính vừa sức không đánh đố học sinh.

Cách tổ chức kiểm tra và đề kiểm tra ở mỗi trường, mỗi địa phương có sự khác nhau, đây là điều không tránh khỏi. Song, dù ở hình thức nào, đề thi không nên tạo quá nhiều áp lực cho học sinh.

Giảm số lượt kiểm tra

Với môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số, đầu số đầu điểm đánh giá thường xuyên đối với mỗi môn học sẽ khác nhau, tùy thuộc vào số tiết/năm/môn. Còn đối với kiểm tra định kì tất cả các môn học đều có 4 cột điểm/năm (2 giữa kì và 2 cuối kì).

Bộ GDĐT nên nghiên cứu, giảm số đầu điểm kiểm tra định kì từ 4 xuống còn 2 đầu điểm/năm. Chỉ kiểm tra cuối kì là đủ vì các em học sinh đã có kiểm tra thường xuyên nên không cần phải kiểm tra giữa kì. Khi giảm số lượt kiểm tra định kì, học sinh sẽ được giảm áp lực, gánh nặng điểm số.

Học phải kiểm tra là tất nhiên. Tuy nhiên, như nói trên, cần cải tiến để việc thi cử, kiểm tra định kì gọn nhẹ, giảm bớt áp lực, căng thẳng không đáng có cho học sinh để các em đến trường cảm thấy vui trong học tập thay vì nặng nề về kiểm tra, điểm số.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...