• :
  • :

Giáo viên phải vận động học sinh không thi lớp 10 để hoàn thành nhiệm vụ?

Thầy Nguyễn Văn Lực - nguyên giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Khánh Hoà - người đã có hơn 30 năm gắn bó với bục giảng, đã có những chia sẻ xoay quanh câu chuyện "ép học sinh không thi vào lớp 10" những ngày qua.

Những ngày qua, mạng xã hội đang lan truyền một lá đơn có tựa đề “Đơn xin không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025” được cho là xuất phát từ Trường THCS Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn, TPHCM).

Hình ảnh đăng tải khiến dư luận xôn xao và đặt ra câu hỏi vì sao có sự ra đời của lá đơn trên. Liệu “Có phải do năng lực học tập của học sinh, việc phân luồng hay vì bệnh thành tích trong giáo dục”?

Là một giáo viên trải qua 38 năm đứng trên bục giảng cấp THCS, tôi thấy buồn khi ngành giáo dục chúng ta mãi loay hoay về việc thi cử hàng năm, nhất là kì thi tuyển vào lớp 10 công lập - cuộc "chạy đua" đầy áp lực đã dẫn đến việc làm đối phó của thầy cô với cấp trên. Lá “Đơn xin không tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025” là một minh chứng cho điều này.

Theo Thông tư Số 03/VBHN-BGDĐT ngày 3.5.2019 Ban hành quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, đối tượng tuyển sinh THPT là người học đã tốt nghiệp trung học cơ sở… Như vậy về mặt pháp lý học sinh tốt nghiệp THCS được quyền tham gia tuyển sinh vào lớp 10 THPT mà không ai được quyền tước đoạt dưới bất kì hình thức nào.

Vậy đâu là nguyên nhân sâu xa của việc nhà trường phát mẫu "Đơn xin không tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025”? Nguyên nhân vì đâu mà giáo viên chủ nhiệm lại yêu cầu học sinh viết vào lá đơn "in sẵn"? Vì sao hiệu trưởng, người đứng đầu nhà trường, lại để cho những việc làm trái với quy định tồn tại trong trường?

Câu trả lời là vì chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10, là tiêu chí xếp loại thi đua trường học và đánh giá giáo viên lớp 9 dạy các môn thi tuyển vào lớp 10 (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ).

Thậm chí, nhiều trường sau khi có kết quả tuyển sinh, hiệu trưởng còn yêu cầu giáo viên giải trình vì sao chất lượng môn thi thấp, kết quả dưới mặt bằng chung của huyện.

Cũng không trách hiệu trưởng được vì hiệu trưởng cũng bị cấp trên xem xét trách nhiệm nếu tỉ lệ học sinh trường mình đỗ vào lớp 10 công lập thấp.

Có một thực tế, vào đầu mỗi năm học, tất cả các trường, đều tiến hành Hội nghị viên chức, thông qua các số liệu: Tỉ lệ lên lớp thẳng; tỉ lệ học sinh giỏi; tỉ lệ tốt nghiệp THCS; tỉ lệ vào lớp 10 công lập… và như vậy thầy cô phải thực hiện để xem xét thi đua vào cuối năm học. Đây thật sự là áp lực mà thầy cô ai cũng than thở và âm thầm tìm cách hoàn thành nếu không muốn xếp loại “không hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Để không có “Đơn xin không tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025”, tôi cho rằng, trường học không cần phải đặt ra những chỉ tiêu như đã nói.

Điều đó không đồng nghĩa thầy cô buông lỏng chất lượng dạy học bởi mỗi thầy cô cần dạy với lương tâm trách nhiệm, đạo lý của người thầy. Cũng không thể bắt tất cả học sinh tốt nghiệp THCS đều vào lớp 10 THPT bởi các em có những con đường khác nhau sau tốt nghiệp tùy vào năng lực học tập, định hướng nghề nghiệp của các mà em lựa chọn.

Hàng năm các trường Trung cấp nghề, Cao đẳng nghề thường về các trường THCS để tư vấn nghề cho học sinh lớp 9. Đây là việc làm cần thiết và cần tiếp tục phát huy. Tuy vậy, nhà trường, thầy cô không có quyền can thiệp vào việc lựa chọn học nghề hay học văn hóa của học sinh, nói cách khác không nên vận động học sinh học không thi vào lớp 10. Thi vào lớp 10 hay không là quyền của học sinh mà không ai có quyền ngăn cản.

Báo cáo thành tích (bệnh thành tích) trở thành căn bệnh khó chữa lành nếu không có biện pháp và quyết tâm thực hiện “dạy thật, học thật, thi thật” như Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đối với ngành giáo dục.