Hà Nội: Thực thi hiệu quả Công ước chống tra tấn
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, công khai, theo đúng quy định của pháp luật, Thành phố sẽ tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, khảo sát, đánh giá việc chấp hành pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác, đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến tra tấn.
Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 126/KH-UBND về tăng cường thực thi hiệu quả Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước CAT) và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kế hoạch được ban hành nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy định của Hiến pháp, các quy định pháp luật có liên quan và các nội dung của Kế hoạch quốc gia về triển khai thực hiện Công ước CAT.
Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, đặc biệt là hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia thành viên Công ước trong việc tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước CAT và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn.
UBND Thành phố đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn.
Ảnh minh họa. Ảnh VGP |
Đồng thời đầu tư, xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ chuyên môn giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh; bảo quản, lưu trữ, khai thác, sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; tăng cường sử dụng, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong công tác công vụ.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả thi hành các quy định về bảo đảm quyền, chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án, người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Nâng cao hiệu quả tiếp nhận và tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, đơn khiếu nại, đơn tố cáo liên quan đến tra tấn.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, công khai, theo đúng quy định của pháp luật, Thành phố sẽ tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, khảo sát, đánh giá việc chấp hành pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác, đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến tra tấn.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng hoạt động bồi thường, hỗ trợ cho nạn nhân của hành vi tra tấn, nhất là nạn nhân của các hành vi bức cung, dùng nhục hình, làm chết người trong khi thi hành công vụ, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ, mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu, bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.
Thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và đào tạo về Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn, về nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong thực thi Công ước CAT và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn.
UBND Thành phố yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến về Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn, về nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong thực thi Công ước CAT. Trong đó, ưu tiên tổ chức tuyên truyền, phổ biến chuyên sâu về các nội dung này hoặc lồng ghép hoạt động tuyên truyền, phổ biến các nội dung này trong các chương trình, hoạt động khác có liên quan.
Cùng với đó, thường xuyên cập nhật Bộ tài liệu tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống tra tấn cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về: Nội dung Công ước CAT; pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn; Bản khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn; các nỗ lực, thành tựu nổi bật khác của Việt Nam đã đạt được trong phòng, chống tra tấn.
Đồng thời, cập nhật Bộ tài liệu tập huấn về Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn cho giảng viên, tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật cấp Thành phố; Bộ tài liệu giảng dạy, tập huấn về phòng, chống tra tấn cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, nhất là các cán bộ, chiến sĩ làm công tác điều tra, truy tố, xét xử; thi hành tạm giữ, tạm giam; thi hành án hình sự; khám chữa bệnh trong các cơ sở giam giữ thuộc Thành phố.
UBND Thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tổ chức và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục, tập huấn về Công ước CAT, pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn và những nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong thực thi Công ước CAT cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức và Nhân dân, bao gồm các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, tôn giáo, người dân sống ở khu vực miền núi; người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phạm nhân, người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính bằng các ngôn ngữ dân tộc khác nhau.
Thành phố cũng sẽ mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm để triển khai hiệu quả Công ước CAT và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn…