• :
  • :

Hôm nay, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Chiều 10/11, Quốc hội sẽ nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra, rồi sau đó các đại biểu sẽ thảo luận tại tổ về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Theo chương trình dự kiến của kỳ họp thứ 6, chiều 10/11, Quốc hội sẽ nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về 2 dự án luật này và các báo cáo của Chính phủ về sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM.

Cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô

Mục tiêu xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý; Xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; Khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, nội dung cốt lõi của Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều vấn đề mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó bổ sung các quy định về cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển Thủ đô.

Nhiều ý kiến cho rằng, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi hoàn thiện trên cơ sở ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thể hiện đúng tinh thần đây là dự án luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị, xã hội, lịch sử, văn hóa sâu sắc.

Hôm nay, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)
Cần cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để phát triển Thủ đô

Cùng với đó, việc sửa đổi luật cơ bản đã bám sát cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn về xây dựng, bảo vệ và phát triển Thủ đô, đã thể chế hóa kịp thời các chủ trương, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra theo các nghị quyết của Đảng.

Các vấn đề đưa ra trong dự án luật góp phần giải quyết được những bức xúc, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra thời gian qua, xây dựng phát triển Thủ đô tốt hơn.

Các ý kiến cũng cho rằng, với việc quy định nhiều cơ chế, chính sách đặc thù trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ không chỉ Thủ đô mà còn Vùng Thủ đô, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được đánh giá là cơ hội rất lớn, tạo lợi thế để Hà Nội phát triển, vươn lên tầm vóc mới, vị thế mới không chỉ của cả nước mà còn trong khu vực và thế giới.

Mấu chốt vẫn là vấn đề phân quyền

Ở các phiên họp trước khi diễn ra kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, đặc biệt, vượt trội, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ nhưng cũng giao trách nhiệm lớn cho chính quyền trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô.

Các cơ chế, chính sách được thiết kế trong dự thảo luật phải rõ ràng, rành mạch về phạm vi, nội dụng phân quyền; lĩnh vực phân quyền phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và có cơ chế kiểm soát quyền lực thông qua việc quy định cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất về kỹ thuật lập pháp, cách thức thể hiện trong toàn bộ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), bảo đảm cụ thể, rõ nội dung, phạm vi, đối tượng phân quyền và cơ chế phân cấp, ủy quyền tiếp gắn với chế độ trách nhiệm; hạn chế những quy định không mang tính quy phạm.

Hôm nay, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Nhấn mạnh đây là đạo luật riêng quy định cho Hà Nội, vừa là Thủ đô hành chính của cả nước, vừa là một đô thị đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, quy định các cơ chế riêng, ưu đãi đặc thù, đặc biệt vượt trội so với hệ thống pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát để hoàn thiện các nội dung cơ bản về các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, ưu tiên đối với Hà Nội trong vấn đề phân quyền, phân cấp, ưu tiên và trách nhiệm; xác định rõ mỗi cơ chế, chính sách có phân quyền, có phân cấp, có ưu tiên nhưng đồng thời phải có trách nhiệm.

“Đây không chỉ là ưu tiên mà đây chính là Trung ương giao trách nhiệm rất nặng nề cho Hà Nội. Nội dung này cần phải thể hiện rõ hơn trong tờ trình và trong các báo cáo thẩm tra", Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, các cơ chế, chính sách đặc thù, cần phải xác định rõ, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm và phải bảo đảm tính khả thi.

Đồng thời, cùng với các cơ chế, chính sách riêng, đặc thù, nổi trội, ưu tiên là trách nhiệm kèm theo phù hợp với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô trong yêu cầu phát triển mới.

Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục làm rõ các cơ chế, chính sách, phân quyền, phân cấp, ủy quyền, ưu tiên, trách nhiệm rất mạnh trong các lĩnh vực bảo đảm rõ ràng, đầy đủ, đồng bộ, dứt khoát, tổng thể và khả thi.

Trong đó là vấn đề cơ chế đặc thù về tổ chức bộ máy, cán bộ, biên chế, chuyên gia, tiền lương; Huy động các nguồn lực, cả ngân sách và ngoài ngân sách mạnh mẽ, hiệu quả để thực hiện các nhiệm vụ đã phân cấp, phân quyền cho Hà Nội…

“Đây là Thủ đô hành chính của cả nước, là đô thị đặc biệt của cả nước thì cần phải thiết kế các điều khoản và nội dung tương tự, cả quyền hạn và trách nhiệm”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Lượt xem: 3
Tác giả: Hậu Lộc