Không ngừng, không nghỉ
Kiên trì cải cách hành chính là nhiệm vụ được thành phố Hà Nội đẩy mạnh thực hiện trong nhiều năm qua và đã đạt kết quả tích cực.
Điển hình là năm 2022, toàn thành phố đã giải quyết 3.718.646/3.749.210 hồ sơ, trong đó tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn, đúng hạn đạt 99,8%. Toàn bộ thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”.
Cùng với đó, các đơn vị luôn chú trọng việc nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách thủ tục hành chính nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức mà vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả công việc. Ngoài ra, thành phố cũng phân cấp, ủy quyền giải quyết hàng trăm thủ tục hành chính về cấp huyện, cấp sở…
Tuy nhiên, ở đâu đó, nhất là cấp cơ sở vẫn còn không ít phàn nàn về cải cách hành chính và những "điểm nghẽn" vẫn còn. Điều này cho thấy việc tiếp tục nâng cao chất lượng lĩnh vực này sẽ là việc cần được kiên trì đẩy mạnh hơn.
Hiện thực hóa chủ đề công tác “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” năm 2023, từ ngày 12-1-2023, UBND thành phố đưa vào vận hành Hệ thống quản lý văn bản và điều hành thành phố Hà Nội dùng chung cho các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thủ đô. Trong đó phấn đấu đến hết năm 2023, khoảng 90% hồ sơ công việc tại cấp thành phố, 80% tại cấp huyện và 60% tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc bí mật).
Tương tự, UBND thành phố cũng ban hành Quyết định số 280/QĐ-UBND ngày 11-1-2023 về việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước năm 2023 của thành phố Hà Nội. Kế hoạch đặt chỉ tiêu Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của thành phố xếp trong nhóm 8 địa phương đứng đầu cả nước; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của cơ quan nhà nước (SIPAS) đạt tối thiểu 89%; 100% hồ sơ hành chính được trả kết quả giải quyết đúng hạn và trước hạn; 100% phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính, quy định hành chính được tiếp nhận, xử lý và thông báo kết quả giải quyết kịp thời...
Để thực hiện tốt hai chỉ đạo mới nhất nêu trên, trước hết, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần tăng cường chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính; nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật cũng như việc thực hiện cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa” liên thông. Người đứng đầu các cấp, các ngành định kỳ ít nhất 6 tháng/lần tổ chức đối thoại với cá nhân, tổ chức, người dân về thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính (đặc biệt là lĩnh vực về đầu tư, tài nguyên môi trường, quy hoạch, xây dựng); kịp thời có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.
Từng đơn vị, địa phương phải hiện thực hóa quyết tâm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện cải cách tài chính công; chủ động triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số phục vụ doanh nghiệp, người dân...
Đặc biệt, mỗi cán bộ, công chức, viên chức - những người trực tiếp giao dịch với người dân, doanh nghiệp cần không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp để hoàn thành tốt nhất công việc được giao.
Về phía người dân, ngoài chủ động nắm bắt các quy định cũng cần đẩy mạnh tìm hiểu, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến; không tiếp tay cho “tham nhũng vặt” khi thực hiện các giao dịch hành chính.
“Dư địa” cải cách hành chính vẫn còn và luôn là mục tiêu không ngừng, không nghỉ. Nếu được làm tốt sẽ là “chìa khóa” góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thủ đô trong năm 2023 như mục tiêu đề ra.