• :
  • :

Làm rõ tính bắt buộc trong huy động lực lượng, phương tiện khi có thảm hoạ, sự cố

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị phân loại các trường hợp huy động con người, tài sản theo các mức độ không bắt buộc (có thể dùng từ vận động thay cho huy động) và bắt buộc. Đối với trường hợp huy động bắt buộc, nếu người đó hoặc chủ tài sản từ chối tham gia thì cần bổ sung chế tài.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi tham vấn doanh nghiệp, vừa góp ý vào Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo.

Chưa làm rõ về tính bắt buộc của việc huy động

Theo VCCI, Dự thảo Luật quy định về việc huy động lực lượng, phương tiện trong trường hợp thảm hoạ, sự cố. Nhìn chung, các doanh nghiệp đồng tình với việc trong tình huống thảm hoạ, sự cố, các cơ quan nhà nước có quyền huy động con người và tài sản của doanh nghiệp để thực hiện việc ứng phó. Các doanh nghiệp cũng sẵn sàng đáp ứng yêu cầu này từ phía Nhà nước.

Tuy nhiên, dự thảo chưa làm rõ về tính bắt buộc của việc huy động. Nói cách khác, người hoặc chủ tài sản được huy động có quyền từ chối tham gia hay không? Trường hợp nào được từ chối, trường hợp nào không được?

Theo VCCI, trên thực tế, nhiều trường hợp Nhà nước cần sử dụng nguồn lực của người dân, doanh nghiệp nhưng chỉ cần ở mức độ kêu gọi, tự nguyện. Khi đó, nếu người dân và doanh nghiệp từ chối tham gia thì cũng không phải đối mặt với chế tài của pháp luật.

Làm rõ tính bắt buộc trong huy động lực lượng, phương tiện khi có thảm hoạ, sự cố
Diễn tập ứng phó xử lý thảm họa thiên tai. (ảnh minh họa: VGP)

Điều này có thể diễn ra trong hai trường hợp. Thứ nhất, khi nguồn lực có thể huy động tương đối dồi dào, dựa trên tinh thần tình nguyện là đủ, chưa đến mức phải bắt buộc. Thứ hai, nhiệm vụ tham gia ứng phó thảm hoạ tương đối nguy hiểm và Nhà nước không muốn ép buộc bất kỳ ai phải chịu rủi ro đó.

Trong một số trường hợp khác, người được huy động có lý do chính đáng để từ chối tham gia. Ví dụ như gia đình có trẻ nhỏ hoặc người không có khả năng tự chăm sóc thì có thể được miễn tham gia các hoạt động ứng phó dài ngày, hoặc những người có lý do sức khoẻ mà nếu tham gia hoạt động ứng phó thảm hoạ thì có thể gặp nguy hiểm.

Cũng có trường hợp cơ quan nhà nước không huy động trực tiếp từng cá nhân cụ thể mà huy động thông qua các doanh nghiệp. Ví dụ, Nhà nước huy động một bệnh viên tư nhân cung cấp 30 y, bác sĩ để tham gia phòng, chống dịch bệnh. Lúc này, bệnh viện lại tiếp tục làm việc với từng người lao động của họ. Vậy cơ chế để thực hiện việc này như thế nào? Vì mối quan hệ giữa bệnh viện tư nhân và y, bác sĩ là quan hệ lao động, và trong nhiều trường hợp, hợp đồng lao động không có điều khoản quy định về việc này.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung vào dự thảo các quy định để xử lý các trường hợp trên. Cụ thể, phân loại các trường hợp huy động con người, tài sản theo các mức độ không bắt buộc (có thể dùng từ vận động thay cho huy động) và bắt buộc. Đối với trường hợp huy động bắt buộc, nếu người đó hoặc chủ tài sản từ chối tham gia thì cần bổ sung quy định về chế tài.

Đồng thời, bổ sung quy định về các trường hợp người hoặc chủ tài sản được huy động từ chối tham gia vì lý do chính đáng và được sự đồng ý của người huy động, đi kèm với việc bổ sung quy định xử lý thật nặng trường hợp gian dối hoặc che giấu thông tin khi đưa lý do từ chối tham gia.

Làm rõ sự khác biệt giữa huy động phương tiện và trưng dụng tài sản

Bên cạnh đó, VCCI cũng cho rằng, dự thảo Luật chưa làm rõ sự khác biệt giữa huy động phương tiện và trưng dụng tài sản. Dự thảo quy định: “Huy động nhân lực, vật tư, phương tiện để phục vụ cho việc thi hành Nghị quyết hoặc Lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp. Trong trường hợp cần thiết thì trưng dụng phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”

“Quy định này khiến người đọc hiểu rằng huy động và trưng dụng là hai hoạt động khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, đây đều là việc Nhà nước sử dụng tài sản của người dân và doanh nghiệp trong trường hợp thật cần thiết vì mục đích công cộng.

Nếu hai hoạt động này không có gì khác nhau, đề nghị cơ quan soạn thảo chỉ sử dụng thuật ngữ “trưng dụng” vì đây là thuật ngữ đã được sử dụng trong Hiến pháp. Nếu hai hoạt động này có sự khác biệt thì cần được quy định rõ trong dự thảo”, VCCI đề nghị.

Theo dự thảo Luật, phòng thủ dân sự là một bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả thảm họa do chiến tranh và phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nền kinh tế quốc dân, môi trường, bảo vệ các giá trị vật chất và văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam.

Việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố nhằm bảo vệ cao nhất tài sản, sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Theo cơ quan soạn thảo, trong bối cảnh hệ thống pháp luật hiện hành đã có quy định về phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố ở một số lĩnh vực, dự án Luật Phòng thủ dân sự không thay thế các Luật hiện hành mà sẽ bổ khuyết vào những khoảng trống pháp luật.

Theo đó, Luật sẽ quy định cụ thể về các biện pháp giảm nhẹ, khắc phục thảm họa do chiến tranh gây ra và bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân; các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố.

Phương Thảo