• :
  • :

Một năm đặc biệt của ngành giáo dục

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 đã khép lại, kết thúc một năm học đặc biệt mà ngành giáo dục đã vượt qua hàng ngàn khó khăn, thử thách để duy trì chương trình học giữa làn sóng COVID-19.

 

Từ ngày khai giảng chưa có tiền lệ…

Sáng 5/9/2021, nhiều tỉnh thành trong cả nước tổ chức khai giảng trực tuyến - lễ khai giảng chưa từng có trong lịch sử, trong đó có Hà Nội và TP HCM để bắt đầu năm học 2021-2022. Hà Nội tổ chức khai giảng tại một điểm duy nhất là Trường THCS Trưng Vương, Hoàn Kiếm. Tất cả học sinh dự khai giảng qua truyền hình. Lễ khai giảng của Thủ đô diễn ra trong cơn mưa tầm tã, đáp ứng giãn cách, các quy định phòng chống dịch và đầy đủ nghi thức quy định. Trong khi đó, 6 tỉnh, thành là Quảng Trị, TP HCM, Quảng Bình, Cà Mau, Cần Thơ, Bạc Liêu không tổ chức lễ khai giảng.

Một năm đặc biệt của ngành giáo dục ảnh 1

Khai giảng trực tuyến - lễ khai giảng chưa từng có trong lịch sử.

Gần 20 năm gắn bó với nghề giáo, với cô Đặng Thu Hường, giáo viên một trường THCS tại Hà Nội, lễ khai giảng năm học 2021-2022 là một buổi lễ khai giảng khác lạ nhất mà cô từng trải qua.

Sau lễ khai giảng lần đầu tiên trong lịch sử là chuỗi ngày dạy và học đặc biệt khi hầu hết các địa phương trên cả nước đều phải tổ chức dạy học online và liên tục đóng, mở cửa trường tùy theo COVID-19. Ở nhiều địa phương như Hà Nội, TP HCM, học sinh thậm chí học hết học kỳ 1 sang học kỳ 2, nhưng vẫn chưa một lần đặt chân tới trường. Với nhiều gia đình, do lệnh giãn cách, phong tỏa, con cái phải ở xa bố mẹ, không thể kèm cặp việc học hành.

Ở những vùng khó khăn, nơi internet còn chưa phủ tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, kêu gọi sự chung tay của tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ trang thiết bị công nghệ, phủ sóng Internet để học sinh nghèo, học sinh vùng khó khăn có thể học trực tuyến.

Dưới tác động nặng nề của dịch COVID-19, toàn ngành giáo dục, từ đội ngũ cán bộ, thầy cô giáo đến các em học sinh và cả các phụ huynh đã phải nỗ lực hết mình để đạt cho được mục tiêu “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học,” vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo chất lượng giáo dục.

“Học trực tuyến chất lượng không thể đảm bảo bằng học trực tiếp. Lớp quá đông, giáo viên không thể quán xuyến hết học sinh chỉ qua một màn hình máy tính nhỏ, sự tương tác giữa giáo viên và học sinh cũng rất hạn chế. Đặc biệt trong giai đoạn đầu năm học, chất lượng mạng internet kém, phần mềm dạy học quá tải, đến mức có tiết học con tôi bị thoát ra đến 6 lần. Khi đó thực sự là quá căng thẳng và mệt mỏi!”, một phụ huynh chia sẻ.

Theo PGS Phạm Mạnh Hà (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), học sinh đến trường không chỉ để học kiến thức mà còn được giao tiếp, kết nối với bạn bè, tham gia các hoạt động vui chơi ở sân trường. Vì thế, việc các em phải học trực tuyến, gò bó trong môi trường chật hẹp, hạn chế giao tiếp bạn bè và ít vận động khiến trẻ dễ rơi vào trạng thái cô độc, buồn chán, áp lực.

Ông Hà viện dẫn số liệu thống kê của Bệnh viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương cho thấy tỷ lệ học sinh, sinh viên đến thăm khám và điều trị trong giai đoạn học trực tuyến kéo dài đã tăng 30%; nghiên cứu năm 2021 của Đại học Quốc gia TP HCM về vấn đề sức khỏe, tinh thần của sinh viên cho thấy: 56,8% sinh viên thiếu tập trung học tập và không hứng thú; 48% cảm thấy tự ti và mất phương hướng; 56,2% bị rối loạn giấc ngủ; 35,7% sinh viên tính tình thay đổi hay cáu gắt, lo lắng mà không có lý do.

Đến chuỗi ngày đóng – mở thích ứng

Đầu năm 2022, với sự khuyến cáo của các chuyên gia giáo dục, của Tổ chức UNICEF, sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành giáo dục đã quyết tâm đưa học sinh trở lại trường, bắt đầu ở những vùng dịch bệnh đã dần được kiểm soát và với từng khối lớp, trong đó ưu tiên khối lớp cuối cấp và lớp 1.

Một năm đặc biệt của ngành giáo dục ảnh 2
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Nhưng ước mong được đến trường của nhiều giáo viên học sinh bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, rất nhiều địa phương đã phải linh hoạt đóng, mở từng khu vực, từng trường, thậm chí từng lớp theo từng thời điểm.

Ngành giáo dục đã tích cực xây dựng các chương trình dạy học qua truyền hình, xây dựng kho bài giảng điện tử để học sinh có thể tự học, xây dựng các chương trình tư vấn tâm lý để giúp các em giải tỏa căng thẳng. Cô giáo Nguyễn Minh Hoà, Trường Tiểu học Lý Thái Tổ, Hà Nội cho hay việc học trực tuyến kéo dài đã bắt buộc mỗi giáo viên phải thích nghi, cố gắng học hỏi, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

“Đây thực sự là cuộc cách mạng với giáo viên. Thầy cô phải tìm hiểu các phần mềm, học hỏi cách khai thác các ứng dụng để thiết kế bài giảng đẹp hơn, chuyên nghiệp hơn, lồng ghép đa dạng phương thức chuyển tải kiến thức, từ hình ảnh tĩnh đến hình ảnh động, kể chuyện, chiếu video, đồ họa…,” cô Hòa chia sẻ.

Sau chuỗi ngày học nghỉ bập bõm, để giảm áp lực cho học sinh, linh hoạt trong cách thức tổ chức thi trong một năm học chịu tác động đặc biệt nặng nề của dịch COVID-19, hàng loạt địa phương đã điều chỉnh phương thức tuyển sinh vào lớp 10 theo hướng giảm môn thi. Hà Nội và Bắc Giang chỉ thi các môn Toán, Ngoại ngữ và Ngữ văn, bỏ môn thi thứ tư vốn là môn sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên. Các tỉnh Nghệ An, Hải Phòng cũng thi ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, bỏ môn thi tổ hợp…

Cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa, Hà Nội cho rằng, thành quả của một năm sóng gió không chỉ ở kết quả học tập của học sinh vẫn đạt các yêu cầu của chương trình giáo dục, đạt các mục tiêu nhà trường đặt ra mà còn ở sự thay đổi của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý của nhà trường.

Trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy của các thầy cô đã được nâng lên một trình độ mới. Việc phải thích ứng liên tục với những thay đổi của các kế hoạch giảng dạy cũng đã giúp cho các giáo viên và nhà trường có được sự linh hoạt, chủ động, nhanh nhạy trong xây dựng và triển khai các kế hoạch phù hợp với các tình huống thực tế khác nhau.

Lượt xem: 98
Tác giả: Tuyết Mai
Nguồn:ngaynay.vn Sao chép liên kết