• :
  • :

Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái

Hiện vai trò và vị trí của phụ nữ trong xã hội hiện đại đang được khẳng định và trân trọng hơn. Kỷ niệm 11 năm Ngày Quốc tế trẻ em gái năm nay (11/10), Liên hợp quốc lựa chọn chủ đề: “Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, với mong muốn gạt bỏ quan niệm “trọng nam, khinh nữ”, khẳng định nhiều gia đình sinh con một bề là gái vẫn có cuộc sống hạnh phúc.

Hạnh phúc của những gia đình toàn con gái

Trong đợt cao điểm hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái năm nay, thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động rộng khắp trên địa bàn thành phố. Các quận, huyện: Thanh Oai, Sóc Sơn, Long Biên, Thanh Trì… tổ chức hội nghị biểu dương trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi trong các gia đình tiêu biểu. Còn các địa phương: Cầu Giấy, Phúc Thọ, Hoài Đức, Hoàn Kiếm… tổ chức các điểm truyền thông hưởng ứng.

Em Nguyễn Thị Liễu, học sinh lớp 8A2, Trường Trung học cơ sở Ngũ Hiệp (Thanh Trì) chia sẻ: “Gia đình cháu chỉ có hai chị em gái. Dù là em và còn nhỏ tuổi nhưng cháu hiểu, để cả hai được học tập trong những điều kiện tốt nhất, cha mẹ cháu đã cố gắng rất nhiều.

Cháu từng nghe nhiều người nói với bố rằng, nhà chỉ có hai đứa con gái, sao phải làm lụng vất vả thế để làm gì... Những lúc ấy, bố cháu cười thật tươi, rồi đầy tự hào khi nhắc đến chúng cháu với những thành tích mà hai chị em đạt được”. Không phụ lòng của bố mẹ, hai chị em Liễu luôn cố gắng, nỗ lực trong học tập, nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Năm học 2021-2022, Liễu đạt giải Ba môn ngữ văn, kỳ thi học sinh năng khiếu cấp huyện.

Để có thêm nhiều gia đình hạnh phúc toàn con gái một phần là nhờ vào sự tư vấn, tuyên truyền kịp thời của các cán bộ dân số xã, phường, thị trấn, giúp nâng cao hiểu biết của người dân về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, không lựa chọn giới tính thai nhi.

Bà Nguyễn Thị Quế, cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình phường Ngọc Lâm, quận Long Biên cho biết: “Trước kia, công tác tuyên truyền đến người dân về mất cân bằng giới tính khi sinh gặp rất nhiều khó khăn, vì tư tưởng “phải có con trai” đã ăn sâu vào trong tiềm thức của nhiều gia đình. Ngày nay, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư tưởng của các gia đình trẻ đã “thoáng” hơn rất nhiều. Họ đều cho rằng, con nào cũng là con, miễn là bố mẹ có thể chăm sóc, giáo dục thật tốt”.

Từng bước xóa bỏ tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”

Tại quận Hoàn Kiếm, tỷ số giới tính khi sinh năm 2018 là 105,2 trẻ trai/100 trẻ gái; năm 2019 là 108 trẻ trai/100 trẻ gái; năm 2020 là 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái. Đến thời điểm cuối tháng 9-2022, tỷ số này của quận đã tăng lên 119 trẻ trai/100 trẻ gái.

Nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, từng bước xóa bỏ tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, Ban Chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình quận Hoàn Kiếm xác định một số giải pháp: Tăng cường vận động, truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với các đối tượng là người cao tuổi, nhất là người cao tuổi sinh con một bề gái, các cặp vợ chồng sinh con một bề gái thuộc hộ nghèo và cận nghèo.

Quận cũng nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính; bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, dân số; phổ biến Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình; thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ, nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái và phụ nữ nói chung, nhất là trẻ em gái của các gia đình sinh con một bề gái.

Nhìn lại những nỗ lực của thành phố Hà Nội trong những năm qua, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng, tỷ số giới tính khi sinh của của thành phố Hà Nội đã giảm dần, từ 117,6 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2008), xuống còn 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2019). Theo số liệu 9 tháng năm 2022, tỷ số giới tính khi sinh của toàn thành phố là 109,6 trẻ trai/100 trẻ gái, dự kiến cuối năm không quá 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái.

Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn thành phố Hà Nội đang có xu hướng giảm, song vẫn ở mức mất cân bằng. Nếu không có những can thiệp mạnh mẽ và kịp thời sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về trật tự xã hội, an ninh, chính trị và đặc biệt dẫn đến hiện tượng thiếu nữ, thừa nam trong độ tuổi kết hôn, phá vỡ cấu trúc gia đình, ảnh hưởng tới chất lượng dân số trong tương lai.

“Trên toàn thành phố Hà Nội có rất nhiều các tấm gương bé gái chăm ngoan, học giỏi; nhiều gia đình đã, đang và vẫn sẽ thực hiện tốt chính sách dân số. Hằng năm, thành phố và các quận, huyện, thị xã sẽ tiếp tục biểu dương những tấm gương bé gái chăm ngoan, học giỏi, nhằm lan tỏa thông điệp: Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, ông Trần Văn Chung nhấn mạnh.

Khánh Linh
Lượt xem: 94
Tác giả: Khánh Linh
Nguồn:ngaynay.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...