Người mẹ thứ hai giúp học sinh thiệt thòi tự tin hòa nhập
Dành sự quan tâm đặc biệt đến những học trò thiệt thòi mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, cô Nguyễn Thị Thanh Hoa - Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội, đã có nhiều sáng kiến tâm huyết để hỗ trợ các em tự tin hòa nhập, thích nghi với môi trường học tập.
Trăn trở với học sinh kém may mắn
Trải qua hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo, cô Nguyễn Thị Thanh Hoa luôn được học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp nhớ tới bởi lòng yêu nghề, mến trẻ, sự hăng say, năng động, nhiệt tình trong công tác.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hoa báo cáo trước Hội đồng xét duyệt Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo lần thứ 8 |
Với tâm huyết đó, trước thực trạng hàng năm, số lượng trẻ tự kỉ và trẻ gặp khó khăn trong học tập ngày càng tăng, cô Hoa luôn trăn trở việc phải làm gì để hỗ trợ các em. "Qua các năm học, ngoài đại đa số các em học sinh có sức khỏe thể chất, khả năng nhận thức bình thường thì vẫn còn có một số em thiếu may mắn.
Trong năm học 2022- 2023, lớp 1G của tôi có 2 em học sinh mắc chứng rối loạn phổ tự kỉ. Tiếp đến học 2023 - 2024, lớp có đến 3 học sinh kém may mắn như vậy, trong đó có 1 học sinh bị rối loạn về ngôn ngữ, hành vi; 1 học sinh ảnh hưởng của não không điều khiển tay để viết bài và 1 học sinh gặp khó khăn trong giao tiếp", cô Hoa chia sẻ.
Đối với bản thân các em học sinh mắc chứng rối loạn phổ tự kỉ khi bước vào môi trường lớp 1 sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với các bạn; khó khăn trong vấn đề tự phục vụ bản thân; khó khăn trong học tập…
Bên cạnh đó, những giáo viên như cô Hoa cũng gặp rất nhiều khó khăn khi có những phụ huynh không thừa nhận tình trạng bệnh của con. Cá biệt, có những phụ huynh không phối hợp với giáo viên chủ nhiệm trong việc giáo dục các em ở trên lớp cũng như khi tan học về với gia đình...
Trước những khó khăn và thực tế nêu trên, cô Hoa đã luôn trăn trở, đau đáu rằng, cô cần phải làm gì để hỗ trợ cho các em? May mắn hơn khi trường Tiểu học Nguyễn Trãi là một trong 2 trường tiểu học tại quận Thanh Xuân thực hiện đề án hỗ trợ chuyên sâu cho học sinh khuyết tật học hòa nhập.
“Chiều thứ Tư và chiều thứ Sáu hàng tuần, tôi dắt các con lên học can thiệp do cô giáo trường sư phạm hỗ trợ. Khi có tiết trống, tôi cũng tận dụng tối đa thời gian lên dự giờ để học hỏi, tích luỹ những kinh nghiệm hình thành kĩ năng tự chăm sóc cho các con từ các cô giáo” - cô Hoa kể.
Sau nhiều đêm ngày nung nấu, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, cô Hoa đã tự xây dựng và thực hiện kế hoạch: “Một số biện pháp hỗ trợ cho học sinh mắc chứng rối loạn phổ tự kỉ tự tin, thích nghi, hòa nhập với môi trường mới”. Đây là đề tài đưa ra nhiều ý tưởng hay, có giá trị thực tiễn cao, đề cao tính nhân văn trong giáo dục…
Cô Thanh Hoa và các em học sinh lớp 1G |
Một kế hoạch bài bản, khoa học và hiệu quả
Theo đó, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch giáo dục đại trà cho học sinh cả lớp, cô Nguyễn Thị Thanh Hoa đã xây dựng kế hoạch can thiệp cá nhân cho từng em mắc chứng rối loạn phổ tự kỉ trong lớp. Để làm được điều này, cô đã tự tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, trao đổi với phụ huynh, phối hợp với nhà trường, các chuyên gia, giáo viên dạy tự kỉ trong và ngoài nhà trường...
Theo cô Hoa, việc đầu tiên khi dạy trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỉ là cần phải xác định nhu cầu năng lực của trẻ. Điểm quan trọng thứ hai là cần lựa chọn phương pháp và điều chỉnh chương trình giảng dạy.
Để thực hiện việc này, cô tiến hành khảo sát và đánh giá từng em theo 6 tiêu chí: Hào hứng với các hoạt động ở trường; Tự tin hòa nhập vào môi trường mới; Kĩ năng tự phục vụ; Kĩ năng giao tiếp; Kĩ năng xã hội; Kĩ năng học tập.
Sau đó, dựa vào kết quả bảng khảo sát, biết rõ hạn chế của từng con, cô Hoa đã đặt ra mục tiêu từng tháng cho các con. Bảng kế hoạch này nếu con chưa đạt được mục tiêu trong tháng, cô Hoa lại tiếp tục điều chỉnh ở các tháng tiếp theo...
Biện pháp thứ 2 mà cô Hoa sử dụng đó là thu hút học sinh mắc chứng rối loạn phổ tự kỉ vào các hoạt động chung của lớp như tạo hứng thú ngay từ những ngày đầu các em đi học. Cô Hoa cho biết, để thực hiện kế hoạch nêu trên, trong ngày đầu tiên của năm học mới, cô đã tiến hành trang trí lớp học thật đẹp, tặng quà cho các con kèm những cái ôm thật chặt... Cùng với đó, cô cũng tổ chức cho học sinh của mình tham gia các trò chơi như: Chiếc nón kỳ diệu; Rung chuông vàng… để tạo được ấn tượng vui vẻ, gần gũi giữa cô và trò trong lớp học.
Bên cạnh đó, cô Hoa cũng tạo ra không gian giáo dục thân thiện, tích cực bằng việc chọn gam màu xanh lá cây cho lớp học, tạo cảm giác bình tĩnh, yên tâm cho trẻ. Cùng với đó, cô Hoa cũng khuyến khích các bạn còn lại ở trong lớp quan tâm tới các bạn thiếu may mắn này…
Cô Hoa bên các đồng nghiệp trong dịp xét giải thưởng Nhà giáo Thanh Xuân tâm huyết, sáng tạo |
Cô Hoa thu hút học sinh mắc chứng rối loạn phổ tự kỉ vào các hoạt động chung của lớp. Theo sự hướng dẫn của cô, hàng ngày, trong giờ ra chơi, các em bị mắc chứng rối loạn phổ tự kỉ luôn được các bạn trong lớp dẫn ra sân chơi. “Nét mặt các con tươi vui, hào hứng, làm theo các động tác các bạn hướng dẫn. Giờ đây, bạn N.L còn biết múa hát trong giờ sinh hoạt tập thể. Con còn biết múa một số động tác đơn giản của môn âm nhạc và môn giáo dục thể chất” - cô Hoa phấn khởi nói.
Cùng với đó, trong các môn học khác, cô cũng thường sáng tác các bài thơ, viết lời mới cho các bài đồng dao có nội dung tương tự bài học nhưng giúp các em dễ hiểu, dễ nhớ hơn và hứng thú hơn trong học tập…
Sau một thời gian kiên trì áp dụng những việc làm nêu trên, bước đầu, các phương pháp của cô đã đem lại những tín hiệu tích cực trong việc giúp học sinh mắc chứng rối loạn phổ tự kỉ trong lớp tự tin, thích nghi, hòa nhập với môi trường mới, nhận được sự xúc động, cảm ơn của nhiều phụ huynh…
“Những phản hồi tích cực từ phía các bậc phụ huynh đã tiếp thêm rất nhiều động lực cho tôi không ngừng nỗ lực, cố gắng trong việc dạy dỗ và chăm sóc các em, nhất là các em thiếu may mắn trong lớp” – cô Hoa xúc động nói.
Với những nỗ lực và kết quả đã đạt được, không giữ lại cho riêng mình, trong các buổi sinh hoạt chuyên môn của tổ, cô Hoa đã hết lòng chia sẻ các giáo án của mình để đồng nghiệp tham khảo và có thể áp dụng nếu trong các lớp học khác cũng không may có học sinh bị mắc chứng tự kỉ. Mô hình lớp học của cô Hoa đã được lan tỏa sang một số lớp như 1B, 1N… trong khối có học sinh mức chứng rối loạn phổ tự kỉ và bước đầu đã mang lại những hiệu quả thiết thực…
Những đóng góp của cô Hoa một lần nữa được ghi nhận khi năm 2024, trong dịp kỷ niệm 70 năm ngành Giáo dục Thủ đô, cô được Công đoàn Giáo dục Hà Nội vinh danh giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo lần thứ 8.
Xúc động và tự hào, cô Thanh Hoa phấn khởi chia sẻ: “Trong thời gian tới, tôi mong muốn được tiếp tục chia sẻ các kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo không chỉ trong phạm vi trường Tiểu học Nguyễn Trãi mà còn cả với các trường bạn để ngày càng có nhiều học sinh mắc chứng rối loạn phổ tự kỉ có thể tự tin, thích nghi, hòa nhập với môi trường mới hơn nữa".