Nhiều chính sách về năng lượng chưa theo kịp thực tiễn
Việc thay đổi biểu giá điện bậc thang đã được Bộ Công Thương bàn từ năm 2015. Nhưng, sau một lần trình dự thảo các phương án (tháng 8/2020), trong đó có phương án “điện 1 giá” gây tranh cãi, đến nay Bộ này vẫn “im hơi lặng tiếng”.
Rất nhiều chính sách liên quan đến điện đã bị chậm trễ. (ảnh minh hoạ)
Khi nào trình biểu giá điện bán lẻ mới?
Tất cả các ý kiến từ các chuyên gia ngành Điện đến các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, phải thay đổi biểu giá điện bán lẻ bởi biểu giá điện bán lẻ cũ (có 6 bậc thang lũy tiến) đã không còn phù hợp. Biểu giá điện bán lẻ hiện nay đã là biểu giá điện được áp dụng từ tháng 6/2014 theo Quyết định 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Từ cuối năm 2015, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) đã cho biết, sau khi nhận được ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu kinh tế, Cục sẽ căn cứ để đánh giá các ưu điểm và những tồn tại trong triển khai thực hiện Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg trình lãnh đạo Bộ Công Thương ký Tờ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Nhưng sau đấy, việc thay đổi biểu giá điện bán lẻ đã rơi vào im lặng.
Cho đến khi Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 192/TB-VPCP ngày 28/5/2020 về việc giao Bộ Công Thương sửa đổi Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để trình Thủ tướng Chính phủ thì đến tháng 8/2020 Bộ Công Thương mới đưa ra Dự thảo Quyết định thay thế.
Theo đó, Bộ này đưa ra 2 phương án. Trong đó phương án 1 là ghép bậc 1 và bậc 2 hiện hành thành bậc 1 mới (từ 0-100kWh), giá bậc 1 mới được giữ nguyên bằng bậc 1 hiện hành; Giữ nguyên giá cho các hộ có mức sử dụng điện phổ biến từ 101-200 kWh; Ghép các bậc từ 201-300kWh với 301-400kWh thành bậc mới; Tách bậc thang trên 401kWh thành 2 bậc mới: 401-700kWh và trên 700kWh. Phương án 2 là cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc như trên và giá bán lẻ điện một giá. Với phương án 2, khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá.
Trong đó, phương án điện 1 giá đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Và chỉ 1 tuần sau khi đưa ra Dự thảo đó, Bộ Công Thương đã phải xin rút lại phương án này. Tuy nhiên, phương án 5 bậc thang cũng gây ra tranh cãi không kém.
Nhiều chuyên gia kinh tế vào thời điểm đấy đã cho rằng, Bộ Công Thương vội vàng khi đưa ra các phương án về biểu giá điện bán lẻ mới. Nhưng liệu có thể được gọi là vội vàng khi Bộ đã có đến khoảng 5 năm nghiên cứu? Đáng chú ý, trong năm 2021, Bộ liên tục trả lời sẽ trình biểu giá điện mới vào năm 2021 nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa thấy Bộ Công Thương đưa ra các phương án mới nào về thay đổi biểu giá bán lẻ điện?
Chậm ban hành chính sách giá điện gió, điện mặt trời!
Không chỉ chậm trễ trong việc trình lại dự thảo biểu giá điện bán lẻ mới, Bộ Công Thương còn chậm trễ trong việc trình cơ chế chính sách chuyển đổi cho các dự án điện mặt trời, điện gió khi thời gian áp dụng chính sách giá ưu đãi cho năng lượng tái tạo (FIT) đã hết thời hạn. Rất nhiều nhà đầu tư năng lượng tái tạo đã kêu cứu về việc chậm trễ chính sách, gây ra rất nhiều hệ lụy về phương án tài chính của các dự án và gây ra khó khăn trong vận hành hệ thống của chủ đầu tư.
Báo PLVN cũng đã liên lạc với Văn phòng Bộ Công Thương theo đúng quy trình của Bộ để có được thông tin liên quan các vấn đề trên, nhưng suốt hơn 2 tháng qua vẫn chưa nhận được hồi âm.
Mới đây, Bộ Công Thương có văn bản gửi Thủ tướng về việc cần xác định cơ chế xác định giá bán điện phù hợp với quy định hiện hành khi các chính sách nêu trên hết hạn áp dụng. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng cho phép chủ đầu tư các dự án trong quy hoạch được phê duyệt, đã có chủ trương đầu tư đến thời điểm ngày 26/1/2022 và chưa đủ điều kiện áp dụng cơ chế giá bán điện FIT quy định tại Quyết định 13, 39 được đàm phán với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để xác định giá mua bán điện nằm trong khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành.
Đồng thời, Bộ đề nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương xây dựng và ban hành Thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện và phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện đối với các dự án nhà máy điện mặt trời, điện gió nói trên.
Không biết đến bao giờ Thông tư quy định việc mua bán điện với các dự án điện gió, điện mặt trời trượt FIT của Bộ Công Thương mới có? Chỉ biết rằng, trong thời gian chờ đợi các đơn vị liên quan của Bộ nghiên cứu, xây dựng thì hàng tỷ USD đầu tư của các doanh nghiệp được cho là đang mất cơ hội hoàn vốn, sinh lời.