• :
  • :

Nhiều địa phương sử dụng mạng xã hội để thông tin, phổ biến pháp luật

Đa số các địa phương đã sử dụng các ứng dụng trò chuyện, nhắn tin, gọi trực tuyến (Zalo, Viber, Mocha35…) và mạng xã hội (như Facebook, Zalo, Youtube, Twitter, Lotus…) để thông tin, phổ biến pháp luật của ngành, lĩnh vực, địa phương cho người dân. Đây cũng dần trở thành một trong những kênh quan trọng, dễ tiếp cận.

Bộ Tư pháp vừa báo cáo Chính phủ việc thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021” theo Quyết định số 471/QĐ-TTg.

Theo đó, trong giai đoạn từ 2019 đến 2021, 100% các địa phương đã ban hành văn bản triển khai Đề án, yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân (UBND) các huyện, thị xã, thành phố theo trách nhiệm và phạm vi quản lý đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).

Trong đó, tập trung xây dựng Cổng/Trang thông tin điện tử PBGDPL; cập nhật, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật; đổi mới, cải tiến các chuyên mục PBGDPL trên Cổng/Trang thông tin PBGDPL của sở, ngành, địa phương; tăng cường ứng dụng mạng xã hội trong công tác PBGDPL…

Nhiều địa phương sử dụng mạng xã hội để thông tin, phổ biến pháp luật
Mô hình "Cầu thang pháp luật" được triển khai ở các chung cư trên địa bàn Hà Nội

Tính đến ngày 20/12/2021, Bộ Xây dựng, Ủy ban Dân tộc đã vận hành Cổng Thông tin điện tử PBGDPL; các Bộ Tư pháp, Quốc phòng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông đã vận hành Trang Thông tin điện tử PBGDPL.

Về phía các tỉnh, thành, có 6 địa phương đã vận hành Cổng Thông tin PBGDPL; 40 địa phương đã vận hành Trang thông tin PBGDPL, 17 địa phương còn lại đang vận hành chuyên mục PBGDPL thuộc Cổng/Trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể.

Các bộ, ngành, đoàn thể trung ương đã biên soạn và đăng tải nhiều tin bài, bài viết, tài liệu PBGDPL lên Cổng/Trang/Chuyên mục PBGDPL thuộc phạm vi quản lý; trong đó năm 2021, đã đăng tải 199.292 loại tài liệu PBGDPL.

Tại địa phương, qua 3 năm triển khai Đề án, tổng số tin bài, bài viết, tài liệu PBGDPL được đăng tải trên Internet đạt 601.936 tài liệu. Các tài liệu được biên soạn và đăng tải dưới nhiều hình thức như: Sổ tay hỏi - đáp, tờ gấp, video clip, tiểu phẩm pháp luật, chương trình phóng sự, tọa đàm; các tin, bài viết phản ánh các hoạt động PBGDPL...

Trong giai đoạn triển khai Đề án, Bộ Tư pháp đã tổng hợp, xây dựng, đăng tải 1.842 tin, bài (tính đến 30/11/2021) phản ánh sinh động, kịp thời thực tiễn triển khai hoạt động thuộc lĩnh vực công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên cả nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ cũng đã thường xuyên, đăng tải nhiều tin bài về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 và các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật liên quan, nhất là chính sách hỗ trợ, người dân, doanh nghiệp khắc phục ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng chú trọng tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Năm 2019, Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công 4 đợt thi trong Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật trực tuyến”, tổ chức thành công Cuộc thi “Pháp luật học đường”; năm 2020, tổ chức Cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến “Pháp luật với mọi người”; năm 2021, phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân...

Nhiều địa phương sử dụng mạng xã hội để thông tin, phổ biến pháp luật
Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19 cùa Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thu hút hơn 1 triệu lượt người tham dự

Một trong những hoạt động PBGDPL hiệu quả được nhiều địa phương thực hiện thông qua Cổng/Trang thông tin PBGDPL là tổ chức các cuộc thi tìm hiều pháp luật trực tuyến trên Cổng/Trang thông tin điện tử của địa phương (An Giang, Bến Tre, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…) thu hút đông đảo người dân tham gia.

Nhiều bộ, ngành đã xây dựng chuyên mục giải đáp pháp luật qua thư điện tử hoặc giao lưu trực tuyến trên mạng Internet; giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp và người dân trên Cổng thông tin điện tử, qua điện thoại; tổ chức cuộc thi trực tuyến; sử dụng mạng xã hội Facebook…

Đa số các địa phương đã sử dụng các ứng dụng trò chuyện, nhắn tin, gọi trực tuyến (Zalo, Viber, Mocha35…) và mạng xã hội (như Facebook, Zalo, Youtube, Twitter, Lotus…) để thông tin, phổ biến pháp luật của ngành, lĩnh vực, địa phương cho người dân. Đây cũng dần trở thành một trong những kênh quan trọng, dễ tiếp cận, được các địa phương lựa chọn nhằm đưa thông tin, PBGDPL tới người dân một cách nhanh nhóng và có sức lan tỏa rộng lớn.

Với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án, Bộ Tư pháp đã xây dựng Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia dùng chung toàn quốc, dự kiến vận hành thử nghiệm trong tháng 1/2022.

Cổng Thông tin PBGDPL quốc gia được Bộ Tư pháp xây dựng theo định hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, bảo đảm tính tương tác, gắn kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước với người dân, doanh nghiệp, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong công tác PBGDPL; hoạt động trên nhiều nền tảng thiết bị; hướng tới các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong PBGDPL.

Để phục vụ việc xây dựng nội dung cho Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia, Bộ Tư pháp đang xây dựng dữ liệu hỏi - đáp pháp luật phục vụ xây dựng ứng dụng (App) về PBGDPL trên thiết bị di động trên cơ sở tổng hợp các tình huống hỏi - đáp về một số lĩnh vực pháp luật (hôn nhân - gia đình; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống Covid-19; xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực; pháp luật về lao động; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…).

Phương Thảo
Lượt xem: 183
Tác giả: Mai Phương Thảo
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...