Nhìn thẳng vào điểm nghẽn CCHC, có cơ chế bảo vệ cán bộ
Hà Nội cần nhìn nhận rõ điểm nghẽn và có chính sách giải quyết vướng mắc trong cải cách hành chính, nhất là khi sắp tới thành phố (TP) sẽ thí điểm Trung tâm hành chính công…
Nhìn thẳng vào các điểm nghẽn
Sáng 29/8, chia sẻ tại Hội nghị đánh giá kết quả các chỉ số: Par Index, Sipas, PCI, PGI của TP và giải pháp nâng cao các chỉ số của UBND TP Hà Nội, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (CCHC), Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng đánh giá công tác tác CCHC của Hà Nội thời gian qua có chuyển biến tích cực. Minh chứng cụ thể là kết quả phát triển kinh tế, xã hội của TP.
Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng |
Về kết quả các chỉ số cụ thể, ông Hùng cho biết cơ bản Hà Nội có kết quả hơn mức trung bình cả nước tuy nhiên với chỉ số SIPAS (đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước) của TP có biên độ dao động lớn, có năm ở vị trí 52 (2019); năm 2023 , có kết quả tốt nhất trong 7 năm qua (vị trí 21).
Hà Nội cần lưu ý đến chỉ số về việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị của người dân, tránh để người dân bức xúc.
Đặc biệt, năm 2023, trong 2.700 người dân được hỏi, có 11,38% người dân nói có hiện tượng công chức gây phiền hà, sách nhiễu (cao hơn 5,93% so với năm 2022). Bên cạnh đó, 10,28% người dân cho biết, phải đưa tiền ngoài quy định cho công chức khi giải quyết công việc (cao hơn 4,98% năm 2022)...
Cũng qua khảo sát người dân: 60,69% mong muốn nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của công chức; 60,24% mong nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công trực tuyến; 59,58% mong đợi nâng cao chất lượng tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị…
Ngoài ra, hiện có hơn 79% người dân cho biết vẫn thích nộp hồ sơ trực tiếp hơn trực tuyến.
“Phải chăng dịch vụ công trực tuyến của chúng ta còn đang phức tạp, khó thực hiện hay có vấn đề phí, lệ phí liên quan… Chúng ta cần nhìn nhận rõ điểm nghẽn và có chính sách giải quyết vướng mắc này. Đây là điểm rất quan trọng khi sắp tới TP sẽ thí điểm Trung tâm hành chính công cấp TP”, ông Hùng nói.
Với chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX, ông Hùng phân tích: 12/12 năm qua, Hà Nội đều đạt kết quả chỉ số >80%; 2 năm đạt >90% (2014, 2023); năm xếp hạng cao nhất là 2017, 2018 và 2019 (đều xếp thứ 2/63)…
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công khai, cập nhật thủ tục hành chính chậm ở một số lĩnh vực; tình trạng trễ hẹn thủ tục hành chính còn ở cả 3 cấp; Giải ngân đầu tư công chưa hoàn thành 100% kế hoạch; một số chỉ số thành phần giảm bậc…
Đề xuất giải pháp cụ thể, ông Hùng khuyến nghị, Hà Nội cần tiên phong thí điểm mô hình, cách làm mới, hiệu quả; nhìn thẳng vào những điểm nghẽn để có giải pháp khắc phục, cải thiện…
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long phát biểu tại hội nghị |
Có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long điểm lại các kết quả nổi bật của TP trong thời gian qua. Các chuyên gia từ Bộ Nội vụ, VCCI cũng đã phân tích rõ những điểm được và chưa được của TP để có khuyến nghị giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ở góc độ Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ, ông Trương Hải Long nêu rõ, CCHC là công việc thường xuyên, liên tục; cần có sự đổi mới, cập nhật kịp thời để không xảy ra tình trạng “năm nay cao, sang năm lại thấp”.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị TP tiếp tục nghiên cứu, đổi mới công tác chỉ đạo điều hành trong đó chú trọng vai trò của người đứng đầu; đổi mới trong cách làm, công nghệ, phát huy hiệu quả các cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, thay đổi cung cách quản lý.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần rà soát, tháo gỡ những điểm nghẽn cơ chế, chính sách nhất là liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục CCHC gắn với chuyển đổi số, triển khai Đề án 06.
Trong đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý chỉ số hài lòng của người dân; đẩy mạnh điện tử hóa các mẫu đơn tờ khai; nâng cấp cổng dịch vụ công trực tuyến theo hướng thân thiện, tiện lợi cho người dân; ban hành chính sách thúc đẩy việc thực hiện các thủ tục dịch vụ công trực tuyến…
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng đề nghị TP tiếp tục chấn chỉnh và thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân nhất là những vấn đề liên quan đến nhũng nhiễu ở bộ phận một cửa.
“Sắp tới, khi Luật Thủ đô có hiệu lực, Hà Nội sẽ thực sự có cơ chế, nguồn lực để đề xuất cơ chế, mô hình đặc thù với yêu cầu đặt ra cao hơn. Đặc biệt là có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm; thực hiện công khai minh bạch, giải quyết triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm”, ông Long nói.