• :
  • :

Quản lý tiền công đức cần cơ chế kiểm soát

Bộ Tài chính vừa thông báo rộng rãi về kết quả thực hiện thí điểm kiểm tra quản lý tiền công đức tại Quảng Ninh. Mục đích của đợt kiểm tra này là nhằm tổng hợp, đánh giá việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa...

Quản lý tiền công đức cần cơ chế kiểm soát

Bộ Tài chính cho biết, cần thiết kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức trên toàn quốc. Ảnh: Bộ Tài chính

Vẫn còn nhiều vấn đề băn khoăn

Qua đó giúp cho các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích, đình chùa tự quản lý theo hướng minh bạch, rõ ràng để tạo niềm tin và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, góp phần phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của địa phương.

Dù vậy, kết quả kiểm tra cho thấy còn nhiều vấn đề cần được làm rõ trong thực tế và cả các quy định hiện hành.

Cơ quan chức năng cho biết, qua kiểm tra nhận thấy, công tác giám sát tiếp nhận, kiểm đếm tiền trong hòm công đức tuy có sự phối hợp của nhiều bên liên quan nhưng với số thu tiền công đức năm 2022 là 3,7 tỉ đồng, chỉ tương đương số thu tại Khu di tích lịch sử Bạch Đằng (3,3 tỉ đồng), thấp hơn so với số thu tại đền Thánh Mẫu, di tích cấp tỉnh ở phường Trà Cổ, Móng Cái (5,8 tỉ đồng) và chưa bằng 1/5 số thu tại đền Cửa Ông (20,1 tỉ đồng).

Còn tại các di tích có nhà sư trụ trì, đa số di tích có báo cáo thu, chi nhưng chỉ là khoản tiền trong hòm công đức. Thực tế có một số khoản công đức khác dưới hình thức đặt lễ, chuyển khoản không được phản ánh trong báo cáo gửi cho Đoàn kiểm tra; theo đánh giá của du khách thì các khoản này thường cao hơn so với bỏ trong hòm công đức.

Bên cạnh đó, dư luận cũng chú ý tới thông tin các số liệu báo cáo mới chỉ được tổng hợp từ 221/450 di tích lịch sử - văn hóa thuộc diện cần kiểm tra (khoảng 47%). Sau khi loại trừ số di tích không có công đức, còn trên 50 di tích chưa có số liệu báo cáo trong đó có chùa Ba Vàng ở Uông Bí thuộc di tích cấp tỉnh, được đánh giá có số thu công đức nhiều.

Những vấn đề nêu trên cho thấy, vẫn còn lỗ hổng trong kiểm soát dòng tiền công đức.

Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử mỗi năm đón trên 2 triệu lượt du khách. Ảnh: Đoàn Hưng

Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử mỗi năm đón trên 2 triệu lượt du khách. Ảnh: Đoàn Hưng

Để kiểm tra toàn quốc có hiệu quả thực chất

Trao đổi về vấn đề này, phía Bộ Tài chính cho biết, Thông tư số 04/2023/TT-BTC là văn bản pháp luật đầu tiên điều chỉnh về việc quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội; trong đó quy định cụ thể các hình thức tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ trên cơ sở tôn trọng và bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.

"Những quy định về mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép các khoản thu, chi để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch, tạo niềm tin cũng như phát huy hiệu quả và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, là nguyên tắc cơ bản trong việc quản lý tiền công đức, tài trợ. Vì vậy, đề nghị địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện Thông tư này" - phía Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Theo bà Vũ Thị Hải Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) - những năm qua, việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội còn nhiều bất cập...

Do đó, đòi hỏi các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích vật chất cần được quản lý theo hướng minh bạch, rõ ràng, loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm.

Thực tế tại Quảng Ninh là tiền đề để cơ quan chức năng rút kinh nghiệm cho kế hoạch kiểm tra trên toàn quốc về tiền công đức. Đợt kiểm tra dự kiến sẽ diễn ra tới đây, có kết quả trong quý I/2024, theo đề xuất của Bộ Tài chính.

Vì sao tiền công đức ở Yên Tử lại thấp hơn các đền, di tích khác?

Theo thống kê, số tiền công đức tại Yên Tử năm cao nhất được trên 30 tỉ đồng nhưng chỉ có 4% trong số này được trích lại cho Ban Quản lý Khu di tích và Rừng quốc gia Yên Tử (tương đương gần 1 tỉ đồng); 96% còn lại thuộc về nhà chùa. Được biết, 7 tháng đầu năm 2023, số lượng khách đến Yên Tử là hơn 500.000 người và số tiền công đức gần 8 tỉ đồng.

Một điểm ghi tiền công đức trên Yên Tử. Ảnh: Nguyễn Hùng

Một điểm ghi tiền công đức trên Yên Tử. Ảnh: Nguyễn Hùng

Đại diện Ban Quản lý Khu di tích và Rừng quốc gia Yên Tử cho biết, hiện ở Yên Tử có 2 dòng tiền do tăng ni, phật tử, người dân… ủng hộ, gồm: Tiền công đức (trong các hòm công đức, thường được ghi vào sổ) và tiền giọt dầu (tiền công đức trên các ban thờ, tượng phật…) trong đó, tiền công đức do một ban, gồm đại diện các cơ quan chính quyền và nhà chùa, quản lý và giám sát; còn tiền giọt dầu do nhà chùa quản lý, sử dụng hoàn toàn và chỉ nhà chùa mới biết. Đó là nguyên nhân lý giải việc tại sao số tiền công đức của Yên Tử lại thấp hơn ở các cơ sở khác.
Trong khi đó, theo ông Phạm Thành Trung - Trưởng ban Quản lý đền Cửa Ông, TP Cẩm Phả - cả tiền công đức và giọt dầu ở đền Cửa Ông đều do chính quyền quản lý, giám sát; sau khi kiểm đếm đều được chuyển thẳng vào kho bạc.   Nguyễn Hùng

Lượt xem: 10
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết