• :
  • :

Sinh viên làm thêm: Đừng để thiếu hiểu biết mà ngậm “trái đắng”

“Ăn bớt” lương, trả lương không đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng… là những mánh khóe mà chủ lao động lợi dụng sức lao động của sinh viên.

Sinh viên làm thêm: Đừng để thiếu hiểu biết mà ngậm “trái đắng”

Sinh viên làm thêm. Ảnh: LDO

Muôn kiểu trừ tiền làm thêm của sinh viên

Em Nguyễn Khánh Ngọc (sinh năm 2005, quê Bắc Ninh) kể về câu chuyện đi làm thêm của bản thân bằng hai từ “vỡ mộng”. Sau khi lên Hà Nội và ổn định được chỗ ở, Ngọc đặt mục tiêu phải nhanh chóng tìm kiếm một công việc ngoài giờ học, với mong muốn phụ giúp một phần cho gia đình. Thông qua dòng tin tuyển dụng xem được trên mạng xã hội, cô tới phỏng vấn vị trí nhân viên phục vụ tại một quán cà phê ở đường Đê La Thành (Hà Nội).

Trải qua phỏng vấn sơ sài, Ngọc được nhận làm ngay với mức lương thỏa thuận 20.000 đồng/giờ và được hẹn sau 1 tháng có thể tăng lên 22.000 đồng/giờ.

Sinh viên làm thêm. Ảnh: Minh Hạnh

Sinh viên làm thêm. Ảnh: Minh Hạnh

Sau nửa tháng làm việc, Ngọc bắt đầu cảm thấy “quá tải” vì công việc vất vả hơn em tưởng tượng vì ngày nào cũng phải làm việc liên tục, đôi lúc quán đông khách thì phải kiêm một lúc nhiều việc như cả lau dọn nhà vệ sinh, quét sân vườn… Sau cùng, không chịu nổi nên em quyết định xin nghỉ.

Những ngày sau đó là chuỗi hành trình “đòi lương” kéo dài hàng tháng trời. Sau 3 tháng kể từ ngày xin phép nghỉ việc, Ngọc cho biết hiện tại vẫn chưa được thanh toán tiền lương.

“Ban đầu chủ quán hẹn tháng sau sẽ chuyển khoản trả lương nên em yên tâm chờ đợi. Sau đó, họ lại bảo đến lấy lương trực tiếp vì thẻ hết tiền. Càng lúc em càng thấy vô vọng vì chủ quán viện hết lý do này đến lý do khác để trì hoãn”, Ngọc cho biết.

Tương tự, Nguyễn Hoàng Hải, sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Lao động Xã hội làm thêm tại một quán cà phê trên địa bàn quận Thanh Xuân ở vị trí pha chế, với mức lương là 22.000 đồng/giờ. Tuy nhiên, quá trình làm việc, Hoàng Hải ngỡ ngàng khi mọi công việc từ quét dọn nhà cửa, rửa chén bát, đến ghi hóa đơn, bưng bê cho khách, thậm chí cả trông giữ, dắt xe đều một tay anh làm. Khi có ý kiến thì chủ quán cho biết, đây là giai đoạn thử việc nên chủ yêu cầu gì thì nhân viên phải làm đó.

Cảm thấy công việc khác biệt với thỏa thuận lúc phỏng vấn nên Hải đã nghỉ việc sau hơn một tháng làm và còn bị trừ gần 20 ngày công do nghỉ việc không báo trước.

“Lúc xin việc, tôi thấy chủ quán nhận rất nhanh, còn hứa hẹn nếu qua thời kỳ thử việc sẽ tăng lương. Nhưng thực chất đó là cái “bẫy”. Khi tôi nhận ra thì đã muộn vì mọi giao kèo chỉ bằng miệng, không có bất cứ thỏa thuận giấy tờ nào”, Hoàng Hải chia sẻ.

Cần làm gì để tránh bẫy lừa?

Tại Hà Nội, hiện chưa có số liệu thống kê về tỉ lệ sinh viên tìm việc làm thêm, nhưng theo ghi nhận, hầu hết đa số sinh viên từ các tỉnh, thành khác và sinh viên có nhà tại Hà Nội đều có nhu cầu tìm việc làm thêm bán thời gian, nhằm kiếm thêm thu nhập, học hỏi kinh nghiệm và trải nghiệm.

Dù vậy, trong thực tế, sinh viên đi làm thêm gặp nhiều tình huống không như mong đợi, chủ yếu do thiếu thông tin và cả tin vào những lời hứa của người thuê. Tại các quận nội thành Hà Nội, nhiều sinh viên không biết mức thù lao mình nhận được hiện đang thấp hơn mức tối thiểu theo Nghị định của Chính phủ.

Trong khi đó, theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực từ 1.7.2022, mức tối thiểu là 22.500 đồng một giờ đối với người lao động làm việc có Hợp đồng lao động ở vùng I (hầu hết các quận, huyện ở Hà Nội).

Nhiều sinh viên bị chèn ép mức lương khi tham gia lao động, một phần xuất phát từ việc kém hiểu biết về pháp luật lao động và quyền lợi của mình. Việc không dám lên tiếng khiến tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra, và người thiệt thòi chính là các sinh viên với tâm lý “thấp cổ bé họng”.

Để có thể khắc phục tình trạng trên, trước hết, sinh viên cần nắm rõ luật để bảo vệ quyền lợi của bản thân, cũng như cứng rắn hơn khi chủ lao động có dấu hiệu vi phạm Hợp đồng lao động. Nhiều sinh viên mới bắt đầu đi làm không có nhiều hiểu biết về luật, cần thận trọng tìm hiểu trước về doanh nghiệp và công việc mình tham gia ứng tuyển, để lựa chọn doanh nghiệp uy tín, điều kiện hợp đồng rõ ràng, tránh phát sinh những điều khoản vô lý, vi phạm quyền lợi của người lao động…

Lượt xem: 3
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết