• :
  • :

Tăng cường công tác thanh tra, lành mạnh hóa thị trường tài chính

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc tiếp tục chất vấn đối với lĩnh vực tài chính rất cần thiết, vì đây là lĩnh vực đa ngành, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tăng cường công tác thanh tra, lành mạnh hóa thị trường tài chính

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Phạm Thắng

Thúc đẩy các loại hình dịch vụ tài chính như bảo hiểm, thẩm định giá

Sáng 18.3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với 21 bộ trưởng, trưởng ngành về các vấn đề liên quan đến 21 lĩnh vực được nêu trong các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề.

Các nhóm vấn đề chất vấn bao quát hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp này đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Để tạo điều kiện cho tất cả các bộ trưởng, trưởng ngành đều được trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lựa chọn chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao tại phiên họp này.

Thời gian qua, Quốc hội đã quan tâm chất vấn nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính. Hầu hết các vấn đề chất vấn lần này là những nội dung mới và được các Đoàn đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước đang rất quan tâm.

Theo Chủ tịch Quốc hội, là lĩnh vực đa ngành, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, việc tiếp tục chất vấn đối với lĩnh vực tài chính là rất cần thiết.

Từ đó tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật, chính sách, tổ chức thực hiện và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm lành mạnh hóa thị trường tài chính, thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ tài chính có giá trị gia tăng cao như bảo hiểm, kế toán, kiểm toán, thẩm định giá…

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Phạm Thắng

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Phạm Thắng

Lần đầu lĩnh vực ngoại giao và Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn được chọn chất vấn

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, đây là lần đầu tiên lĩnh vực ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn được lựa chọn để chất vấn.

Từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, tình hình thế giới trải qua những biến động lớn, phức tạp, có những diễn biến vượt khỏi dự báo thông thường, mở ra nhiều cơ hội mới, song cũng đặt ra nhiều thách thức lớn đối với nước ta.

Trong bối cảnh đó, ngành ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với đối ngoại Đảng, đối ngoại Quốc hội và đối ngoại nhân dân, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và đã đạt được kết quả toàn diện, rất quan trọng.

"Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, công tác đối ngoại đã đạt được “nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng” trong thành tựu chung của đất nước", Chủ tịch Quốc hội nêu.

Các lĩnh vực công tác được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chất vấn tại phiên họp này cũng đạt nhiều kết quả tiến bộ, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đối ngoại và ngoại giao trong những năm qua.

Thông qua hoạt động chất vấn lần này sẽ góp phần làm rõ thực trạng tình hình, những kết quả nổi bật, những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân khách quan, chủ quan cũng như xác định rõ các phương hướng, giải pháp để làm tốt hơn các nội dung công tác này trong thời gian tới.

Để bảo đảm sử dụng thời gian hiệu quả tối đa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu đặt câu hỏi rõ, ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các bộ trưởng nêu cao tinh thần trách nhiệm, trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, làm rõ những chất vấn đại biểu Quốc hội nêu.

Đồng thời đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi, bảo đảm vừa khắc phục kịp thời, hiệu quả các yếu kém, hạn chế trước mắt, vừa tạo được chuyển biến thực chất, căn cơ và lâu dài đối với từng nội dung chất vấn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành lĩnh vực quản lý, đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của cử tri, nhân dân cả nước.

Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để làm cơ sở thực hiện và giám sát.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...