• :
  • :

Tăng cường giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên

Việc giáo dục, bồi dưỡng kiến thức và xây dựng kỹ năng tham gia giao thông an toàn, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) làm “hành trang” bảo vệ sự an toàn cho học sinh, sinh viên trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày là hết sức cần thiết. Chỉ cần sơ sẩy nhỏ trong tham gia giao thông có thể dẫn đến hậu quả khó lường.

Trong những năm qua, tình hình TTATGT đã có những chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông hàng năm giảm cả 3 mặt về số vụ, số người chết và số người bị thương. Đạt được kết quả trên là do sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự nỗ lực của lực lượng Cảnh sát giao thông trong công tác đảm bảo TTATGT.

Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tình hình an toàn giao thông và tai nạn giao thông, nhất là thời gian gần đây, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên có chiều hướng gia tăng, tình trạng vi phạm TTATGT của học sinh, sinh viên vẫn diễn ra nhiều.

Tăng cường giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên
Giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục.

Do đó, việc giáo dục, bồi dưỡng kiến thức và rèn luyện kỹ năng tham gia giao thông an toàn, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT, xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh, sinh viên là cấp thiết để phòng ngừa, giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên... Theo thống kê từ năm 2020 đến tháng 9/2022, cả nước xảy ra 1.570 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên, làm chết 864 người, bị thương 1.794 người. Nguyên nhân chính xảy ra tai nạn giao thông là do thiếu hiểu biết kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của học sinh, sinh viên còn chưa cao.

Xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn nêu trên, Bộ Công an và Bộ GD&ĐT tổ chức ký kết “Chương trình phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025”, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ GD&ĐT theo các cấp của hệ công tác (bộ, tỉnh, huyện, xã) trong trao đổi thông tin, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.

Thông qua chương trình cũng đẩy mạnh và đổi mới phương thức phổ biến kiến thức pháp luật về TTATGT và kỹ năng tham gia giao thông an toàn, xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh, sinh viên phù hợp với các cấp học nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT; góp phần ngăn chặn, hạn chế và làm giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên.

Sau khi ký kết chương trình, hai Bộ sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa cho học sinh, sinh viên; xây dựng văn hóa giao thông và hình thành thói quen tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên các cấp; phát huy hơn nữa vai trò của các nhà trường, cơ sở giáo dục, trách nhiệm của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong việc giữ gìn TTATGT; đẩy mạnh Cuộc vận động “Học sinh, sinh viên với văn hoá giao thông” và tiếp tục triển khai, nhân rộng Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” trên toàn quốc.

Các đơn vị liên quan của hai Bộ sẽ tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chương trình, tài liệu giảng dạy và đưa nội dung giáo dục pháp luật về TTATGT và văn hóa khi tham gia giao thông vào chương trình chính khóa dưới hình thức tích hợp, lồng ghép vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục từ cấp mầm non đến trung học phổ thông và đại học.

Cùng đó tăng thời lượng thực hành, trải nghiệm thực tế; tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn, huấn luyện học sinh, sinh viên các kỹ năng tham gia giao thông an toàn như: Phòng chống đuối nước; đi bộ, sang đường; đi phà, đi thuyền; điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe đạp; ngồi trên ô tô đi học, thăm quan, dã ngoại an toàn và thoát hiểm khi gặp các tình huống giao thông nguy hiểm mà không có người trợ giúp… Kết hợp với lồng ghép xây dựng ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông một cách thiết thực, hiệu quả…

Nội dung ký kết cũng phân rõ trách nhiệm của từng Bộ và được thống nhất trong 4 cấp Công an và toàn ngành Giáo dục do Cục Cảnh sát Giao thông và Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT làm đầu mối thực hiện.

T.P
 
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...