• :
  • :

Tăng học phí bậc đại học: Cánh cửa nào để... vào đại học

Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp bất ngờ khi nhiều bạn trẻ tốt nghiệp đại học ra trường có biểu hiện buồn chán do không có việc làm. Các bạn lại tiếp tục đi xin xỏ, khóc lóc rồi năn nỉ các cơ quan tuyển dụng để có được một việc làm.

Những ngày qua, nhiều bạn trẻ và các bậc phụ huynh băn khoăn khi cánh cửa bước chân vào giảng đường đại học “hẹp” hơn do chính phủ ban hành Nghị định 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/08/2021. Theo đó, đến năm 2026-2027, học phí của các trường giáo dục nghề nghiệp, trường đại học được phép tăng ở mức trần lên đến 18%.

Học sinh có sức học trung bình khá nên cân nhắc

Nhiều bạn trẻ có sức học trung bình hoặc trung bình khá nhưng gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, học phí tăng sẽ khó có khả năng tiếp tục ở cấp bậc đại học. Cũng bởi, chương trình học của các trường đại học dao động từ gần 20 triệu đồng/năm học đến hơn 50 triệu đồng/năm học. Số tiền trên là khá lớn đối với một số gia đình có đông con hoặc có thu nhập thấp.

Ngoài khoản học phí, gia đình các bạn sinh viên còn phải chi thêm các khoản tiền sinh hoạt từ 5 – 7 triệu đồng/tháng và đầu tư học các kỹ năng mềm làm hành trang bước chân vào thị trường lao động đầy cạnh tranh trong thời đại 4.0. Tính chung, tổng chi phí cho mỗi sinh viên theo học 4 – 5 năm tương đương 400 – 500 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với các gia đình có mức thu nhập trung bình.

Liệu rằng, bước đường phía trước của các bạn trẻ vừa để mưu sinh và vừa để chinh phục tri thức có chông gai hơn? Trao đổi với Phóng viên Ngày Nay, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh Nguyễn Quốc Cường chia sẻ, các bạn trẻ hãy bước đi bằng đôi chân của năng lực và tự tin vào bản thân của mình.

Đối với các bạn học sinh có học lực giỏi hoặc điều kiện gia đình khá giả thì không quá lo lắng từ đầu vào đại học cho đến khi ra trường. Tuy nhiên, đối với các bạn học sinh có mức học trung bình - trung bình khá nếu có nhu cầu theo học đại học vẫn là bình thường. Thế nhưng, với tấm bằng tốt nghiệp đại học có sức học trung bình đến trung bình khá sẽ khó có cơ hội cạnh tranh với những sinh viên tốt nghiệp loại khá và giỏi.

Ông Nguyễn Quốc Cường phân tích, nguồn cung lao động có trình độ đại học vượt quá nhu cầu của các doanh nghiệp. Theo con số ước tính, nguồn nhân lực có trình độ đại học cung cấp cho thị trường lao động chỉ chiếm 10 -12% nhưng hiện nay, nguồn nhân lực có trình độ đại học chiếm 60% lực lượng lao động cả nước.

Do đó, đây cũng là thời điểm để các bạn trẻ cân nhắc và lựa chọn hướng phát triển sự nghiệp cho bản thân thông qua việc học nghề hoặc cao đẳng và thậm chí là sơ cấp nghề. Hầu hết, các trường đào tạo nghề và cao đẳng trên toàn quốc đều có kết nối với các doanh nghiệp nên cơ hội nghề nghiệp đối với các bạn trẻ sẽ rộng mở hơn.

Học tập dù bất kỳ ở cấp bậc đào tạo nào, người học đều mong muốn hướng đến hội nhập vào thị trường lao động. Các doanh nghiệp rất cần lao động có trình độ, chuyên môn và nghiệp vụ hơn là các kỹ nhân, kỹ sư nhưng không có tay nghề. Bài toán yêu cầu về bằng đại học thuộc về thập niên trước và chỉ những công việc đặc thù bắt buộc người lao động phải có bằng đại học. Ví dụ, chỉ đối với ngành đặc thù là sư phạm thì bắt buộc sinh viên mới ra trường phải tốt nghiệp đại học, trừ ngành sư phạm mầm non thì sinh viên cần phải tốt nghiệp cao đẳng.

Nghị định 97/2023/NĐ-CP của Chính phủ có những ưu điểm nhằm giúp các bạn trẻ xóa bỏ suy nghĩ bằng mọi giá phải vào đại học để tốt nghiệp ra trường không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không đúng với chuyên môn được đào tạo.

Ông Cường đánh giá, Nghị định 97/2023/NĐ-CP còn tạo tính cạnh tranh giữa các trường đại học về mức học phí, phân luồng cho học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Chúng ta phải hiểu được rằng, người thanh niên hay học sinh bước vào đời trước mắt hành trang sẽ là trải qua đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học. Những hành trang này đều khác nhau về cơ hội việc làm nhưng các em hay nhìn nhận việc nào làm nhiều tiền, việc làm nhẹ nhàng hoặc việc làm lương cao.

Học nghề hay đại học đều phải trở thành công dân toàn cầu

Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM nói, đối với cấp bậc đại học thì rất đặc biệt, là đặc trưng của những con người làm việc có tính độc lập, tri thức và tính sáng tạo cao. Lao động được đào tạo qua trình độ đại học có tính sáng tạo, kiến tạo và tự lập về việc làm.

Nhiều năm đi tư vấn hướng nghiệp, ông Tuấn rất bất ngờ với nhiều bạn trẻ tốt nghiệp đại học ra trường có biểu hiện buồn chán khi không có việc làm. Các bạn lại tiếp tục đi xin xỏ, khóc lóc rồi năn nỉ các cơ quan tuyển dụng để có được một việc làm. Đây là vấn đề đáng báo động.

Tăng học phí bậc đại học: Cánh cửa nào để... vào đại học ảnh 1

Lao động có trình độ, tay nghề là những công việc mang tính cụ thể.

Ở cấp bậc cao đẳng, tình trạng thất nghiệp có tỷ lệ thấp hơn do đào tạo có tính chất thực hành nên dễ tìm kiếm việc làm hơn. Đối với bậc đào tạo trung cấp gần như vận hành trong một nhóm công việc có quy trình và mang tính thực hành cao. Lao động có trình độ sơ cấp là những công việc mang tính cụ thể.

Như vậy, mỗi cấp học đều có giá trị cụ thể. Đại học thì có mức độ cao hơn. Ở Việt Nam, trước đây cần nhiều sơ cấp và trung cấp, kế đến cao đẳng và đại học. Trong xu hướng sắp tới đây, đại học gần như mang tính toàn cầu hóa mà chúng ta đang phát triển.

Ông Trần Anh Tuấn đặt vấn đề, dù các bạn trẻ học ở các cấp học từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học khi thành tài đều phải trở thành nguồn nhân lực có chất lượng cao. Nguồn nhân lực có chất lượng cao ở đây là có nghề nghiệp rõ ràng. Bản thân các bạn học ở cấp học nào là tùy thuộc vào điều kiện năng lực cá nhân, năng lực tài chính gia đình và hoàn cảnh khách quan.

Chọn học cấp học nào thì sự phù hợp với nghề là quan trọng nhất. Có những bạn trẻ chỉ vì chữ “đại học” để mang lại vinh quang nhưng cuối cùng trượt dài trong suốt quá trình chinh phục để lấy tấm bằng do sai lầm từ điểm xuất phát. Chúng ta đang ở thời kỳ học liên thông, học hoài, học mãi mà có thể nói “đến chết là hết học”.

Ông Tuấn đưa ra câu hỏi, ai có điều kiện thì học đại học và phải học đúng ngành, đúng nghề, học để phát triển bản thân? Đất nước rất cần nhân lực ở cấp bậc trình độ đại học và cần lao động có kỹ năng nghề mà đặc biệt là kỹ năng làm việc nhóm ở các doanh nghiệp. Ngoài ra, người lao động còn phải có kỹ năng của tính kỷ luật một cách nghiêm túc, gắn liền với tính công nghệ và kỹ năng về ngoại ngữ thật giỏi.

Các bạn trẻ dù tốt nghiệp bất kỳ cấp bậc đào tạo nào chỉ cần có những yếu tố vừa kể trên thì ai có sẽ có việc làm mà việc làm không hết. Nếu các bạn trẻ không có các yếu tố nói trên thì phải hoàn thiện từ từ. Mức lương thấp hay cao hoàn toàn là do các yếu tố trên quyết định.

Trong các yếu tố đó, muốn trở thành công dân của toàn cầu thì các bạn trẻ cần phải có thêm kiến thức xã hội, có tương tác “nói và làm”, hành động giao tiếp và am hiểu được cuộc sống xã hội. Có như vậy, các bạn trẻ dù học bất kỳ cấp bậc từ sơ cấp đến đại học đều trở thành công dân toàn cầu trong thời đại 4.0.

Ông Trần Anh Tuấn đúc kết vấn đề, tóm lại, học là đúng chọn nghề phù hợp, học là học thật lực, học để làm cho đúng ngành và cấp bậc, học để hành động, học để vươn lên và phải có tri thức. Cuộc đời là một hành trình, nghề nghiệp cũng là một hành trình, học thì phải hành động, học tốt nghiệp ra trường thì phải có việc làm. Chúng ta học xong không tìm được việc làm rồi ngồi khóc thì tôi cũng xin chia buồn cho các bạn.

Minh Long
Lượt xem: 6
Tác giả: Minh Long