• :
  • :

Thu phí lòng đường, vỉa hè dưới góc nhìn của chuyên gia đô thị

Dù đã nhiều lần ra quân xử lý nhưng tình trạng vỉa hè, lòng đường tại Hà Nội bị chiếm dụng vẫn tiếp tục tái diễn. Trước đề án “Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố”, chuyên gia đô thị cho rằng, cơ quan triển khai cần lắng nghe ý kiến người dân.

Thu phí lòng đường, vỉa hè dưới góc nhìn của chuyên gia đô thị

Vỉa hè, lòng đường vẫn bị chiếm dụng dù đã ra quân xử lý

Thực tế, thành phố Hà Nội đã nhiều lần ra quân giành lại vỉa hè, lập lại trật tự đô thị. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường lại tái diễn.

Tại phố Vĩnh Hồ (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội), hàng quán, xe cộ vô tư chiếm dụng vỉa hè, thậm chí cả sân chơi và khu tập thể dục của người dân. 

Thường xuyên di chuyển qua con phố này, anh Lê Hoài Nam (quận Đống Đa, Hà Nội) cảm thấy bất bình khi vỉa hè bị sử dụng sai mục đích, người đi bộ phải đi dưới lòng đường. 

 

 

Dù cơ quan chức năng đã nhiều lần ra quân xử lý nhưng vỉa hè, lòng đường vẫn bị sử dụng sai mục đích. Ảnh: Phương Anh

“Chẳng biết từ bao giờ vỉa hè lại ngang nhiên trở thành nơi đỗ xe la liệt. Dưới lòng đường thì hàng rong bủa vây tứ phía. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến mĩ quan đô thị mà còn gây nên tình trạng giao thông lộn xộn” - anh Nam nói.

Anh Nam kể, để len lỏi giữa hàng dài phương tiện dừng đỗ trên vỉa hè là điều rất khó. Thế nên, anh cùng nhiều người dân khác phải đi xuống lòng đường đông đúc xe cộ. 

“Dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn nhưng không có lựa chọn nào khác. Tôi mong cơ quan chức năng xử lý triệt tình trạng lấn chiếm vỉa hè để đảm bảo an toàn cho người đi bộ” - anh Nam nói.

Tại phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm), rất nhiều phương tiện dừng đỗ trái phép, nhất là ở vỉa hè phía trước các trụ sở cơ quan hành chính, doanh nghiệp.

 

Chẳng biết từ bao giờ, vỉa hè dành cho người đi bộ ngang nhiên trở thành bãi trông giữ xe. Ảnh: Phạm Đông

Tương tự, tại phố Quang Trung ( quận Hoàn Kiếm), những xe máy xếp hàng 2, hàng 3 khiến cho toàn bộ không gian vỉa hè chỉ còn lại duy nhất một lối nhỏ cho người ra vào gửi xe.

Hầu hết, những nơi này chỉ cắm biển trông giữ xe nhưng không ghi rõ giấy phép do UBND quận cấp, không có bảng niêm yết giá vé giữ xe ban ngày và ban đêm theo quy định.

Cần lắng nghe ý kiến người dân

Trước đó, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đưa ra đề án “Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TPHCM”. Ở Hà Nội, Đề án tương tự cũng đã từng được thí điểm ở một số tuyến phố và tính hiệu quả của nó đến bây giờ cũng chưa thể xác định được.

Chia sẻ với báo Lao Động, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nhận định, vỉa hè cần được quản lý chặt chẽ bởi chúng gắn với kiến trúc không gian hai bên, là đặc thù của từng tuyến phố, từng đô thị. 

“Từ 2015 đến nay, Thành phố Hà Nội đã 4 lần ra quân để dẹp vỉa hè, lòng đường. Hà Nội đã thí điểm đề án trên ở một số nơi tại quận Hoàn Kiếm, tiêu biểu là phố Lý Thường Kiệt. Cần làm thế nào để đảm bảo hài hòa các lợi ích của những gia đình tiếp cận vỉa hè và người đến thuê vỉa hè mới là điều quan trọng” - ông Nghiêm nói. 

Cũng theo ông Nghiêm, Luật Đất đai (sửa đổi) có rất nhiều quy định về quyền của người sử dụng đất, trong đó có đất công cộng, đất vỉa hè và đất của những người là chủ sở hữu các ngôi nhà liền kề vỉa hè. Vì vậy, cho thuê lòng đường, hè phố là một giải pháp đề xuất nhưng cần phải nghiên cứu những quy định của Luật Đất đai (sửa đổi). 

 

Vì bị chiếm dụng, nhiều người dân buộc phải đi xuống lòng đường, bất chấp nguy hiểm. Ảnh: Hữu Chánh

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho hay, hiện nay, chưa có bất kỳ nghiên cứu cụ thể nào để phân loại vỉa hè theo từng tiêu chí riêng, tất cả chỉ mới là cảm nhận ban đầu. Về lâu dài, phải có cái nhìn tổng thể, phân loại vỉa hè và xác định chức năng của từng tuyến phố. 

“Cơ quan triển khai đề án cần thực hiện theo ý dân chứ không được tự quyết. Bởi đề án cho thuê lòng đường, hè phố có thể giúp khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên về đất đai, tăng thêm nguồn thu.

Tuy nhiên, điểm bất lợi đó là không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở từng khu vực mà còn tăng thêm áp lực về mặt giao thông” - ông Nghiêm chia sẻ. 

Lượt xem: 10
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết