• :
  • :

Thúc đẩy giải quyết việc làm và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của Thủ đô

Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2022 đã tạo cơ hội gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, cập nhật kịp thời xu hướng phát triển của thị trường và nhu cầu tuyển dụng lao động, tiến tới việc liên kết đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp; góp phần thúc đẩy giải quyết việc làm, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố Hà Nội.

Sáng nay, 11/12, tại Trung tâm Văn hoá Thông tin và Thể thao quận Bắc Từ Liêm đã diễn ra Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2022 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) quận Bắc Từ Liêm tổ chức.

Tới dự hội nghị có Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) Trương Anh Dũng; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng; Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội Bạch Liên Hương và các Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội; Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cùng đại diện lãnh đạo UBND quận Bắc Từ Liêm...

Thúc đẩy giải quyết việc làm và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của Thủ đô
Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Tương Anh Dũng phát biểu tại hội nghị

Khai mạc hội nghị, bà Bạch Liên Hương - Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết: trong những năm qua, chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chất lượng lao động Thủ đô ngày càng được khẳng định và nâng cao, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Với mạng lưới 310 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp của Thành phố liên tục tăng cao; tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 - 80%. Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100%. Kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của Thành phố năm 2022 đạt 72,23%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra và tăng 1,13 điểm phần trăm so với năm 2021.

Tuy nhiên, với vị thế là Trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của cả nước, thị trường lao động của Thủ đô luôn có sự biến động và thu hút mạnh mẽ lực lượng lao động tham gia thị trường. Đặc biệt, sau thời gian dịch bệnh Covid-19 kéo dài và những tác động tiêu cực từ tình hình thế giới hiện nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước và Thành phố, bào mòn khả năng chịu đựng của doanh nghiệp dẫn đến tình hình việc làm và thu nhập của người lao động có chiều hướng giảm.

Thúc đẩy giải quyết việc làm và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của Thủ đô
Ký kết hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp.

Trước tình hình đó, Sở LĐTBXH Thành phố đã tham mưu và tổ chức nhiều giải pháp, biện pháp theo chức năng thẩm quyền của ngành để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố.

“Việc tổ chức Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động là một trong nhiều biện pháp cụ thể, căn cơ mà Sở LĐTBXH Hà Nội thực hiện nhằm thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, người học và xã hội về giáo dục nghề nghiệp; tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm giúp học sinh, sinh viên, người lao động chọn nghề và tìm kiếm việc làm phù hợp; thúc đẩy và khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia phong trào khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thủ đô; đẩy mạnh gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại; kết nối cung cầu lao động; hỗ trợ giải quyết sự thiếu hụt lao động, việc làm giữa các khu vực kinh tế và lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ” - Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội Bạch Liên Hương khẳng định.

Thúc đẩy giải quyết việc làm và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của Thủ đô
Đại biểu tham quan các gian hàng tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh

Với những mục đích, ý nghĩa hết sức thiết thực, Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2022 đã thu hút sự tham dự của 10.000 người, trong đó có khoảng 8.000 học sinh các trường Trung học cơ sở (THCS), Trung học phổ thông (THPT), Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Hoài Đức tham gia hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và hơn 2.000 người tới tham gia Phiên giao dịch giới thiệu việc làm lưu động.

Hội nghị diễn ra với nhiều hoạt động thiết thực, gồm: 36 doanh nghiệp tiêu biểu, đại diện cho gần 1.000 doanh nghiệp có hoạt động liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố tham gia ký kết hợp tác, đặt hàng đào tạo với các cơ sở giao dục nghề nghiệp; Tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT; Phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp tuyển dụng, tuyển sinh đa dạng các vị trí, ngành nghề.

Thúc đẩy giải quyết việc làm và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của Thủ đô
Tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh cho các em học sinh

Ngoài ra, Hội nghị còn có những hoạt động bên lề như: Trưng bày, giới thiệu một số mô hình khởi nghiệp, sản phẩm thực hành, mô hình thiết bị đào tạo nghề tự làm tiêu biểu của học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Trình diễn kỹ năng nghề thuộc các nhóm nghề du lịch, dịch vụ nhà hàng; chăm sóc sắc đẹp; công nghệ sơn ô tô...

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, thành phố Hà Nội là nơi tập trung nhu cầu lớn nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là địa phương có số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp lớn nhất nước với hơn 300 đơn vị, hàng năm tổ chức tuyển sinh và đào tạo trên 200.000 lượt người, cung cấp lực lượng lao động có tay nghề, có kỹ năng trình độ chuyên môn đứng đầu cả nước.

Thúc đẩy giải quyết việc làm và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của Thủ đô
Trình diễn nghề chăm sóc sắc đẹp.

“Những năm gần đây, Sở LĐTBXH Hà Nội đã tham mưu và chỉ đạo có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của LĐTBXH về phát triển giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động. Hiệu quả của các Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động những năm gần đây góp phần giúp cho chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của Thủ đô Hà Nội ngày càng được nâng lên” - ông Trương Anh Dũng đánh giá.

Để tiếp tục tăng cường hiệu quả gắn kết giáo dục nghề nghiệp nói chung và giáo dục nghề nghiệp Thủ đô nói riêng với thị trường lao động, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới, ông Trương Anh Dũng đề nghị Sở LĐTBXH Hà Nội tiếp tục tham mưu tổ chức tốt các hoạt động như hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động lần này để truyền thông, quảng bá, gắn giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động; nâng cao nhận thức, thực hiện có hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng để các em học sinh, sinh viên theo học các trình độ nghề nghiệp phù hợp với thị trường lao động.

Đối với các doanh nghiệp, ông Trương Anh Dũng đề nghị cần cung cấp đầy đủ thông tin với cơ quan quản lý nhà nước về nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo về số lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ lao động để làm cơ sở dữ liệu cho việc phân tích, dự báo nhân lực và nhu cầu kỹ năng tương lai.

Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần bám sát nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, đa dạng hóa hình thức hợp tác, tăng cường các điều kiện đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo; chú trọng đào tạo kỹ năng nghề lẫn kỹ năng mềm để học sinh, sinh viên khi ra trường đáp ứng được các yêu cầu công việc của doanh nghiệp.

Được biết, sau khi Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động năm 2021 được tổ chức tháng 4/2021, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố đã đẩy mạnh hợp tác, gắn kết doanh nghiệp với nhiều hình thức phong phú, đạt hiệu quả cao. Tính đến tháng 12/2022 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố đã hợp tác với gần 1.000 doanh nghiệp, tiếp nhận hơn 50.000 học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập; tham gia xây dựng, chỉnh sửa hơn 400 bộ chương trình, giáo trình; đặt hàng đào tạo với hơn 75.000 người; tuyển dụng 45.560 học sinh, sinh viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp hỗ trợ trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với tổng kinh phí hơn 15 tỷ đồng. Đặc biệt 30 doanh nghiệp tiêu biểu tham gia ký kết tại Hội nghị năm 2021 đã tiếp nhận toàn bộ học sinh, sinh viên mà doanh nghiệp đặt hàng đào tạo đến thực hành thực tập có trả lương và tiếp nhận toàn bộ học sinh, sinh viên tốt nghiệp của cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã ký kết có nhu cầu vào làm việc tại doanh nghiệp với mức thu nhập đạt từ 8 - 15 triệu đồng/tháng.

Phạm Diệp
Lượt xem: 11
Nguồn:https://laodongthudo.vn/thuc-day-giai-quyet-viec-lam-va-nang-ty-le-lao-dong-qua-dao-tao-cua-thu-do-149912.html?fbclid=IwAR0rGD8a-a6JvL1JanF2w0AIiUsmpnzs-S5IVoJ8QIW1r2711PQ_kgRwuW0 Sao chép liên kết