• :
  • :

Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững

Việt Nam vừa tổ chức thành công Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Hà Nội. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu tham gia thảo luận là chuyên đề về “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững”. Lao Động đã có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội - liên quan tới nội dung này.

Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: Thu Phương

Thưa ông, qua trao đổi, thảo luận tại chuyên đề “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững”, ông nhận thấy các nước chia sẻ quan điểm và tầm nhìn về việc này như thế nào?

- Điều đầu tiên chúng ta thấy rõ được là sự đồng tình, nhất trí, ủng hộ của nghị sĩ trẻ các nước đối với chủ đề phiên họp do Việt Nam đề xuất. Điều đó cho thấy đóng góp của Việt Nam trong việc nhìn nhận ra một vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững từ văn hóa nói chung, đa dạng văn hóa nói riêng.

Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa đã thực sự có tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của nhiều quốc gia. Các trao đổi, thảo luận trong phiên họp thứ 3 về thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững rất sôi nổi, vượt quá cả thời gian vốn quy định chỉ trong một buổi sáng, cho thấy đa dạng văn hóa chính là một vấn đề quan trọng của tất cả các quốc gia.

Mỗi quốc gia đều có những ví dụ riêng của mình, tuy nhiên, điều đồng thuận cao nhất là tất cả đều đề cao, tôn trọng, thúc đẩy tính đa dạng văn hóa của nước mình như một hình thức để tạo dựng hòa bình, ổn định, phồn vinh và hạnh phúc ở trong nước cũng như trong các mối quan hệ quốc tế.

Tại thảo luận, nghị sĩ trẻ các nước trao đổi nhiều kinh nghiệm và thực hành xung quanh vấn đề này. Ông ấn tượng với kinh nghiệm hay thực hành nào nhất?

- Với tôi, mỗi nước đều cho tôi một kinh nghiệm quý để trong các hoàn cảnh nhất định, mình có thể học hỏi nếu cảm thấy phù hợp. Còn trong phiên họp thứ ba, tôi ấn tượng với phát biểu của nghị sĩ trẻ đến từ Somali rằng: “Văn hóa không phải là thứ gì đó xa xỉ. Văn hóa là nhu cầu thiết yếu của con người”. Điều này khiến cho chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về việc đáp ứng quyền văn hóa của nhân dân, lấy nhu cầu của nhân dân là mục tiêu quan trọng của quản lý Nhà nước về văn hóa.

Bên cạnh đó, nhiều nghị sĩ trẻ bàn về tác động của bối cảnh chuyển đổi số, của trí tuệ nhân tạo (AI) và mạng xã hội đến với văn hóa và con người. Từ ý tưởng của đại biểu đến từ Ghana, tôi nghĩ nhiều đến một ý tưởng là: Nếu con người không giải quyết, xử lý được những vấn đề của công nghệ (như AI) chẳng hạn, thì sẽ đến lúc công nghệ AI sẽ giải quyết, xử lý con người. Đây không hoàn toàn là những lo lắng nữa, đây đã là sự thật rất gần chúng ta rồi.

Với những khuyến nghị đưa ra trong Tuyên bố chung Hội nghị, ông kỳ vọng gì về phát triển văn hóa và thúc đẩy tôn trọng văn hóa trong thời gian tới?

- Đối với văn hóa, 6 khuyến nghị đã bao quát được các mối quan tâm và những thảo luận tại hội nghị. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, bằng những nhận thức chung sâu sắc và vị trí quan trọng của các nghị sĩ trẻ toàn cầu, các quốc gia sẽ hình thành các khuôn khổ pháp lý và hành động cụ thể hỗ trợ cho sự phát triển văn hóa và thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa. Trên cơ sở đó, văn hóa và đa dạng văn hóa sẽ quan tâm nhiều hơn nữa, trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển của các quốc gia, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển bền vững trong Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc.

Xin cảm ơn PGS.TS Bùi Hoài Sơn!

Lượt xem: 9
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...