Thực hiện "4 đúng", "3 không" để kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn
Sáng 20/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với Ban Chỉ đạo thi 63 tỉnh, thành phố.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chủ trì tại điểm cầu Bộ GD&ĐT. Cùng tham dự có thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ thư ký giúp việc cho Ban Chỉ đạo, đại biểu đại diện Bộ Công an, Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.
Tại điểm địa phương, dự vào chủ trì hội nghị có Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cấp tỉnh; các ủy viên Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, Tổ thư ký giúp việc và đại diện các sở, ban ngành liên quan của địa phương.
Hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với Ban Chỉ đạo thi 63 tỉnh, thành phố |
Hơn 1 triệu thí sinh dự thi
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có tổng số 1.071.393 thí sinh đăng ký dự thi: 1.071.393 (tăng hơn 45.000 thí sinh so với Kỳ thi năm 2023). Trong đó, số thí sinh tự do là 46.978 chiếm 4,38% tổng số thí sinh. Thí sinh đăng ký trực tuyến: 1.014.020 chiếm 94,66% tổng số thí sinh.
Các thí sinh dự thi tại 2.323 Điểm thi, tăng 51 Điểm thi so với Kỳ thi năm 2023; tổng số phòng thi là 45.149.
Có tổng số 66.927 thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ, chiếm 6,25% tổng số thí sinh; trong đó, Hà Nội có 21.554 thí sinh; TP HCM có 13.076 thí sinh.
Thay mặt Thường trực Ban Chỉ đạo cấp quốc gia thông tin một số nội dung triển khai tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020 - 2023. Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương.
Theo đó, các Hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày 26, 27, 28 và 29/6/2024; chấm thi từ ngày 29/6/2024; công bố kết quả thi vào 8h ngày 17/7/2024, xét công nhận tốt nghiệp THPT ngày 19/7/2024.
Để đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cùng các lãnh đạo các vụ, cục đã trực tiếp kiểm tra và làm việc với UBND tỉnh về công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại nhiều địa phương trên cả nước.
Các địa phương được kiểm tra đã sớm thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh với đầy đủ các thành phần theo quy định, huy động cả hệ thống chính trị, sở, ban, ngành của tỉnh vào cuộc, phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết đến từng thành viên của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, nhiều địa phương thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện và huy động các sở ban hành và cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Công tác truyền thông được đẩy mạnh, đặc biệt là việc tuyền truyền, phổ biến cho kỳ thi, đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế...
Chủ động công tác chuẩn bị
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 nhấn mạnh, từ khóa quan trọng của kỳ thi năm nay là "tuyệt đối an toàn" từ khâu bảo quản in ấn, vận chuyển đề thi, bài thi đến vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, giao thông, an ninh trật tự, điện nước.
Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi vị trí, mỗi công đoạn đều cần phân công rõ trách nhiệm cụ thể. Trong đó, công tác in sao, vận chuyển đề thi, bài thi hết sức quan trọng. Công tác coi thi, chỉ diễn ra trong hai ngày, số lượng thí sinh tham gia đông, là quãng thời gian có tính rủi ro cao nhất, nên cần đặc biệt lưu ý, từ tập huấn đến bố trí nhân lực, giám sát, tập trung cao độ; công tác chấm thi phải thực hiện đúng quy chế...
Đồng chí Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng lưu ý cần quán triệt tinh thần "4 đúng" và "3 không" trong tổ chức kỳ thi. Trong đó, “4 đúng” là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. Còn “3 không” là: Không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo các địa phương, các Điểm thi cần tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ thí sinh tham dự kỳ thi, tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị công nghệ, thông tin liên lạc vào phòng thi; không để bất kỳ thí sinh nào vì điều kiện kinh tế hoặc cách trở giao thông mà không đến được điểm thi...
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi đặc biệt quan trọng với quy mô rộng, thời gian diễn ra nhanh và trên phạm vi lớn. Đây cũng là kỳ thi được xã hội quan tâm, đánh giá 12 năm học tập, rèn luyện của học sinh để các em làm căn cứ xét tuyển vào đại học, là cơ sở để đánh giá chất lượng dạy và học của các nhà trường.
Qua báo cáo của các bộ, ngành và các địa phương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT ghi nhận nỗ lực của chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, với một kỳ thi có nhiều áp lực, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu cần tăng cường công tác truyền thông, bảo đảm đúng, đủ, kịp thời để phản ánh đúng tính chất, quy mô của cuộc thi và có những thông tin cảnh báo, răn đe về việc sử dụng thiết bị cao, giải tỏa dư luận với những tin thất thiệt.
Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh: Quá trình triển khai, tuyệt đối không được chủ quan; quan tâm đến từng khâu của kỳ thi. Đối với cán bộ khi thực thi công vụ phải tự trọng tự giác. Đối với học sinh phải thi thực, kết quả thực.