• :
  • :

TP Hồ Chí Minh: Thực trạng phân loại rác tại nguồn trước ngày áp dụng xử phạt

Từ ngày 25/8, Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ có hiệu lực pháp luật. Một trong những quy định là các cá nhân và tổ chức không phân loại rác thải tại nguồn sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều người dân chưa có thói quen này dù đã sát “giờ G”.

Chủ và khách vẫn “vô tư”

Khảo sát tại Phúc Long Coffee & Tea (đường Nguyễn Hữu Thọ, Quận 7), tại đây, quán đã bố trí khu vực bỏ rác cho 3 loại khác nhau: Giấy, chất lỏng và nhựa. Tuy nhiên, khi nhân viên đến thu gom, vẫn thấy rất nhiều rác bị bỏ sai chỗ phân loại. Khu vực để rác “paper” (giấy) xuất hiện hàng loạt ly nhựa, túi nilon trộn lẫn…

Khi được hỏi, nhân viên tại đây cho biết, vì quán rất đông, nhân viên không thể thường xuyên túc trực để phát hiện và hướng dẫn khách bỏ rác đúng chỗ. “Sau khi thu gom, tụi em phân công thay nhau phân loại lại rác, rất vất vả”, nhân viên này than thở.

Dù phân chia thùng để rác khác nhau nhưng thực khách vẫn để lộn xộn

Dù phân chia 3 thùng để rác khác nhau nhưng thực khách vẫn vô tư để lộn xộn

Katinat Saigon Kafe (đường An Dương Vương, Quận 5) là thương hiệu đồ uống vốn có tiếng trong ngành nên hàng ngày có rất đông khách lui tới. Quán đã chủ động thiết kế khu rực bỏ từng loại rác riêng. Tuy nhiên, ý thức thực khách trong phân loại rác vẫn chưa cao, rác tái chế và hữu cơ bỏ lộn xộn nhau. Nhân viên tại đây muốn nhắc nhở nhưng cũng đành bất lực vì… khách hàng là "thượng đế”.

Tại nhiều quán ăn trên địa bàn Quận 1, Quận 3, Quận 5… phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô vẫn ghi nhận kết quả không khả quan. Ngoài ý thức của người dân, thực khách, thì chủ hộ kinh doanh nhiều nơi cũng chẳng mảy may quan tâm đến phân loại rác.

Theo đó, mỗi bàn ăn chỉ đặt một sọt rác nhỏ dưới chân, thực khách thoải mái bỏ tất cả rác vào đó, từ thức ăn thừa đến túi nilon, ly nhựa. Cuối buổi, nhân viên sẽ đi gom tất cả rác trong các sọt thành túi lớn rồi cứ thế đem đến nơi tập kết. Vài chủ quán còn tỏ ra bất ngờ, không biết đến chuyện xử phạt nếu không phân loại rác khi phóng viên hỏi.

“Đau đầu” phân loại rác tại nhà riêng

Không dừng lại ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ, tại nhà riêng, nhiều người dân cũng chẳng quan tâm đến việc làm rất có ích này.

Theo ghi nhận, nhiều hộ dân sống tại chung cư Himlam Riverside (đường Hoàng Trọng Mậu, Quận 7), hàng ngày đem từ 2 - 3 túi rác được buộc chặt đến nơi tập kết mỗi tầng. Tuy nơi đây đã thiết kế 2 thùng chứa rác hữu cơ và tái chế nhưng người dân lại tiện đâu bỏ đó. Qua kiểm tra, trong thùng chứa rác hữu cơ không chỉ có ly, túi, đồ chơi… bằng nhựa mà còn có cả mảnh gốm vỡ, dao kéo hư hỏng và ngược lại…

Túi rác vứt một góc dù có 2 thùng phân loại đặt sẵn tại chung cư

Túi rác không được phân loại bị vứt một góc dù có 2 thùng chứa rác đặt sẵn tại chung cư

Cư dân B.H, sống tại chung cư River Gate (Bến Vân Đồn, Quận 4) cho biết: “Từ trước tới giờ, mọi người đã có thói quen bỏ rác như vậy, nếu bây giờ bắt phân loại cũng chẳng mấy ai quan tâm. Việc xử phạt thì càng khó hơn, nhìn túi rác biết ai bỏ mà phạt!”.

Thực tế quan sát tại đây, đa số người dân không phân loại rác. Nhiều người bỏ bừa bãi và chẳng có cách gì nhận biết rác nào của người nào nếu không “trực chiến” tại đây.

Thùng chứa rác hữu cơ nhưng bên trong lại toàn ly nhựa, giấy,...

Thùng chứa rác hữu cơ nhưng bên trong lại toàn ly nhựa, giấy...

Tình trạng phân loại rác đối với người dân ở nhà riêng (nhà mặt đất) cũng không phải khả quan hơn. Người dân thường có thói quen dùng một túi đựng rác chung trong nhà và bỏ tại nơi tập kết trên lề đường, cho xe rác đến lấy và tự phân loại. Thực tế, khảo sát trên nhiều tuyến đường nội đô TP Hồ Chí Minh, rác thải nhiều nơi để vương vãi, mùi hôi thối bốc lên… vô cùng nhếch nhác.

Rác không được phân loại vứt ven đường Hoàng Trọng Mậu, phường Tân Hưng, Quận 7

Rác không được phân loại chất đống ven đường Hoàng Trọng Mậu giao Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, Quận 7

Anh M.H, nhân viên vệ sinh Công ty TNHH MTV Công ích Quận 1, đang làm việc trên tuyến đường Cách mạng tháng 8 (Quận 1) cho biết, từ khi bắt đầu có chủ chương phân loại rác tại nguồn, chưa nhiều người làm tốt việc này. Anh đánh giá, có đến 80% rác thu gom chưa được phân loại.

“Việc bỏ giấy, nhựa, sắt vụn… vào một túi riêng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người đi nhặt “ve chai”. Việc này giảm đi tình trạng rác bị bới móc vương vãi nhưng cũng từ đó, người dọn rác sẽ mất đi một chút thu nhập từ nguồn này”, anh H chia sẻ.

Phân loại rác thế nào cho đúng?

Theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP, từ 25/8/2022, nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác có thể bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Do đó, việc phân loại rác bây giờ không còn là việc làm mang tính tự nguyện mà đã trở thành một chế tài, quy định có tính chất bắt buộc hơn.

Theo đó, người dân cần phân loại rác thành 3 loại, mỗi loại tương ứng với mỗi màu sắc khác nhau trên nhãn dán. Nhãn này dán lên thùng rác hoặc trên túi đựng rác trước khi đưa cho người thu gom.

Loại đầu tiên là rác hữu cơ dễ phân hủy. Loại này quy định bằng màu xanh lục trên nhãn phân loại, bao gồm: Thức ăn thừa hoặc hết hạn sử dụng; Thành phần được thải bỏ từ sơ chế, chuẩn bị thức ăn; Xác động vật…

Loại thứ 2 là rác có khả năng tái chế, quy định bằng màu xanh dương trên nhãn phân loại, bao gồm: Giấy, đồ nhựa, cao su, đồ kim loại và đồ thuỷ tinh…

Loại thứ 3 là các rác thải khác, quy định bằng màu xám trên nhãn phân loại, bao gồm: Dao, lưỡi lam, kéo, đồ sành, sứ, gốm vỡ, túi nilon, giấy ăn đã qua sử dụng, vải, quần áo…

Người dân cần bao bọc từng loại rác một cách kỹ càng, tránh để rơi vãi; Nếu có vật nguy hiểm như dao kéo phải báo lại cho người thu gom.

Lượt xem: 86
Tác giả: Bảo Anh
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...