Triển khai các chính sách phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội: Cơ hội để xem xét sự năng động, sáng tạo của cán bộ
Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đề ra nhiều chính sách quan trọng cho nền kinh tế nước ta phục hồi sau đại dịch. Các chuyên gia cho rằng, đây là một dịp để xem năng lực thực thi nhiệm vụ của cán bộ ra sao.
Ảnh minh họa
Giám sát chặt chẽ chính quyền địa phương
Thành viên Ban điều hành Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) Trần Hữu Huỳnh chia sẻ, chúng ta phải rút ra bài học kinh nghiệm trước đây là tập trung giải quyết những khó khăn do đại dịch gây ra. Trong đó, bài học đầu tiên là phải kiểm soát để triển khai các chính sách phục hồi và phát triển thực sự hiệu quả như mục đích đề ra, bởi nhiều khi bài học của chúng ta về cách thức tổ chức, thực hiện chứ không phải là những sáng kiến, quyết sách.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai các chính sách này, chúng ta có quy định phân quyền. Thời gian qua, địa phương có nhiều chuyển biến nhưng một số nơi vẫn còn lệ thuộc nhiều vào Trung ương. Vì vậy, việc giám sát chặt chẽ chính quyền địa phương là một trong những ưu tiên cần phải làm. Chính sách phục hồi và phát triển lần này phân quyền nhiều hơn, rộng hơn và nhiều vấn đề mới, trong khi thực tiễn ứng phó với COVID-19 phát sinh hai trạng thái: lạm quyền hoặc không sử dụng đúng quyền vì sợ trách nhiệm, ngại trách nhiệm, đùn đẩy…
“Vừa qua, Bộ Chính trị có Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây là một dịp để thử xem những băn khoăn, lo ngại của Trung ương được xử lý như thế nào, quyết sách mà Trung ương đề ra có hiệu quả không, cả bộ máy có vận hành hiệu quả không? Không phải ban hành Nghị quyết rồi để đó, đặc biệt tránh được việc trục lợi chính sách, đục nước béo cò”, ông Huỳnh phân tích.
Ông Trần Hữu Huỳnh- thành viên Ban điều hành Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) |
Nhấn mạnh việc phân quyền phải có giám sát, ông Huỳnh chỉ rõ, có 2 loại giám sát: giám sát thực hiện quyền và giám sát trong quá trình thực thi chính sách. Về giám sát trong thực thi chính sách, ông Huỳnh nêu ví dụ như chỉ định thầu: việc làm này trong điều kiện hiện nay là để rút ngắn thời gian nhưng ít khi sử dụng vì thường không hiệu quả, không chọn được người có năng lực. Vì vậy, cần có cơ chế hỗ trợ để chỉ định thầu tránh được tình trạng “lập lờ đánh lận con đen”, lợi dụng chỉ định thầu để không ai giám sát, kiểm soát về chất lượng, giá cả - đặc biệt là giá cả. Chúng ta có thể xem xét ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học hay các định chế khác để giúp cho việc chỉ định thầu hạn chế được những khía cạnh trên, bảo đảm tiết kiệm, chất lượng.
Theo ông Huỳnh, nên yêu cầu ai chỉ định thầu thì người đó chịu trách nhiệm cuối cùng về chất lượng.
Quy định trách nhiệm giải trình rõ ràng
Vẫn theo ông Huỳnh, công tác giám sát phải bảo đảm thực chất, có kết quả; đồng thời, phải quy định trách nhiệm giải trình rõ ràng, cụ thể, từ giải trình trong hệ thống công quyền đến giải trình với công luận, sự tham gia của báo chí, người dân.
Nêu lại việc lão nông Phạm Tấn Lực chống tham nhũng thành công trong vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, ông Huỳnh kỳ vọng sẽ có nhiều lão nông như thế, tức là phải làm thế nào để mỗi người lao động, mỗi người dân phát huy quyền làm chủ của mình, thực sự trở thành mạng lưới “thiên la địa võng” để bất kỳ sự gian manh nào cũng không thể thoát được, khi ấy đất nước mới phục hồi và phát triển bền vững.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty Luật ANVI Trương Thanh Đức thì mong muốn các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ được triển khai kịp thời, đúng đối tượng và tránh thất thoát, lợi dụng.
Ông Trương Thanh Đức- Giám đốc Công ty Luật ANVI |
Ông Đức cho rằng, doanh nghiệp không cần hỗ trợ quá nhiều, mà điều quan trọng là phải mở cửa cho doanh nghiệp hoạt động - tất nhiên chống dịch vẫn phải làm. Đồng thời, tiếp tục công cụ giám sát, thanh tra, kiểm tra phải thực hiện thường xuyên, nhất là tự giám sát lẫn nhau, doanh nghiệp, người dân giám sát việc thực hiện.
Ngày 15/3 tới đây, nước ta mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Do vậy, cần tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức chống dịch của người dân cũng như phải chấp nhận sống chung với dịch. Điểm nổi bật của chúng ta là tỷ lệ tiêm chủng đứng hàng đầu thế giới và khi chúng ta xác định sống chung, mở cửa thì tăng trưởng kinh tế của đất nước đã bật tăng trở lại. Bởi vậy, “cái giá” của mở cửa là có thể chấp nhận được, nếu đem so sánh với các loại bệnh tật khác…