Trường Cao đẳng Giao thông Huế bị tố cắt 50% thời lượng chương trình đào tạo nghề
HUẾ - Một giảng viên công tác tại Trường Cao đẳng Giao thông (CĐGT) Huế đã gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng Trường CĐGT Huế và một số cá nhân khác với nhiều nội dung.
Cắt 50% thời lượng trong nhiều năm liền
Người này tố cáo lãnh đạo Trường CĐGT Huế đã thống nhất cho cắt bớt 50% thời lượng tất cả môn học, mô đun trong chương trình đào tạo nghề Bảo trì sửa chữa ôtô (trình độ trung cấp cho người tốt nghiệp THCS). Theo đó, từ năm 2018 đến nay, ở trình độ trung cấp, Trường CĐGT Huế hầu như chỉ đào tạo các lớp Bảo trì sửa chữa ôtô cho đối tượng tốt nghiệp THCS (được Nhà nước trả học phí), học song song với các môn văn hóa.
Tại các lớp này, giáo viên chỉ được xếp lịch dạy và được tính giờ chuẩn trung bình 50% thời lượng của chương trình đào tạo. Một vài mô đun thậm chí còn ít hơn nhiều như Thực tập sản xuất, quy định 180 giờ chỉ dạy 15 giờ, đạt 8,3% (có danh sách và bảng thống kê kèm theo).
Người này phân tích: Đây rõ ràng là sự vi phạm pháp luật, không những vậy còn có tổ chức và kéo dài, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả người học và gia đình của họ, giáo viên, nhà trường, nguồn lực của Nhà nước và xã hội. Bởi sau khi tốt nghiệp, chắc chắn người học sẽ không thể đạt được chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo Bảo trì sửa chữa ôtô do chính nhà trường công bố và cũng không thể đạt được mục tiêu đào tạo trình độ trung cấp theo các quy định của Luật Giáo dục Nghề nghiệp. Tức là học giả, bằng thật, mà Nhà nước lại là bên trả học phí toàn bộ cho việc này.
Trường không có dẫn chứng thuyết phục
Trả lời Báo Lao Động bằng văn bản, lãnh đạo Trường CĐGT Huế cho biết, năm 2020, trước tình hình dịch COVID-19, căn cứ vào các công văn của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (GDNN), nhà trường đã chủ động điều chỉnh kế hoạch trong chương trình đào tạo. Theo đó, điều chỉnh giờ dạy trực tiếp xuống 50%. Các môn học lý thuyết chỉ tập trung vào những nội dung cần thiết để dạy trực tiếp, còn lại sẽ được truyền đạt qua học online với phần mềm Zoom hoặc Meeting. (Trong giai đoạn dịch bệnh, thực tế Trường Cao đẳng Giao thông Huế nghỉ, không giảng dạy và cũng không có đào tạo online).
Tuy nhiên, giảng viên tố cáo lại cho rằng, nội dung nào dạy trực tiếp, nội dung nào dạy online phải được xác định cụ thể trong chương trình chi tiết môn học, cũng như chương trình đào tạo.
Chương trình và giáo trình đào tạo trực tuyến phải được xây dựng theo các quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và do hiệu trưởng ký ban hành rồi thông báo rộng rãi cho người học biết. Tuy nhiên, nhà trường không có tất cả những gì mà Bộ LĐTBXH quy định để tổ chức dạy trực tuyến (thực tế khi trả lời Báo Lao Động, Trường CĐGT Huế không có minh chứng kèm theo).
Lãnh đạo Trường CĐGT Huế thừa nhận, trong quá trình triển khai học online qua Zoom và Meeting gặp phải một số bất cập như: Học sinh tại các Trung tâm GDTX-GDNN thường có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều em thiếu máy tính; nhà giáo và học sinh mới sử dụng phần mềm nên chưa có kinh nghiệm. Điều này khiến các buổi học online trở nên khó khăn và nhà giáo phải linh hoạt tổ chức theo thời gian phù hợp với học sinh. Nhưng thực tế, nhà trường không có bất cứ động thái, văn bản nào về việc dạy online, ít nhất là thống kê xem giáo viên và học sinh từng lớp có đủ thiết bị, điều kiện để học online hay không.
Cũng theo lãnh đạo Trường CĐGT Huế, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc đào tạo lái xe (nguồn thu chính của trường) đã bị gián đoạn hơn 3 tháng. Điều này làm cho việc cân đối nguồn thu và chi của nhà trường trong năm 2020 trở nên khó khăn, gây áp lực lớn trong việc chi trả lương cơ bản cho viên chức và người lao động. Trước đây, ngoài lương cơ bản, viên chức và người lao động còn được hưởng lương thu nhập thêm. Do vậy, nhà trường chỉ tính số tiết dạy trực tiếp cho nhà giáo trong tình hình này.
Cũng theo lãnh đạo nhà trường, sau dịch COVID-19, nhận thấy rất khó triển khai dạy học online bằng phần mềm Zoom, Meeting, nhà trường đã chuyển sang hướng đào tạo trực tuyến bằng hệ thống quản lý học tập (Learning Management System - LMS).
Từ năm 2021, đào tạo nghề Trung cấp Bảo trì và Sửa chữa ôtô được thực hiện 50% học trực tiếp tại lớp và 50% học trực tuyến trên nền tảng Learndash Wordpress - một trong những hệ thống học trực tuyến LMS mà Tổng cục GDNN yêu cầu các cơ sở GDNN triển khai thực hiện.
Nhưng thực tế, Trường CĐGT Huế hiện không có bất cứ một hệ thống học tập trực tuyến nào như trang web của trường cho thấy. Đồng thời, cũng không có bất cứ văn bản, quy định nào của trường về tổ chức dạy học trực tuyến được công bố.
Ngoài ra, việc dạy học trực tuyến được thực hiện trong năm 2020 để đối phó với dịch COVID-19 nhưng tại sao từ các năm 2018, 2019 nhà trường đã cắt giảm 50% số giờ dạy thì lãnh đạo trường vẫn chưa trả lời thỏa đáng.