• :
  • :

Tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập đạt thấp: Xem xét sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 60/2021

Dữ liệu được Bộ Tài chính công bố cho thấy, sau nhiều năm triển khai, kết quả thực hiện tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập thấp hơn rất nhiều mục tiêu đặt ra ban đầu.

Tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập đạt thấp: Xem xét sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 60/2021

Sau nhiều năm, kết quả thực hiện tự chủ các đơn vị công lập vẫn đạt thấp. Ảnh minh họa: L.Đ

Cụ thể theo Bộ Tài chính, tính đến 31.12.2021, số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) trong các Bộ, ngành, địa phương là 48.055 đơn vị; giảm 7.306 đơn vị, tương ứng giảm 13,2% so với năm 2015. Trong đó, đơn vị SNCL thuộc bộ, ngành, cơ quan Trung ương giảm 8,5%; thuộc địa phương giảm 13,3%.

Số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị SNCL (biên chế viên chức) năm 2021 là 1.789.585 người, giảm 236.366 người, tương ứng giảm 11,67% so với năm 2015, vượt mục tiêu giảm 10% theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, trong đó, biên chế viên chức tại các Bộ, ngành, Trung ương năm 2021 giảm 25,19% và các địa phương giảm 10,51% so với năm 2015.

Đáng chú ý về thực hiện tự chủ đơn vị SNCL, trong tổng số 48.055 đơn vị SNCL có 3.135 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên (287 đơn vị bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, chiếm tỉ lệ 0,6% và 2.848 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, chiếm tỉ lệ 5,97%; tương ứng tỉ lệ 6,6% tổng số đơn vị SNCL của Bộ, ngành, địa phương, chưa đạt mục tiêu đề ra là đến năm 2021 có 10% đơn vị tự chủ tài chính).

Bên cạnh đó có 8.922 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, chiếm tỉ lệ 18,7%, nhưng mức độ tự bảo đảm một phần còn thấp; 35.687 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, chiếm tỉ lệ 74,7%.

“Để thay đổi bức tranh này, giảm phần phụ thuộc vào ngân sách, tăng tính tự chủ của đơn vị SNCL đòi hỏi chúng ta phải có cơ chế, trong đó có cơ chế tài chính phù hợp. Nghị định số 60/2021 có thể coi là cơ sở pháp lý mang tính đột phá so với các quy định trước đây vì giao quyền tự chủ cho đơn vị SNCL về tổ chức bộ máy, biên chế nhân sự, tài chính” - ông Nguyễn Trường Giang - Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết.

Cũng theo thông tin từ Bộ Tài chính, cơ chế tự chủ đối với các đơn vị SNCL là vấn đề được Đảng, Chính phủ, Quốc hội quan tâm và đến nay có rất nhiều văn bản chỉ đạo. Cụ thể như: Nghị quyết 19/NQ-TW ngày 25.10.2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL; Nghị quyết số 08/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW; các Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26.12.2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10.4.2019 quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Trong thời gian gần đây còn có Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07.10.2020 về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị SNCL và mới đây nhất là Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21.6.2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị SNCL.

Thực tế trong các kỳ họp Quốc hội gần đây, lộ trình, tiến độ, những vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ trong đó có tự chủ tài chính cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn và thảo luận. Mới đây nhất, Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư 56/2022/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị SNCL; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị SNCL.

Từ nay đến ngày 25.11.2022, Bộ Tài chính sẽ tổ chức loạt hội nghị, hội thảo về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị SNCL trên khắp 3 miền cả nước. Qua các sự kiện này, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, tiếp thu, tổng hợp, báo cáo Chính phủ các nội dung sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và các văn bản liên quan phù hợp với thực tiễn; tạo tiền đề thúc đẩy quá trình đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, qua đó, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và tăng cường quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả đầu ra thông qua giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.