Từ vụ gọi học sinh bằng "mày": Xưng hô trong nhà trường sao cho đúng mực?
Thời gian gần đây, nhiều vụ việc học sinh, giáo viên xưng hô "mày - tao" khiến dư luận không khỏi xôn xao. Nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng trước thực trạng văn hóa ứng xử trong học đường hiện nay.
Có con đang theo học tại Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), chị Dương Thị Thúy chia sẻ: "Dạo này, tôi thấy có nhiều vấn đề tiêu cực xảy ra trong học đường như học sinh đánh nhau, ngộ độc thực phẩm bữa ăn bán trú hay các khoản thu vô cớ đầu năm học,... khiến phụ huynh chúng tôi rất lo lắng".
Cả hai vụ việc học sinh, giáo viên xưng hô "mày - tao" ở Khánh Hòa và Cà Mau gần đây, chị Thúy đều theo dõi và nắm rõ thông tin. Chị cho biết, xã hội ngày càng hiện đại, xóa bỏ khoảng cách giữa học sinh và thầy cô giáo chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến xu hướng này.
"Lúc này, thầy cô giáo hạn chế và thậm chí không xem mình là nhà giáo nữa mà trở thành bạn bè để truyền dạy kiến thức cho các em. Chính vì lẽ đó, nhiều thầy, cô giáo không ngần ngại gọi học sinh bằng "mày" nhằm tạo cảm giác gần gũi, không khí sinh động cho tiết học.
Tôi nghĩ các thầy cô giáo đang nhầm lẫn giữa việc tháo gỡ khoảng cách và tôn ti vai vế trong xã hội. Cá nhân tôi không ủng hộ việc đó. Không nên xưng hô với học sinh là "mày" vì sẽ làm mất đi văn hóa tốt đẹp trong học đường theo thời gian" - chị Thúy chia sẻ thêm.
Hiện tại, chị Thúy luôn nhắc nhở con gái trong việc ứng xử sao cho chuẩn mực trong nhà trường. Tránh việc có những lời lẽ, hành động quá trớn mà vi phạm giao tiếp với thầy cô. Bên cạnh đó, chị Thúy cũng nhắc nhở con mình trong học tập, sinh hoạt với bạn bè để tránh các trường hợp tương tự xảy ra.
Trái ngược quan điểm của chị Thúy, anh Minh Trung (50 tuổi, phụ huynh học sinh lớp 12 Trường THPT Châu Văn Liêm, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) chia sẻ: "Tôi không thấy lạ về việc thầy cô giáo gọi học sinh bằng "mày" vì tôi nghĩ đó có thể là cách thức thầy cô giáo tiếp cận học sinh. Hòa đồng với học sinh cũng là cách bắt kịp xu hướng giới trẻ để có phương pháp dạy đổi mới, giúp các em dễ hiểu hơn.
Tôi là phụ huynh khá thoải mái, tôi nghĩ thỉnh thoảng đổi cách xưng hô cũng hay, nhưng tôi không ủng hộ thầy cô lạm dụng nhiều. Dẫu sao thì thầy vẫn là thầy, trò vẫn là trò, xưng hô "thầy - trò" vẫn là đúng mực nhất".
Nói về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Kiều Oanh (giảng viên khoa KHXH&NV, Trường Đại học Cần Thơ) nhận định, hiện tượng thầy cô giáo xưng hô "mày" (gọi "mày" xưng "tao") với học sinh thường sẽ có 3 trường hợp: Thể hiện thái độ thiếu tôn trọng và xúc phạm học trò (bức xúc, chửi mắng, lăng mạ...); do thói quen giao tiếp của thầy cô (mà không có ý xúc phạm); mối quan hệ thầy trò rất thân thích và gần gũi.
Tùy tình huống giao tiếp mà nghĩa của từng xưng hô này được hiểu ở mức độ nào. Tuy nhiên, nhìn chung cách gọi này không phù hợp với môi trường giáo dục vì nó sẽ làm cho các em bắt chước (nhất là trẻ nhỏ mầm non, tiểu học), tạo thói quen giao tiếp thiếu chuẩn mực cho học trò.