• :
  • :

Vĩnh Phúc: Trên 80% học viên ra trường được làm đúng nghề đào tạo

Với nhiều chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã nỗ lực triển khai các giải pháp đổi mới hoạt động giáo dục nghề nghiệp, hướng tới phát triển nguồn nhân lực chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động.

Thống kê, toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 33 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp với gần 2.000 cán bộ, giáo viên, giảng viên cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn lao động. Năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển mới gần 29.000 người; tỉ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng nghề được đào tạo trong vòng 1 năm kể từ khi tốt nghiệp đạt hơn 80%, trong đó, các nghề trọng điểm đạt hơn 90%.

Theo thạc sỹ Nguyễn Văn Đồng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Vĩnh Phúc, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nguồn nhân lực, nhà trường là thường xuyên tham khảo ý kiến, đánh giá của các doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia để bổ sung, cải tiến, cập nhật kiến thức mới nhằm đào tạo sát với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường lao động

Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Vĩnh Phúc có quy mô đào tạo trung bình mỗi năm gần 3.000 sinh viên, học viên, với 20 ngành nghề hệ cao đẳng, 26 nghề trung cấp và 12 ngành nghề hệ sơ cấp thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin, điện điện tử, cơ khí, kỹ thuật nông nghiệp, dịch vụ, du lịch… Trong đó, có 5 ngành trọng điểm là: Truyền thông và mạng máy tính; công nghệ kỹ thuật cơ khí; công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; điện công nghiệp; công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.

Để giải quyết việc làm cho sinh viên, học viên sau đào tạo trường đã quan hệ chặt chẽ với hơn 30 doanh nghiệp để liên kết cho học sinh, sinh viên trải nghiệm, thực hành, thực tập, giới thiệu việc làm trong quá trình học tập và sau khi tốt nghiệp; tỉ lệ học viên, sinh viên có việc làm sau đào tạo đạt hơn 80%.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...