• :
  • :

Áo dài và hanbok, cùng là truyền thống nhưng đang khác nhau về “số phận”

Trong khuôn khổ Tuần lễ áo dài cộng đồng Huế 2024 vừa diễn ra, có một sự kiện rất thú vị là lần đầu tiên, áo dài Việt Nam đứng chung sân khấu với hanbok của Hàn Quốc trong một đêm trình diễn chính thức tại Huế, Việt Nam.

Áo dài và hanbok, cùng là truyền thống nhưng đang khác nhau về “số phận”

Áo dài cùng hanbok trong đêm diễn tại Tuần lễ áo dài cộng đồng Huế 2024. Ảnh: Văn Thể Huế

Đêm diễn là kết quả của một quá trình dài “quyết tâm hợp tác” giữa Hiệp hội xúc tiến di sản văn hóa Hàn Quốc và Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế vì rất nhiều lý do. Trong đó có việc cùng thúc đẩy quảng bá loại hình trang phục đặc trưng của hai nước là hanbok (Hàn phục) Hàn Quốc và áo dài Việt Nam.

Đêm diễn là một cuộc gặp gỡ, hội ngộ rất thú vị. Tuy nhiên, sự kiện này cũng pha chút trớ trêu khi cả hanbok và áo dài đều là hồn vía của hai dân tộc, nhưng “số phận” lại không hề giống nhau.

Trước hết, hanbok từ lâu đã được xem là quốc phục của Hàn Quốc. Và Hàn Quốc từ rất nhiều năm trước đã làm một cách rất bài bản, bằng rất nhiều phương pháp khác nhau, từ việc tổ chức các cuộc thi thiết kế hanbok, triển lãm quy mô lớn (Hanbok Expo), sử dụng điện ảnh, âm nhạc (K-Pop), đưa vào giáo dục truyền thống, quảng bá du lịch… để xây dựng hanbok trở thành hình ảnh/thương hiệu đại diện của họ trên trường quốc tế.

Trong khi ngược lại, áo dài Việt Nam, mặc dù được người dân sử dụng trong cuộc sống thường ngày nhiều hơn hanbok của Hàn Quốc và là một trong những yếu tố quan trọng làm nên hồn cốt dân tộc nhưng phải thẳng thắn thừa nhận là còn rất lâu mới thực sự trở thành thương hiệu quốc gia nổi tiếng, trở thành một sản phẩm của công nghiệp sáng tạo - công nghiệp văn hóa như hanbok của Hàn Quốc.

Nhiều năm trở lại đây, ở trong nước đã có nhiều sự kiện, hoạt động tích cực liên quan đến áo dài. Ví dụ Thừa Thiên Huế phê duyệt đề án “Huế kinh đô áo dài Việt Nam”. Đề án này đã được Bộ VHTTDL đánh giá là “một mô hình văn hóa tiêu biểu” và rất đáng biểu dương.

Đồng thời Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã trình hồ sơ lên Cục Di sản Văn hóa để đề nghị ghi danh áo dài với hai tiêu chí: Nghề may đo áo dài ngũ thân và tập quán sử dụng áo dài của người Huế.

Trên diễn đàn Quốc hội ở rất nhiều kỳ họp gần đây, áo dài (nam nữ) đã được nhiều đại biểu chọn làm trang phục “đi họp”. Cùng với đó là nhiều ý kiến đề xuất chọn, công nhận áo dài (nam nữ) là quốc phục của Việt Nam.

Đề xuất chính thức công nhận và vinh danh áo dài với tư cách là một di sản văn hóa truyền thống quý giá của dân tộc; lập hồ sơ áo dài với một số tiêu chí đặc trưng, nổi bật để đề nghị UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản phi vật thể đại diện…

Tuy nhiên, mọi thứ, đến thời điểm này vẫn chỉ là đề xuất. Và những phần việc cụ thể, kể cả hợp tác với Hiệp hội xúc tiến di sản văn hóa Hàn Quốc, cũng mới là nỗ lực khiêm tốn của cấp địa phương.

Áo dài cũng như hanbok. Nhưng để áo dài có được vị thế, trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa như hanbok, thì không chỉ trông chờ vào nỗ lực của một vài địa phương như Thừa Thiên Huế được!