• :
  • :

Bác Ba Phi của Trấn Thành và chữ A thì không thể so sánh với chữ B

Đang có những tranh cãi và chê bai rất vô lý về nhân vật bác Ba Phi trong phim “Đất rừng phương Nam” do Trấn Thành thủ vai, dù phim còn chưa công chiếu.

Bác Ba Phi của Trấn Thành và chữ A thì không thể so sánh với chữ B

Trấn Thành trong phim "Đất rừng phương Nam". Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp

Phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng vừa ra mắt trailer mới, phiên bản hoàn chỉnh dài 3 phút, giới thiệu đầy đủ hơn các tuyến nhân vật trong phim. Trong đó, vai bác Ba Phi của Trấn Thành cũng lần đầu xuất hiện tại trailer.

Và thế là, "người ta" dừng lại ở một bức ảnh tạo hình – chính xác hơn là một khoảnh khắc của 360 hình/s nhân vật bác Ba Phi của Trấn Thành để nhận xét, phần lớn là chê bai.

Kiểu như tạo hình bác Ba Phi của Trấn Thành có bộ râu quá “giả trân”. “Trấn Thành vẫn thế, cường điệu từ hành động cơ thể thêm kịch ngôn để củng cố cái cần của vai diễn”.

Rằng Trấn Thành còn quá trẻ để hoá thân thành bác Ba Phi – nhân vật trong một bộ phim truyền hình sản xuất năm 1997 do Mạc Can thủ vai.

Hay “tôi nhớ bác Ba Phi chững chạc, điềm tĩnh, có duyên lắm, đâu có la hét như nhân vật trong phim này”…

Rồi tạo hình của nhân vật Võ Tòng do Mai Tài Phến đảm nhận cũng nhận phản ứng tiêu cực kiểu “sao nhìn không giống như nguyên mẫu trong truyện của Đoàn Giỏi”.

Thậm chí, cả đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng bị chê, bị dự đoán là phim sẽ dở vì “tôi xem thấy nhiều phim gần đây anh làm không hay”!

Mới chỉ xem một đoạn trailer có 3 phút thôi mà “người ta” đã nghĩ ra không biết bao nhiêu là chuyện. Việc này cũng tương tự như hồi thi tốt nghiệp THPT, cô bé chủ nhân của bài văn dài 30 trang đã bị bỉ bôi đủ kiểu dù những người chê bai, chưa một ai được đọc để biết cô bé đã viết gì trong 30 trang đó.

Đáng nói là trong vụ “Đất rừng phương Nam”, nhiều người đã rất vô lý, vô cùng khập khiễng và ngây ngô khi so sánh một phim điện ảnh của Nguyễn Quang Dũng với một phim truyền hình, thậm chí là cả tác phẩm văn học gốc về cùng một đề tài.

Điều này cũng giống như đem chữ A so sánh với chữ B, chữ C rồi thắc mắc là “ủa” sao chúng không giống nhau?” dù tất cả đều là chữ viết.

Đó là chưa nói đến việc “Đất rừng phương Nam” là một tác phẩm văn học – tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi. Nên bác Ba Phi cũng là một nhân vật văn học trước khi trở thành nhân vật của phim truyền hình, của điện ảnh.

Các đạo diễn hay diễn viên, ở góc độ là công chúng khi tiếp cận tác phẩm thì họ cũng như chúng ta, sẽ có những cách tưởng tượng và hình dung về nhân vật khác nhau tuỳ thuộc vào vốn sống, sự hiểu biết, phông văn hoá, quan niệm về nghệ thuật – trong trường hợp này là làm phim của bản thân. Và đây là điều hết sức bình thường trong cuộc sống.

Cuối cùng thì mỗi chúng ta, ai cũng có quyền làm một nhà phê bình phim hay phê bình văn học trên mạng xã hội. Nhưng hãy là nhà phê bình có hiểu biết, không thiên kiến và cần tôn trọng sự khác biệt!