• :
  • :

Bảo tàng Trường Sa - hành trình trải nghiệm các giá trị văn hóa, lịch sử biển đảo

Bảo tàng Trường Sa được xây dựng và khớp nối với Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma sẽ tạo nên một tổng thể thống nhất, là điểm tham quan tâm linh, nơi tìm hiểu văn hóa, lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức về chủ quyền biển, đảo cho các thế hệ hôm nay.

Bảo tàng Trường Sa - hành trình trải nghiệm các giá trị văn hóa, lịch sử biển đảo

Phương án trúng tuyển thiết kế kiến trúc, cảnh quan công trình Bảo tàng Trường Sa. Ảnh: Hữu Long

Nơi chứa đựng tinh thần và tâm hồn Trường Sa

Hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc, cảnh quan công trình Bảo tàng Trường Sa đã tiến hành phân tích, đánh giá cho từng phương án dự thi. Theo kết quả mà địa phương phê duyệt, giải Nhất mã HD01 của Công ty TNHH HUNI Việt Nam (Huni Architectes) là phương án trúng tuyển thiết kế kiến trúc, cảnh quan công trình Bảo tàng Trường Sa.

Đại diện Huni Architectes chia sẻ, về ý tưởng hình khối, cảm hứng thiết kế công trình xuất phát từ Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, nơi không gian ngầm với 64 bông hoa tượng trưng cho các chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Những dòng chảy nhiệt huyết tuôn ra từ lòng đất mẹ, chuyển mình vươn lên tượng trưng cho tinh thần quật cường của con người Khánh Hòa, con người Việt Nam. Chính dòng chảy đó đã định hình nên hình khối chủ đạo của công trình, kiến thiết nên 3 hướng nhìn chính về phía đảo Gạc Ma; về phía đảo Trường Sa lớn và hướng về phía Biển Đông.

Tổng thể công trình như dòng chảy, tiếp nối liền mạch những giá trị về tinh thần và không gian kiến trúc - cảnh quan của Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Để mỗi góc công trình, mỗi mảng tường đều là một hiện vật, để bảo tàng không chỉ là một công trình vô tri xây nên từ gạch đá, mà là một “nhân chứng sống động” chứa đựng tinh thần và tâm hồn Trường Sa.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, công trình Bảo tàng Trường Sa là công trình văn hóa, lịch sử, tâm linh và gắn liền với Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Mục đích xây dựng công trình nhằm có thêm một điểm tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử để góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức về chủ quyền biển, đảo cho các thế hệ, tầng lớp nhân dân.

Nỗ lực khởi công trong năm 2024

Công trình Bảo tàng Trường Sa, sẽ được xây dựng trên khu đất có diện tích 1,71ha, tiếp giáp với Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm). Kinh phí thi tuyển thiết kế và xây dựng do Tập đoàn Vingroup tài trợ. Theo kế hoạch, Khánh Hòa phấn đấu đến cuối năm 2024, công trình Bảo tàng Trường Sa sẽ được khởi công xây dựng.

Để đạt được mục tiêu như trên, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra lại việc giao đất xây dựng công trình; UBND huyện Cam Lâm nghiên cứu đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông vào khu vực bảo tàng. Đặc biệt, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa sẽ triển khai sưu tầm hiện vật, tư liệu lịch sử, hình ảnh… để phục vụ cho công tác trưng bày, giới thiệu, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Vùng 4 Hải quân để phát động phong trào sưu tầm hiện vật, tư liệu, hình ảnh trong các tổ chức, cá nhân.

Ông Nguyễn Văn Nhuận - Giám đốc Sở Văn Hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa tin rằng, khi Bảo tàng Trường Sa xây dựng xong sẽ tạo một khối thống nhất, hài hòa với công trình Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma.

Khi hoàn thành, Bảo tàng Trường Sa sẽ chính thức khớp nối với Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma (hoạt động năm 2017) do Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng trên diện tích hơn 20.000m2 với tổng mức đầu tư gần 130 tỉ đồng. Ban đầu, toàn bộ số tiền xây Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma được nhân dân, cán bộ, công nhân, viên chức lao động trên cả nước ủng hộ thông qua Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng từ Chương trình nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa.