• :
  • :

Chưa có nhiều tác phẩm điện ảnh chuyển tải văn hóa dân tộc

“Phim Việt thua trên sân nhà”, “giải cứu phim Việt”, “phim ngoại lấn át phim nội” là những đề tài từng được bàn đến. Còn nữa, người Việt thuộc lịch sử, hiểu biết về văn hóa của nước khác hơn nước mình, bởi vì phim các nước quảng bá văn hóa, lịch sử quá giỏi.

Thử điểm lại, điện ảnh Việt Nam có được bao nhiêu tác phẩm “đậm đà bản sắc văn hóa”, e chỉ đếm đầu ngón tay. Những phim ăn khách trên thị trường, có doanh số khủng nhưng không thể tìm được những giá trị văn hóa ở đó, mà chỉ là đáp ứng thị hiếu nhất thời. Không có dấu ấn văn hóa, tác phẩm không đánh thức được niềm tự hào về con người, lịch sử, truyền thống của đất nước.

Cũng khó khăn cho các nhà làm phim, vì khai thác đề tài văn hóa dân tộc không dễ. Muốn thu hút khán giả đến rạp hát phải là chuyện giật gân câu khách, còn hương sắc văn hóa không hợp khẩu vị. Thực tế là vậy, tuy nhiên cũng cần xem lại chất lượng của các bộ phim khai thác đề tài văn hóa, nội dung đã đủ độ chín muồi để hấp dẫn người xem hay chưa.

Khoan hãy nói tới việc đưa điện ảnh Việt Nam ra với thế giới để quảng bá văn hóa và du lịch, mà trước hết là làm cho được cái việc dưỡng nuôi văn hóa dân tộc ngay chính trong các thế hệ công dân Việt Nam. Ở đây không chỉ là chuyện của nghệ thuật điện ảnh, mà là nhiệm vụ giữ gìn, lan tỏa, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Nhất là, khi mà văn hóa của các nước “xâm thực” dữ dội vào Việt Nam qua điện ảnh và các loại hình giải trí khác.

Đừng trách giới trẻ mê phim nước ngoài, kể chuyện “sử ngoại” vanh vách. Bởi lẽ, các dòng phim trong nước nhạt nhòa, không có dấu ấn lịch sử, văn hóa thì phim nước ngoài nổi trội hơn. Xin được nói thêm, phim lịch sử không tách rời văn hóa, từ kiến trúc, trang phục, ẩm thực, ứng xử cho đến cách thức giao tiếp. Thế nhưng, dòng phim lịch sử của Việt Nam chất lượng chưa cao, hàm lượng văn hóa lại càng thấp.

Muốn khai thác điện ảnh là một kênh chuyển tải văn hóa thì phải có sự tác động bằng nhiều cách, trong đó có hỗ trợ tài chính cho những dự án phim đạt chất lượng. Ngoài ra, các giải thưởng về điện ảnh cần ưu tiên cho những tác phẩm có nội dung tôn vinh văn hóa dân tộc. Sự đề cao giá trị văn hóa trong điện ảnh sẽ khuyến khích các nhà làm phim đầu tư cho mảng đề tài này.

Có nhiều kênh lưu giữ và chuyển tải văn hóa như sách vở, sân khấu, hệ thống thư viện, bảo tàng, trong đó điện ảnh là kênh rất có ưu thế. Cho nên, phải đầu tư và khai thác loại hình nghệ thuật này để quảng bá, lan tỏa văn hóa Việt.