Đi đến nơi có gió của Lưu Diệc Phi chuyển bại thành thắng
Từ một bộ phim gây tranh cãi, cho đến hiện tại "Đi đến nơi có gió" của Lưu Diệc Phi đã nhận được nhiều đánh giá tích cực hơn từ khán giả và giới chuyên môn.
"Đi đến nơi có gió" không phải là bộ phim mạng nặng yếu tố drama và học thuật. Bộ phim trôi qua với những tình tiết nhẹ nhàng và níu chân khán giả bằng cảnh đẹp và độ ăn ý của bộ đôi chính.
Ngay từ đầu, mô típ phim này được truyền thông Hoa ngữ đánh giá không phù hợp với xu hướng xem phim hiện tại của khán giả. Tuy nhiên, ở những chặng cuối của "Đi đến nơi có gió", phim đã phá vỡ quan niệm "phim không drama sẽ kén khán giả". Bằng chứng là lượng rating phim tăng đều hoặc giữ ở mức ổn định dù trước đó, diễn xuất của Lưu Diệc Phi bị chê.
Hơn nữa, điểm Douban của phim tăng liên tục từ 8,1 điểm lên 8,2 điểm và hiện tại đã 8,3 điểm.
Điều này cho thấy, phim cũng có những điểm cộng riêng để thu hút khán giả. Trong đó, với vai của Lưu Diệc Phi, khán giả yêu thích phong cách thời trang của cô.
Sohu nhận xét trang phục của nữ diễn viên tuy đơn giản nhưng năng động, dễ thương, phù hợp bối cảnh làng quê với những kiến trúc cổ.
Trang Sina nhận xét phụ kiện độc đáo là điểm nhấn trong phong cách thời trang của nữ chính. Cô sử dụng các kiểu mũ, túi xách đa dạng kiểu dáng. Một số mẫu túi là hàng thủ công từ các thương hiệu không quá nổi tiếng.
Hơn nữa, cách xây dựng nhân vật Hứa Hồng Đậu của Lưu Diệc Phi cũng khá thú vị. Cô là cựu Trưởng bộ phận lễ tân khách sạn 5 sao. Cô là người có tính cách quật cường, lòng tự trọng cao, không bao giờ chịu thua và không muốn cho mọi người thấy được khía cạnh dễ bị tổn thương của mình.
Mãi cho đến khi người bạn thân của cô là Trần Nam Tinh, người cùng cô phấn đấu trong một thời gian dài ở Bắc Kinh bị ung thư, cô bỗng đột nhiên nhận ra rằng, mình không thể rơi vào vòng luẩn quẩn mất nhiều hơn được.
Hứa Hồng Đậu đã từ bỏ công việc bận rộn của mình và đến với Đại Lý để điều chỉnh lại bản thân, muốn tìm lại phương hướng và ý nghĩa của cuộc đời mình.
Nhân vật của cô được đánh giá là người dám buông bỏ, quyết liệt tách khỏi bỏ bọc u uất của chính mình để tìm về cuộc sống tươi sáng hơn.
Tờ The New York Times đánh giá: "Việc miêu tả về cuộc sống ở thành phố của Hứa Hồng Đậu và các đồng nghiệp còn tạo cảm giác thấm thía và cảm động hơn cả so với cuộc sống ở nông thôn. Cách miêu tả bộ phim một cách sống động đẹp như tranh vẽ, cũng càng khẳng định thuyết phục hơn tính ưu việt của di sản văn hóa và du lịch của tỉnh Vân Nam".
Giáo sư kiêm người hướng dẫn luận án tiến sĩ tại Đại học Truyền thông Trung Quốc, ông Hoàng Điển Lâm nhận xét trên Quang Minh nhật báo: "Phải nói rằng "Đi đến nơi có gió" bắt đầu cốt truyện theo cách phá vỡ chính mình để rồi tìm lại chính mình, nó đã chiếm được cảm tình của người xem đặc biệt là khán giả trẻ.
Cuộc sống ban đầu của Hứa Hồng Đậu chính là điều mà vô số nam, nữ thành thị đang trải qua. Nhưng trong số họ, có rất ít người có dũng khí kiên quyết từ chức như nhân vật chính, rời xa chốn phồn hoa đô thị, quay về vùng quê thôn dã tìm một không gian sống, một cách sống mới...".
The Paper nhận xét bộ phim rất mộng mơ, nhưng đôi khi lại có những đoạn ngắt nhàm chán. Quá trình gặp gỡ và quen biết của nam nữ chính không có những tình tiết éo le của phim thần tượng mà diễn ra tự nhiên theo kiểu chậm rãi, điều này làm cho việc tích lũy tình cảm trở nên chắc chắn hơn.
Tác phẩm cũng truyền tải một số quan niệm tích cực như thanh niên tham gia xây dựng nông thôn, hướng nông thôn đến cuộc sống khá giả...