Đi tìm cú hích phục hồi du lịch Việt Nam
Từ đầu năm đến nay, ngành du lịch Việt Nam đón 1,65 triệu lượt khách nước ngoài, đạt 30% mục tiêu 5 triệu lượt cả năm, tốc độ phục hồi còn chậm.
Khách quốc tế tham quan phố cổ Hà Nội tháng 8.2022. Ảnh: Ý Yên |
Phục hồi bền vững
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Tiến Đạt - CEO AZA Travel, nhận định ngành du lịch Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ trong 3 tháng hè vừa qua nhờ thị trường nội địa bùng nổ. Tuy nhiên, sự hồi phục này không bền vững, bởi thông thường mùa cao điểm du lịch nội địa sẽ được nối sang mùa khách inbound từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Nhưng đến nay lượng khách quốc tế đến mới đạt 1,65 triệu lượt. “Lượng khách inbound chưa bằng 10% so với tổng lượng khách quốc tế đến năm 2019” - ông Đạt nói và cho rằng, các công ty lữ hành cần phải tìm cách thích ứng với thị trường, nắm bắt cơ hội phục hồi từ du lịch MICE trong Quý IV.
Du lịch MICE có hai dạng chính, một là khách đi du lịch theo chương trình nghỉ mát, khen thưởng thường niên của công ty vào mùa hè; hai là những chuyến du lịch kết hợp họp tổng kết vào mùa thu đông, ra mắt sản phẩm, tri ân đối tác...
Ông Đạt dự đoán, du lịch MICE có thể sẽ bùng nổ những tháng cuối năm, về cả thị trường khách trong nước lẫn quốc tế. Do đó các doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội, các cơ quan quản lý xúc tiến cần tăng cường quảng bá sản phẩm và xúc tiến cụ thể về du lịch MICE của Việt Nam. Ví dụ, ngành du lịch cần giới thiệu về những địa điểm tổ chức hội họp, hội nghị, triển lãm, trang thiết bị... hiện đại và tiện nghi, phù hợp với tiêu chuẩn du lịch MICE.
Nhìn nhận từ khía cạnh phục hồi bền vững, ông Phạm Hà - CEO Lux Group cho rằng ngành du lịch Việt Nam có thể không nhất thiết theo đuổi mục tiêu 5 triệu lượt khách trong năm 2022. “Khách có thể đến ít hơn nhưng ở lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn, từ đó ngành du lịch phục hồi bền vững hơn” - ông Hà cho hay.
Tạo thuận lợi cho du khách
Một trong những giải pháp xúc tiến du lịch được đề xuất là mở rộng diện miễn thị thực, kéo dài thời hạn miễn thị thực trong bối cảnh các điểm đến đang cạnh tranh quyết liệt bằng chính sách thị thực. Tốc độ phục hồi của thị trường quốc tế sẽ không thể nhanh, và phần lớn phụ thuộc vào chính sách visa. Ngoài những thị trường hiện tại miễn visa đang có sự tăng trưởng vừa phải, với một số thị trường mới, Việt Nam cần chính sách visa thông thoáng hơn thì mới có thể thu hút nhiều du khách hơn.
“Hiện các quốc gia cạnh tranh lẫn nhau, quốc gia nào có chính sách visa thân thiện, thời hạn lưu trú lâu dài, được phép nhập cảnh và xuất cảnh nhiều lần... sẽ hấp dẫn với du khách hơn” - ông Phạm Hà đánh giá.
Mức độ cởi mở về chính sách visa của Việt Nam còn khiêm tốn. Sau COVID-19, Việt Nam miễn thị thực cho công dân 13 nước; với thời hạn tạm trú 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Trong khi đó, Thái Lan đang thực hiện chính sách miễn visa với thời hạn tạm trú lên đến 30 - 45 ngày cho công dân khoảng 70 nước.
Thông thường, khách du lịch Tây Âu đến Việt Nam thường lưu trú 21 ngày đến một tháng, nhưng visa chỉ miễn 15 ngày, giới hạn một lần xuất cảnh và nhập cảnh. Nếu chính sách miễn visa kéo dài thời gian lưu trú đến một tháng và cho phép xuất nhập cảnh nhiều lần, Việt Nam sẽ thu hút du khách lưu trú dài ngày, chi tiêu nhiều hơn, ông Hà bày tỏ.
Chính sách visa thân thiện sẽ phát huy hiệu quả với những thị trường ngành du lịch Việt Nam xác định là thị trường nguồn, ví dụ như Trung Quốc, Đông Bắc Á (gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan), Đông Nam Á, Mỹ, Nga, Australia và Tây Âu.
“Chúng ta có thể cân nhắc miễn visa cho khách Mỹ, Canada - những thị trường đang tăng trưởng, có đường bay thẳng” - ông Hà gợi ý. Bên cạnh đó, Australia, New Zealand và phần còn lại của Đông Âu cũng là những thị trường nên được miễn visa. Gần nhất, trong Châu Á có thị trường Ấn Độ - có thể thay thế cho thị trường Trung Quốc còn đóng cửa, cũng nên được miễn visa.
Trước đó, trong hội nghị “Liên kết xúc tiến, quảng bá thu hút khách du lịch quốc tế” của Tổng cục Du lịch, lãnh đạo sở quản lý du lịch các địa phương cũng đề xuất các chính sách tạo thuận lợi cho du khách quốc tế vào Việt Nam như đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, mở rộng diện miễn thị thực, kéo dài thời hạn miễn thị thực.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành cho rằng, các điểm đến cạnh tranh quyết liệt bằng chính sách thị thực sau đại dịch, và phát triển mạnh các sản phẩm mới theo hướng gia tăng trải nghiệm của du khách. Ông Phương đề nghị các điểm đến, doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm cụ thể với những chính sách ưu đãi để thu hút khách quốc tế.
Về mặt quảng bá, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng TCDL đề nghị các địa phương, đơn vị du lịch cùng phối hợp với TCDL trong việc đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam tại thị trường nước ngoài. Cụ thể, cần thống nhất thông điệp chung Vietnam - Timeless Charm và Live fully in Vietnam; tăng cường kết nối với các kênh truyền thông của TCDL và các trang trên nền tảng mạng xã hội; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch theo vùng, chuỗi các điểm đến một cách hiệu quả nhất...