• :
  • :

Đưa áo dài trở thành “đại sứ du lịch” của Thủ đô

Cuối tuần qua, đông đảo người dân Thủ đô và du khách đã chứng kiến một Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 được đầu tư tổ chức công phu, với các hoạt động quy mô lớn và đa dạng, diễn ra liên tục trong 3 ngày. Áo dài từ “đại sứ văn hóa” dần trở thành “đại sứ du lịch”, tiến tới là một sản phẩm du lịch đặc trưng của Thủ đô và đất nước.

Là 1 trong 50 gian hàng trưng bày những chiếc áo dài dân tộc được sắp đặt trên trục đường Đinh Tiên Hoàng, gian áo dài của Nhà thiết kế Xuân Thu luôn đông khách ra vào chiêm ngưỡng, nhất là du khách nước ngoài. Là nhà thiết kế áo dài nổi tiếng, chị luôn biết cách kết nối yếu tố nghệ thuật truyền thống xưa với nay nhờ chất liệu, mầu sắc và kỹ thuật thể hiện.

Đưa áo dài trở thành “đại sứ du lịch” của Thủ đô
Nhà thiết kế trẻ Nguyên Khanh với bộ sưu tập “Begin” trong Lễ hội.

Tham gia Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022, Nhà thiết kế Xuân Thu cho biết: “Với tôi, một nhà thiết kế luôn tâm huyết với văn hoá truyền thống, tôi đánh giá cao Lễ hội Áo dài du lịch là một hướng đi đúng đắn, sáng tạo, thể hiện thông điệp mới của ngành Du lịch Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung. Lễ hội đã tạo ra một làn sóng, đề cao vẻ đẹp trang phục truyền thống vốn chỉ mặc trong các dịp nghi lễ cổ truyền. Lễ hội còn như lời động viên, thôi thúc một thế hệ trẻ là những sinh viên của các trường đang theo học khoa thiết kế thời trang bởi các bạn thường có các bài tốt nghiệp mà đề tài chỉ nói về sáng tạo trang phục hiện đại. Áo dài muốn phát triển phải có sự tiếp biến, chứa đựng yếu tố đương đại bởi ngoài biểu tượng thì nó vẫn là một sản phẩm thời trang, càng nhiều người thích mặc áo dài càng làm cho sự lan tỏa mạnh mẽ vẻ đẹp trang phục của quốc gia”.

Trong khuôn khổ Lễ hội, ngoài hoạt động trưng bày và biểu diễn áo dài là Cuộc thi sáng tạo kiểu dáng và hình thức trang trí mới trên nền áo dài với sự tham gia của 7 đội nhóm đến từ Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và Trường Đại học Hòa Bình. Đây là hoạt động hấp dẫn, thu hút sự quan tâm, chờ đợi sản phẩm tinh thần độc đáo, sáng tạo của các sinh viên - Nhà thiết kế trẻ trong tương lai. Là Ban giám khảo của Cuộc thi, Nhà thiết kế Xuân Thu nhận định: “Tôi cho rằng các bạn sinh viên khá thông minh biết vận dụng kiến thức đã học tạo nên hình ảnh mới như: Tạo hình mới, biến đổi vai, cổ áo mà vẫn giữ 2 tà dài, hoặc màu sắc hiện đại từ chất vải dệt công nghiệp, tạo bề mặt vải nhờ các kỹ thuật vẽ nghệ thuật, đính kết, tẩy sắc độ trên vải jean...để chiếc áo dài gần hơn với đời thường. Sự sáng tạo này cho thấy thành công của Lễ hội và tôi mong tiếp tục có thêm nhiều hoạt động với các chủ đề khác nhau về áo dài bởi đây là sản phẩm văn hóa đặc sắc để quảng bá hình ảnh quốc gia”.

Với mục tiêu đưa áo dài trở thành một sản phẩm đặc trưng của du lịch, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2022 có chương trình nghệ thuật với sự kết hợp giữa âm nhạc, ánh sáng và trình diễn áo dài 3 miền Bắc - Trung - Nam cùng sự tham gia của các nhà thiết kế như Nghệ nhân áo dài Lan Hương, Nhà thiết kế Xuân Thu, Viết Bảo, Năm Tuyền, Quang Hòa, Hà Duy, Chula Fahion House, Cao Minh Tiến và nhiều thương hiệu áo dài như Hương Queen, OZ Design House, áo dài thêu tay Tulip, Kiên Anh, một số nhà thiết kế trẻ như Thảo Giang, Nhật Thực.

Đặc biệt là hoạt động biểu diễn và diễu hành quy mô lớn, ấn tượng bằng trang phục áo dài do Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội phối hợp với Sở Du lịch triển khai tổ chức với sự tham gia của 700 phụ nữ đến từ các khối, các tổ chức, các gia đình với nhiều thế hệ. Chương trình được biên đạo dàn dựng với các bài đồng diễn múa nón, múa quạt cùng áo dài. Ngoài ra là chương trình đồng diễn áo dài đường phố của 300 nữ doanh nhân và 200 em bé toàn quốc; biểu diễn nghệ thuật kết hợp trình diễn của trên 100 sinh viên trên địa bàn Thành phố...

Phát biểu tại Lễ bế mạc Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: “Trong 3 ngày diễn ra, Lễ hội đã thu hút hơn 30 nghìn lượt người đến, bao gồm người dân Hà Nội, du khách trong nước và khách quốc tế, với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng cùng chung tình yêu với tà áo dài Việt Nam. Với mục tiêu kích cầu du lịch, bảo tồn, tôn vinh và khai thác các giá trị của tà áo dài gắn với du lịch.

Lễ hội đã thực sự thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân Hà Nội, du khách trong nước và khách quốc tế, lan tỏa tình yêu áo dài đến mọi lứa tuổi, từ người già đến trẻ nhỏ, với nhiều ngành nghề khác nhau. Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2022 chính thức khép lại, nhưng câu chuyện về tà áo dài sẽ còn mãi. Thông qua tà áo dài, các sự kiện tại Lễ hội này đã viết tiếp câu chuyện về văn hoá, con người Hà Nội, Việt Nam truyền đi thông điệp về một Hà Nội là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”.

Đây được coi là sự kiện du lịch khép lại năm 2022 với rất nhiều nỗ lực trong việc phục hồi hoạt động du lịch và mở ra cánh cửa tươi sáng, triển vọng phát triển mạnh mẽ hơn nữa cho ngành Du lịch nói riêng cũng như toàn bộ nền kinh tế nói chung trong năm mới 2023.

Tại Lễ bế mạc, Sở Du lịch Hà Nội cũng tri ân và tặng hoa các nghệ nhân, nhà thiết kế, các đơn vị tham gia Lễ hội. Bên cạnh đó là trao giải cho Cuộc thi sáng tạo thiết kế áo dài của sinh viên; trao giải cho gian hàng sáng tạo nhất, gian hàng ấn tượng nhất và gian hàng thân thiện nhất; trao giải Cuộc thi thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch và ảnh du lịch Hà Nội năm 2022 và phát động Cuộc thi thiết kế Logo cho Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội./.

Phương Bùi
Lượt xem: 34
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...