• :
  • :

Hình thành nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn vào mùa cao điểm

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng số khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt gần 7,6 triệu lượt, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước COVID-19.

Hình thành nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn vào mùa cao điểm

Khách quốc tế tham quan phố cổ Hà Nội trên xích lô. Ảnh: Ý Yên

Khách quốc tế chững lại

Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, với trên 1,9 triệu lượt (chiếm 25,7%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 1,6 triệu lượt (chiếm 21,2%). Điều đáng chú ý là lượng khách Trung Quốc trong tháng 5 đạt 357.000 lượt, cao hơn cả khách Hàn Quốc (351.000 lượt).

Tính riêng trong tháng 5, gần 1,4 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm khoảng 10% so với tháng 4 (1,55 triệu lượt).

Tuy nhiên, đại diện một doanh nghiệp du lịch đánh giá mức giảm này không phải điều đáng lo ngại. Bởi mùa cao điểm khách quốc tế thường kéo dài từ tháng 9 năm trước đến tháng 3, tháng 4 năm sau. Các doanh nghiệp chuyên đón khách inbound đang chuẩn bị một số sản phẩm mới, dành thời gian nâng cao chất lượng dịch vụ khi vào mùa thấp điểm.

“Hiện tại chúng tôi đang nhắm tới phân khúc cao cấp, bán gói All Inclusive - khách chỉ tới một resort cao cấp nghỉ trong 7-8 ngày và sử dụng tất cả dịch vụ”, ông Lê Phong Trần, Giám đốc Thị trường quốc tế của Vietluxtour, chia sẻ.

Thị trường du lịch nội địa lên ngôi

Trong khi đó, thị trường nội địa đang bước vào mùa cao điểm du lịch hè, theo lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam.

Mùa cao điểm du lịch hè có bước chạy đà trong dịp nghỉ lễ 30.4-1.5 kéo dài. Trong 5 ngày nghỉ, ngành du lịch ước tính phục vụ khoảng 8 triệu lượt khách, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có khoảng 3,6 triệu lượt khách có lưu trú.

Tháng 5, lượng khách du lịch nội địa đạt 12 triệu lượt, trong đó có khoảng 8 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng lượng khách du lịch nội địa trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 52,5 triệu lượt.

Đón đầu mùa du lịch hè, các địa phương tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện, lễ hội phục vụ người dân và du khách.

Mùa hè năm nay, Lễ hội Sông nước TPHCM lần thứ 2 diễn ra từ ngày 31.5 đến 9.6 với quy mô lớn hơn, thời gian tổ chức dài hơn so với lần đầu tiên. Đây được xem là sự kiện hứa hẹn thu hút lượng lớn du khách tới TPHCM.

Theo Sở Du lịch TPHCM, hiện nay thành phố đã sẵn sàng cho chùm hoạt động trong những ngày lễ hội sắp tới, đặc biệt là các hoạt động thể thao như: Giải bơi vượt sông mở rộng TPHCM, Giải ván chèo đứng (SUP), bên cạnh đó là chương trình biểu diễn nghệ thuật, trò chơi dân gian…

Trong khi đó, Hà Nội sẽ hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn dựa trên các lợi thế sẵn có và nghiên cứu đầu tư phát triển các loại hình sản phẩm mới gắn với lợi thế của từng địa phương như khai thác các tuyến du lịch đường thủy nội địa dọc sông Hồng, hồ Tây, hồ Đồng Mô hay phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao…

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, sau khi 16 tour đêm đặc sắc Hà Nội được giới thiệu, ngành du lịch Thủ đô đang lên phương án mở rộng thêm tour đêm ngoại thành Hà Nội. Đây là mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, mua sắm, giải trí đêm, giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm tại xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) và mô hình văn hóa ẩm thực Vân Đình - Làng nghề sản xuất hương xã Quảng Phú Cầu tại Trung tâm Thương mại thị trấn Vân Đình (huyện Mỹ Đức) và xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa).

Ngoài ra, trong tháng 6 diễn ra hàng loạt sự kiện lớn như Tuần Du lịch Ninh Bình năm 2024 (từ ngày 1-8.6), Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 (từ ngày 7-12.6), Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng DIFF 2024 (từ ngày 8.6-13.7), Chuỗi sự kiện du lịch hè Bình Định năm 2024, Liên hoan Du lịch Biển Nha Trang 2024...