• :
  • :

Khách Việt “xuyên không” gặp bộ tộc bí ẩn ở châu Phi

Trở về sau chuyến đi dài 40 ngày ở châu Phi xa xôi, chị Mai Hương vẫn còn vương vấn nhiều kỷ niệm về cuộc gặp gỡ những bộ tộc bí ẩn.

Trong hơn một tháng hè, Mai Hương có những trải nghiệm đặc biệt ở 3 quốc gia: Namibia, Ethiopia và Madagascar. Cô tin rằng không thể tìm thấy những trải nghiệm tương tự ở bất cứ nơi nào khác trên trái đất này, ngoài châu Phi.

Cảm giác phiêu lưu kỳ thú ấy trỗi dậy khi blogger sinh năm 1991 có duyên gặp gỡ những bộ lạc nguyên thuỷ ở châu Phi. Mai Hương cùng chồng, con gái nhỏ 4 tuổi, biệt danh là Mỡ có những ngày không quên trong suốt hành trình khám phá lục địa đen.

 

Phút bình yên khi Mai Hương thăm một ngôi làng nhỏ ở châu Phi trong chuyến du lịch kéo dài 40 ngày từ 9.6 – 17.7 vừa qua. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Một trong những điều ám ảnh cô mạnh mẽ là những vết sẹo chằng chịt trên lưng của những người phụ nữ thuộc các bộ lạc ở thung lũng Omo, Ethiopia. Theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên, những người phụ nữ thuộc các bộ lạc Hamer, Banna, Karo... khi đến tuổi trưởng thành đều phải chấp nhận thực hiện nghi lễ gọi là “weipe” - để những người đàn ông trong gia đình dùng roi đánh thật mạnh và thật nhiều lần cho đến khi bị thương.

Họ không dùng bất cứ phương thức y tế nào hay dùng bất cứ thứ gì để trị thương mà phải để chúng tự lành và hình thành những vết sẹo. Trên lưng ai càng nhiều vết sẹo, sau này người đó càng nhận được sự giúp đỡ của cánh mày râu trong làng và gia đình khi họ cần. Bên cạnh đó, phụ nữ bản địa thường tự hào khoe ra những vết sẹo sâu trên lưng như minh chứng cho lòng tận tụy với chồng.

Những vết sẹo trên lưng của những người phụ nữ của các bộ lạc ở thung lũng Omo. Ảnh: NVCC.

Những vết sẹo trên lưng của những người phụ nữ bộ lạc Hamer ở thung lũng Omo, Ethiopia. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khi tới Namibia, Mai Hương lại ấn tượng với bộ lạc Himba vốn nổi tiếng là “cả đời không tắm”. Cô kể: "Họ chỉ tắm duy nhất một lần trong đời là trước khi kết hôn. Họ hầu như không tắm bằng nước, lý do là họ sống trong môi trường khí hậu sa mạc khắc nghiệt nhất trên Trái Đất, nên nước ngọt rất hiếm".

Tuy vậy, người Himba có một cách làm đẹp và giữ vệ sinh khác là dùng một loại “kem” gọi là otjize màu đỏ tro, gồm hỗn hợp đất đỏ, tro trộn với thảo dược, bơ và mỡ. Họ trét otjize khắp người để tránh ánh nắng mặt trời như thiêu đốt trên sa mạc, ngừa côn trùng cắn, giữ ấm và làm mát cơ thể.

Bộ lạc Himba nổi tiếng là những bộ lạc cả đời không tắm. Ảnh: NVCC.

Bé Mỡ quan sát phụ nữ trong bộ lạc Himba nhảy múa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong ấn tượng của Mai Hương, bộ tộc Herero ở Namibia có một phong cách thời trang khá độc đáo, do ảnh hưởng từ văn hoá Đức. Phụ nữ Herero mặc những chiếc váy dài chấm đất mà các nhà truyền giáo Đức mặc khi đến châu Phi vào cuối thế kỷ 19, nhưng thêm những màu sắc và hình in sặc sỡ đặc trưng.

Phụ nữ Herero đã kết hôn và lớn tuổi hơn mặc váy ohorokova, trong khi phụ nữ trẻ và chưa chồng chủ yếu mặc trang phục này vào những dịp đặc biệt. Những chiếc váy ohorokova có cổ cao, tùng xòe bồng bềnh với phần chiết eo từ dưới ngực, bên trong là lớp váy lót và vải dài tới mười mét.

Chị Hương chụp ảnh kỉ niệm cùng bộ lạc Herero ở Namibia. Ảnh: NVCC.

Mai Hương (giữa) chụp ảnh kỷ niệm cùng phụ nữ thuộc bộ lạc Herero ở Namibia. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mai Hương và bé Mỡ tìm hiểu tục lệ đeo đĩa vào môi của phụ nữ thuộc bộ tộc Mursi ở thung lũng Omo, Ethiopia. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mai Hương và bé Mỡ tìm hiểu tục lệ đeo đĩa vào môi của phụ nữ thuộc bộ tộc Mursi ở thung lũng Omo, Ethiopia. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ấn tượng sâu sắc hơn cả là cơ duyên đưa Mai Hương cùng cả đoàn gặp tộc người Mikea - một trong những bộ lạc nguyên thuỷ cuối cùng ở Madagascar. Đoàn khách Việt ngồi xe bò đi xuyên rừng để ghé thăm họ, cô nhớ lại. “Quý nhân” đưa Mai Hương tới gặp bộ tộc nguyên thủy là Rah, một người Mikea chính gốc. Anh là thành viên duy nhất trong bộ tộc tiếp xúc với thế giới hiện đại. 

Không ai rõ gốc gác của bộ tộc Mikea, và ngày nay thông tin cũng vô cùng hạn chế vì họ sống sâu trong khoảng rừng rộng 3.500km2. Thực tế đáng buồn là môi trường sống của bộ tộc này đang bị đe dọa do ảnh hưởng từ hoạt động khai thác khoáng sản.

Rah phải thuyết phục gia đình gặp khách. Thấy người lạ, tất cả các thành viên trong bộ lạc đều thận trọng khi chui ra khỏi căn lều dựng bằng các bụi cây khô. Phản ứng này trái ngược với nhiều bộ lạc đã “hiện đại hóa” ở Ethiopia khi biết xin tiền từ khách du lịch, cư xử hung hăng..., theo Mai Hương. 

“Họ rất xấu hổ và sợ hãi khi gặp tụi mình, cứ co rúm lại lấy tay che mặt. Mình cảm giác như chạm vào giấc mơ tìm thấy phần nào nguồn gốc của loài người thật sự”, cô bày tỏ.

Bé Mỡ quan sát cuộc sống của bộ tộc Mikea ở Madagascar. Các thành viên của bộ tộc đều quay lưng, không hề lại gần người lạ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bé Mỡ quan sát cuộc sống của bộ tộc Mikea ở Madagascar. Các thành viên của bộ tộc đều quay lưng, không hề lại gần người lạ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô còn có cơ hội chứng kiến cách người Mikea nhóm lửa từ vài mảnh gỗ, lá khô... như thường thấy trên phim tài liệu về những bộ tộc nguyên thủy. Nữ blogger gọi khoảnh khắc ấy như “xuyên không trở lại thời nguyên thủy”, cô chia sẻ.

Nhóm của Hương sau đó tạm biệt bộ tộc và tặng gia đình của Rah một chút đồ ăn, gồm cá, thịt bò và bánh mì làm quà. Cô chỉ biết nói lời cảm ơn đến những người đã giúp mình có cuộc gặp gỡ hiếm có như vậy.

Mai Hương dùng bữa cùng người bản địa trong làng của bộ lạc Hamer ở thung lũng Omo, Ethiopia. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mai Hương dùng bữa cùng người bản địa trong làng của bộ lạc Hamer ở thung lũng Omo, Ethiopia. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khép lại chuyến đi, Mai Hương tạm biệt mùa hè với 40 ngày rong ruổi tìm kiếm một Phi Châu cổ đại, tìm kiếm nguồn gốc của con người, tìm kiếm sự hình thành của lục địa trên chặng đường 5819km.

“Đi để thấy bản thân nhỏ bé biết bao trước thiên nhiên và thế giới ngoài kia. Đi để hiểu biết hơn, trái tim rộng mở hơn, mới mẻ hơn và nâng cấp hơn…”, cô tâm sự.

Lượt xem: 13
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết