Khánh Hòa tạo nguồn để nhạc cụ truyền thống phát triển
Khánh Hòa - Không để nhạc cụ truyền thống dần vào quên lãng, nhiều người dân, học sinh... ở Khánh Hòa đi học đánh đàn đá, đàn Chapi, Mã La.
Khi tiếng đàn dần vắng
Già làng Mấu Xuân Điệp (71 tuổi, trú xã Sơn Trung, huyện Khánh Vĩnh) hàng ngày vẫn cần mẫn tìm kiếm những mắt tre để làm đàn Chapi. Dù những chiếc đàn ông làm ra có khi chỉ để trưng bày bởi thế hệ con cháu ông bây giờ bắt nhịp và tiếp cận với tiếng nhạc trẻ nhiều hơn, thông dụng hơn.
Già làng Điệp kể: “Hiện nay, cả xã Sơn Trung chỉ có 2 người biết làm đàn này. Để làm được đàn Chapi phải mất 2-3 ngày. Đàn làm từ một mắt tre có chiều dài chừng hơn 30cm và đường kính dưới 10cm, tre làm đàn khi chọn không được quá già, phơi đủ nắng. Khó nhất khi làm đàn Chapi là làm sao tách được trên thân ống tạo thành dây dàn”.
Khoảng 30 năm về trước, cây đàn Chapi luôn tồn tại trong mỗi gia đình và vào những dịp dân làng quây quần bên nhau, hiện nay đàn chỉ còn được sử dụng chủ yếu trong những dịp lễ hội.
Không như đàn Chapi, đàn đá Khánh Sơn được phát hiện năm 1977, có niên đại từ 2000 -5000 năm. Người Raglai ở Khánh Hòa xem đàn đá như là một bảo vật. Đàn đá được gõ, đánh cùng với các bộ cồng, chiêng, Mã La, Chapi khi tổ chức cúng bái, lễ hội.
Từ món ăn tinh thần không thể thiếu nhưng nhưng trải qua thời gian, những dòng nhạc cụ này thưa dần trong những mái nhà của người dân 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Để tiếng đàn không dần xa vắng, các già làng cùng địa phương đang nỗ lực để truyền lại nghề cho thế hệ sau.
Những lớp học nhạc cụ dân tộc miễn phí
Cuối tháng 7.2024, UBND huyện Khánh Sơn tổ chức lớp bồi dưỡng, truyền dạy sử dụng nhạc cụ Mã La. 26 em học sinh, thanh thiếu niên và nhân dân người đồng bào Raglai trên địa bàn xã Ba Cụm Bắc và xã Sơn Hiệp đi học với tâm thế háo hức nghe kiến thức cha ông truyền lại.
Trước đó, lớp bồi dưỡng, truyền dạy sử dụng nhạc cụ đàn đá Khánh Sơn cho đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ, công chức làm công tác văn hóa, thể thao, du lịch; giáo viên bộ môn âm nhạc các trường học, các em học sinh… cũng đã được địa phương tổ chức. 56 học viên đến lớp học trong 1 tháng đã mang theo lớp kiến thức độc đáo về nhạc cụ truyền thống nghìn năm còn lại này.
Những lớp học về nhạc cụ truyền thống miễn phí do các già làng có kinh nghiệm truyền dạy. Từ một vài học viên đam mê và phục vụ công tác theo học, đến nay các lớp học đã dần thu hút đông con em đồng bào Raglai và các dân tộc khác.
Theo nghệ nhân Mấu Hồng Thái – một trong những già làng tâm huyết giảng dạy, chơi nhạc cụ, truyền nghề làm nhạc cụ truyền thống của người Ragla - điều ông mong mỏi là duy trì bảo tồn bản sắc văn hóa cho thế hệ sau để tiếng đàn hòa nhập cùng hiện đại.
Từ năm 2022 đến năm 2024, tỉnh Khánh Hòa đang triển khai nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Đây là định hướng để tiếng đàn đá, đàn Chapi… sống cùng hiện đại.
Hơn 30 nghệ nhân người dân tộc thiểu số được ngành Văn hóa hỗ trợ lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho cộng đồng thuộc các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh... Trang bị 81 bộ Mã La cho 81 thôn, tổ dân phố trong tỉnh.
Theo ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, địa phương đang nỗ lực tạo nguồn nhân lực để bảo tồn văn hóa truyền thống độc đáo gắn liền với tập tục của đồng bào. Đây là nền tảng để xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng, phát triển du lịch xanh bền vững, hướng đến mục tiêu phấn đấu Khánh Sơn trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng.