• :
  • :

Kỳ 2: Để du lịch Tây Bắc cất cánh

Làm thế nào để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế cho toàn vùng, song phải gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống, cảnh quan thiên nhiên, môi trường đang là bài toán được các cấp, ngành, địa phương tìm lời giải.

Tài nguyên văn hóa: Gốc rễ để phát triển du lịch bền vững

Theo nhiều chuyên gia du lịch, Tây Bắc vốn có những đặc trưng hấp dẫn riêng tạo nhiều niềm đam mê cho du khách với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng. Sự hoang sơ của thiên nhiên thuần khiết với cảnh quan núi non tuyệt đẹp và hệ sinh thái phong phú, cùng 32 dân tộc thiểu số chung sống đoàn kết, thú vị và lôi cuốn; nhiều di tích cách mạng, những chiến trường xưa, tất cả tạo nên sức cuốn hút lớn. Việc khai thác những tiềm năng, tập trung xây dựng các sản phẩm đặc thù sẽ làm nên thương hiệu du lịch Tây Bắc, tạo hình ảnh mới cho cả vùng Tây Bắc cũng như cho riêng mỗi tỉnh.

Nhắc đến Tây Bắc, không thể không nhắc đến đỉnh Fansipan được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, bây giờ, dù cho việc đi lại đã bớt khó khăn hơn trước nhưng ước mơ chinh phục nóc nhà Đông Dương, ước được một lần chạm tay vào đỉnh cao, được đứng ngắm mây bay trên đỉnh Fansipan vẫn được nhiều du khách ấp ủ.

Kỳ 2: Để du lịch Tây Bắc cất cánh

Trong khuôn khổ sự kiện du lịch “Sắc màu Sơn La - Tây Bắc” lần thứ II năm 2022, UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức Hội nghị Liên kết phát triển sản phẩm du lịch mới, tour du lịch Hà Nội - Sơn La với chủ đề “Sơn La - điểm đến khác biệt, an toàn và hấp dẫn”. (Ảnh: Linh Tâm)

Tây Bắc còn ôm trong lòng một Sa Pa mờ sương, lãng mạn; ruộng bậc thang Mù Căng Chải nổi tiếng; hồ Pá Khoang giữa bốn bề núi non hùng vĩ; rừng Mường Phăng là một trong những khu bảo tồn tự nhiên với nhiều loại động thực vật quý hiếm; thung lũng Mai Châu bình yên thăm thẳm xanh; cao nguyên Mộc Châu tràn đầy sức sống,…

Cùng với cảnh quan thiên nhiên vừa hoang sơ vừa tươi đẹp, sắc màu văn hóa của các dân tộc Tây Bắc cũng là một trong những tài nguyên vô giá. Tây Bắc là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Khơ Mú, Lào, Lự, Hà Nhì, Kháng, La Hủ, Si La, Phù Lá, Bố Y, Mảng, Giáy, Xơ Đăng, Lô Lô, Pà Thẻn, Phù Lá, Cờ Lao, La Chí…

Nhiều dân tộc còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của mình trong phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, các điệu dân ca, dân vũ như lễ hội Lồng Tồng, chợ tình Khâu Vai, múa sạp, múa xòe, hát then, nhạc cụ pí cặp, pí sên, khèn môi… Ẩm thực Tây Bắc mang những nét đặc trưng, khác biệt hẳn so với các vùng khác với gà mọ, cá suối nướng úp, nộm da trâu, thịt trâu gác bếp, thắng cố,…

Tây Bắc còn ẩn chứa cả một hệ giá trị lịch sử như: Quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ với những chiến công hiển hách “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; Khu di tích lịch sử Mường Phăng nơi đặt Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ; Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Căng và Đồn Nghĩa Lộ - nơi đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt và chiến thắng năm 1952 giải phóng Nghĩa Lộ; Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La - nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ,…

Kỳ 2: Để du lịch Tây Bắc cất cánh

Sự hoang sơ của thiên nhiên thuần khiết với cảnh quan núi non tuyệt đẹp và hệ sinh thái phong phú, cùng hơn 30 dân tộc thiểu số chung sống đoàn kết, đã tạo nên một Tây Bắc vô cùng cuốn hút trong mắt du khách. (Ảnh: DL)

Dựa vào những lợi thế trên, du lịch Tây Bắc trong những năm vừa qua đã có bước phát triển đáng kể, tạo dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng, có thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam như du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa dân tộc thiểu số, du lịch sinh thái.

Đặc biệt, sau 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các tỉnh Tây Bắc đã rất nhạy bén, năng động, sáng tạo đưa ra các sản phẩm du lịch mới độc đáo phục vụ du khách như Festival dù lượn tại Yên Bái, sản phẩm trải nghiệm cầu kính Bạch Long - cầu kính đi bộ dài nhất thế giới vào Sách Kỷ lục Guinness tại Mộc Châu, cùng hàng loạt các khu homestay độc đáo, các khu nghỉ dưỡng đặc sắc tại các điểm du lịch nổi tiếng đi vào hoạt động như tại Bắc Yên, Mù Cang Chải,… Đây đều là những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Không thể phủ nhận rằng, du lịch phát triển tạo ra những điều kiện hồi sinh và phát huy của nhiều hoạt động thực hành văn hóa cổ truyền. Tuy nhiên, cũng nảy sinh nhiều thách thức trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa. Có tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số tự bỏ dần các thực hành văn hóa cũng như sự phong phú của những đường nét riêng định hình bản sắc tộc người của mình.

Nguy cơ bản sắc văn hóa nhạt nhòa và mất dần cũng đồng nghĩa với nguy cơ mất đi sức hấp dẫn với số đông du khách muốn tìm hiểu văn hóa, phong tục bản địa. Tính đa dạng văn hóa ở Tây Bắc dù có sẵn, rất đậm ở đời thường nhưng cần được khai thác tốt, làm nổi bật những nét độc đáo riêng của từng dân tộc trong các sản phẩm du lịch, tránh tình trạng các sản phẩm du lịch được dựng theo kịch bản gần như giống nhau. Khi đó du khách dù muốn cũng khó phân biệt được những nét đặc trưng vùng miền hay bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc thiểu số.

Đẩy mạnh liên kết vùng trong nước, quốc tế

Du lịch là ngành kinh tế đa ngành, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Trong thời toàn cầu hóa, sự phát triển của du lịch không thể nằm trong một giới hạn hành chính nhỏ hẹp mà phải vươn ra và vươn lên ở mức vùng - miền, thậm chí xuyên quốc gia. Điều này càng đúng với kinh tế du lịch Tây Bắc.

Kỳ 2: Để du lịch Tây Bắc cất cánh

Cùng với cảnh quan thiên nhiên vừa hoang sơ vừa tươi đẹp, sắc màu văn hóa của các dân tộc Tây Bắc cũng là một trong những tài nguyên vô giá. (Ảnh: H.My)

Thời gian qua, tuy đạt được kết quả tích cực nhưng du lịch của Tây Bắc chưa phát triển xứng tầm cả về quy mô và tính chất của vùng, sức cạnh tranh kém so với các vùng du lịch khác trong cả nước. Bởi vậy, bên cạnh việc liên kết nội vùng, một trong những giải pháp đặt ra cho các tỉnh Tây Bắc là cần liên kết hợp tác phát triển du lịch với những địa phương trọng điểm là trung tâm du lịch của cả nước như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... nhằm nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù có lợi thế cạnh tranh, kêu gọi các nguồn lực đầu tư và thu hút du khách đến với khu vực Tây Bắc.

Gần đây, Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp xây dựng các sản phẩm du lịch kết nối với các địa phương; phối hợp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp. Công tác xúc tiến quảng bá được chú trọng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tạo được hiệu quả trong việc thu hút khách du lịch và kết nối giữa doanh nghiệp du lịch và các địa phương.

Ngoài ra, các sự kiện kích cầu du lịch được triển khai rộng khắp tại các tỉnh trong khu vực và sự kiện Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 24/9 tại thị xã Nghĩa Lộ là điểm nhấn du lịch của tỉnh Yên Bái và các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu,…

Sự kiện này góp phần quảng bá hình ảnh, tôn vinh tinh hoa văn hóa truyền thống đặc sắc vùng Tây Bắc, đẩy mạnh phát triển sản phẩm văn hóa du lịch, hàng thủ công, sản phẩm OCOP tại các làng nghề truyền thống, thu hút du khách đến tham quan, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch độc đáo, giàu bản sắc, mang tầm khu vực và quốc tế.

Kỳ 2: Để du lịch Tây Bắc cất cánh

Du lịch Tây Bắc trong những năm vừa qua đã có bước phát triển đáng kể, tạo dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng, có thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam. (Ảnh: N.Minh)

Mới đây, tại Hà Nội, UBND tỉnh Sơn La đã phối hợp với Tổng cục Du lịch và Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Hội nghị Liên kết phát triển sản phẩm du lịch mới, tour du lịch Hà Nội - Sơn La với chủ đề “Sơn La điểm đến khác biệt an toàn và hấp dẫn”. 160 doanh nghiệp du lịch lữ hành cùng các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ lưu trú, nhà hàng ăn uống, hợp tác xã của Hà Nội và Sơn La đã có cuộc gặp trao đổi trực tiếp qua đó tìm hiểu nhu cầu giữa hai bên cũng như tiến tới xây dựng các chương trình hợp tác phát triển du lịch, hình thành những tour, tuyến du lịch Hà Nội - Sơn La, từ đó tạo ra các sản phẩm du lịch khác biệt, chuyên nghiệp hình thành vào sự phát triển du lịch chung của ngành Du lịch Việt Nam và của tỉnh Sơn La cùng Thủ đô Hà Nội.

Có thể nói, liên kết các địa phương trong phát triển du lịch là xu thế phát triển hiện nay và hết sức cần thiết. Các địa phương vùng Tây Bắc cần đề ra những giải pháp mang tính chiến lược, hướng đến phát triển tour, tuyến du lịch và sản phẩm du lịch liên kết ở quy mô vùng nhằm tạo ra được sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh, góp phần định vị du lịch vùng Tây Bắc đối với du khách trong nước và quốc tế trong thời gian tới.

Đôi nét phác thảo về vòng cung Tây Bắc cho thấy vùng Tây Bắc mở rộng của Tổ quốc là nơi hội tụ đầy đủ những điều kiện cần và đủ để trở thành tuyến, điểm du lịch quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên nhân văn, cùng với kết quả hợp tác đã đạt được, trong tương lai, các tỉnh Tây Bắc mở rộng tiếp tục liên kết để xây dựng thương hiệu du lịch của vùng, sớm đưa 8 tỉnh có cùng hướng đi, tạo ra nấc thang mới cho sự phát triển của ngành du lịch mỗi tỉnh nói riêng và cả vùng Tây Bắc mở rộng nói chung.

Hà Phong

(Hết)

Lượt xem: 22
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...