• :
  • :

Lý do bộ phim “Cô gái mặt nạ” gây bão màn ảnh, lột tả thế giới tàn nhẫn với phụ nữ xấu

Bộ phim kinh dị "Mask Girl" khắc họa một thế giới tàn nhẫn, khắc nghiệt qua con mắt của một cô gái không có ngoại hình đẹp.

Lý do bộ phim “Cô gái mặt nạ” gây bão màn ảnh, lột tả thế giới tàn nhẫn với phụ nữ xấu

"Mask Girl" gây sốt trên nhiều nền tảng mạng xã hội nhờ nội dung giật gân, mới lạ. Ảnh: Netflix

Nhiều gương mặt sau tấm mặt nạ

Sau hơn 1 tuần ra mắt, bộ phim “Mask Girl” đang gây sốt mạng xã hội, với sự chú ý dồn về nhân vật chính Kim Mo Mi được thể hiện bởi 3 nữ diễn viên Lee Han Byul, Nana và Go Hyun Jung.

Kim Mo Mi từ nhỏ có năng khiếu hát nhảy nhưng không được ông trời phú cho nhan sắc nổi trội. Lớn lên trong sự vùi dập của mẹ ruột và thái độ dè bỉu của bạn bè, cô đành chôn vùi ước mơ, an phận làm nhân viên văn phòng.

Chỉ khi đêm xuống, Mo Mi mới được sống là chính mình khi mang mặt nạ, nhảy múa sexy trên nền tảng livestream 18+.

Hình thể nóng bỏng, vũ đạo gợi tình và thân phận kỳ bí giúp cô gái đeo mặt nạ thu hút lượng fan đông đảo.Trái với cuộc sống bị rẻ rúng, khinh thường hàng ngày, Mo Mi lại rất được yêu mến khi che đi khuôn mặt thật, nhảy múa với hình thể gợi cảm.

Chiếc mặt nạ là hình ảnh ẩn dụ tố cáo một xã hội trọng hình thức. Mo Mi chỉ có thể được sống là chính mình, được tôn trọng, yêu thương khi che giấu vẻ bề ngoài được cho là lệch chuẩn.

7 tập phim điểm lại cuộc đời đầy bi kịch của Mo Mi, từ khi là một nhân viên văn phòng ẩn dật, trở thành cô gái đeo mặt nạ nổi tiếng và cuối cùng là tù nhân số 1047.

Mo Mi liên tục thay đổi danh tính và thể hiện nhiều gương mặt khác nhau ẩn sau tấm mặt nạ bí ẩn.

Đạo diễn Kim Yong Hoon cho rằng Kim Mo Mi không phản nạn nhân duy nhất. Theo ông, "Mask Girl" kể về những nhân vật "đáng thương, bị gạt ra ngoài lề xã hội”.

Ranh giới mờ nhạt giữa thiện và ác tạo nên một câu chuyện lôi cuốn. Bộ phim ra đời để định nghĩa lại thể loại phim kinh dị bí ẩn, khi nhân vật được xây dựng đa lớp và cốt truyện phức tạp, để cho thấy yếu tố gây ám ảnh chính là sự khắc nghiệt của xã hội.

Nana thể hiện nhân vật Mo Mi sau khi phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi ngoại hình. Sự xuất hiện của cô khiến khán giả ấn tượng mạnh khi đối sánh với Mo Mi trước khi phẫu thuật do Lee Han Byul đảm nhận. Ảnh: Netflix

Nana thể hiện nhân vật Mo Mi sau khi phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi ngoại hình. Sự xuất hiện của cô khiến khán giả ấn tượng mạnh khi đối sánh với Mo Mi trước khi phẫu thuật do Lee Han Byul đảm nhận. Ảnh: Netflix

Số phận bất hạnh giữa một xã hội nhiều định kiến

Khi con người bị đẩy đến giới hạn, họ có thể sẽ tự hủy hoại cuộc đời mình. Nhìn lại những bộ phim truyền hình thể loại báo thù như "The Glory", "My Name" hay "Weak Hero Class 1", sự chệch hướng của con người được báo hiệu ngay từ khi nhân vật còn nhỏ.

Khi con người không còn gì để mất, họ sẽ phản kháng. "Mask Girl" cũng khai thác một lần Mo Mi vùng lên, nhưng những gì cô nhận lại là án tù và cuộc đời khép lại.

Diễn viên Go Hyun Jung vào vai Mo Mi sau khi đi tù. Cô cho biết vai diễn này giúp cô làm mới bản thân và đầy thử thách.

“Mask Girl” vẫn tồn tại những hạn chế trong kịch bản, nhưng thành công trong việc khắc họa một thế giới coi trọng ngoại hình, phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình.

Tờ India Express nhận xét, bộ phim khắc họa một cách khéo léo những định kiến mà những người không phù hợp với tiêu chuẩn sắc đẹp hạn hẹp của xã hội phải đối mặt.

Trong phim, phân cảnh người đàn ông cảm thấy thất vọng vì bị từ chối bởi một người anh cho là kém cỏi gây ám ảnh. Tình tiết này phản ánh sự phân cấp xã hội sâu sắc, và cho thấy hẹn hò thời hiện đại lấy vẻ ngoài làm động lực.

Theo New Room Post, "Mask Girl" thúc đẩy các cuộc tranh luận về chủ đề phẫu thuật thẩm mỹ, bất bình đẳng giới, phán xét ngoại hình và bạo lực. Bộ phim phê phán xu hướng nhiều người chế giễu những người lựa chọn phẫu thuật thẩm mỹ trong khi chính tiêu chuẩn cố hữu về cái đẹp là nguồn cơn.

Câu chuyện phẫu thuật thẩm mỹ cho thấy góc khuất của nền công nghiệp "dao kéo". Bên cạnh đó, nền tảng livestream gợi tình cũng vén màn một xã hội xem thường phụ nữ, những thú vui tầm thường ẩn sau những con người học thức.

Tờ Dojeon nhận định, với 50 triệu dân, người Hàn Quốc có xu hướng tuân theo những tiêu chuẩn nhất định. Và khi các cá nhân đi ngược lại những tiêu chí này, họ sẽ nhận lại sự chỉ trích và khinh miệt. Vì thế, áp lực phải đẹp, phải hoàn mỹ của người trẻ là vô cùng lớn.