• :
  • :

Những điều thú vị ẩn trong các tác phẩm nghệ thuật trên vòm cầu Phùng Hưng

Chia sẻ với PV báo Lao Động, Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - Giám tuyển Dự án Nghệ thuật công cộng Phùng Hưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ xót xa khi các tác phẩm mà các nghệ sĩ tạo ra chưa được du khách thật sự hiểu và gìn giữ. Kết quả là sau gần 5 năm đưa vào sử dụng, loạt tác phẩm nghệ thuật tạo trên các vòm cầu đã xuống cấp, bong tróc. Một phần nguyên nhân đến từ tác động vật lí của du khách tham quan.

 

 "Bích họa Phùng Hưng" - chắc nhiều du khách đã quen với tên gọi này khi đến với không gian nghệ thuật được dựng lên trên các vòm cầu phố Phùng Hưng. Tuy nhiên, thực tế tên gọi đúng của không gian này lại hoàn toàn khác.

 

 "Dự án Nghệ thuật công cộng Phùng Hưng" - là tên gọi đúng của không gian này. Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn (giám tuyển của dự án), bởi lẽ tên gọi "bích họa Phùng Hưng" sai là do ở không gian này có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật của nhiều thể loại khác nhau, như điêu khắc, nhiếp ảnh, sắp đặt... vì vậy gọi bích họa là sai bản chất.

 

Tác phẩm "Máy nước thời gian" được tạo ra và dựng lên ngay tại vị trí cũ của một máy nước công cộng thời bao cấp. Nơi đây từng là điểm sinh hoạt cộng đồng, vui chơi của cả người lớn và trẻ nhỏ thời xưa. Nếu nhìn từ xa, du khách chỉ thấy những ô vuông có màu đen, giống vệt bẩn trên những bức tường cũ. Tuy nhiên khi tiến lại gần và quan sát kỹ sẽ rất bất ngờ...

 

Những ô vuông đen thực chất là các tác phẩm ảnh được các nghệ sĩ kỳ công tạo ra. Đây là những bức ảnh ghi lại cảnh sinh hoạt hàng ngày tại các máy nước cộng cộng hồi xưa ở Hà Nội. Đều là những hình ảnh rất quý. 

 

 Tác phẩm sắp đặt có tên "Kim vàng giọt lệ" gợi lại ký ức về một chợ xe máy đầu tiên ở Hà Nội trên phố Phùng Hưng. Thời mở cửa nền kinh tế, xe máy honda trở thành một biểu tượng về một cuộc sống đáng mơ ước của bao nhiêu người ở Hà Nội.

 

 Những bộ phận của một chiếc xe honda được tách riêng và gắn cố định lên bức tường. Thông qua tác phẩm sắp đặt tương tác, nghệ sĩ muốn người xem trải nghiệm cảm giác của quá khứ, khi từng bước vật lộn mưu sinh, tích góp để dần sở hữu một chiếc xe honda đáng mơ ước...

 

 Để tương tác với tác phẩm, du khách sẽ trèo lên từng bước, nắm lấy các bộ phận của chiếc xe, giống việc leo núi. "Tôi thấy rất ít người hiểu được ý đồ của nghệ sĩ, thường họ chỉ đến ngồi lên chiếc xe rồi chụp ảnh, chính điều này đã làm chiếc xe bị hỏng nhiều bộ phận." - họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho hay.

 

Tác phẩm "Phảng phất Cửa Đông" được nghệ sĩ tạo ra dưới hình thức "điểm ảnh" bằng ngôn ngữ gốm. Có 2 cách xem phù hợp nhất đối với tác phẩm này, gồm "cận thị" (nhìn thật gần) và "viễn thị" (nhìn xa). Đối với cách xem "viễn thị", du khách sẽ đứng xa, từ đấy có thể nhìn thấy cổng thành, hồ nước và những đám mây tạo thành một bức tranh rất đẹp.

 

 Còn khi nhìn "cận thị" sẽ thấy mỗi miếng gốm đều có in hình cổng thành, với nhiều màu sắc, độ tương phản khác nhau.

 

Bức phù điêu có tên "Tuần lễ thời trang phố cổ" được lấy cảm hứng từ "Múa rồng", một tác phẩm nổi tiếng thuộc dòng tranh dân gian Hàng Trống. Tuy nhiên, tác phẩm này lại có sự kết hợp giữa hiện đại và xưa cũ...

 

 Để ý kỹ trên trang phục của những em bé 'múa rồng", người xem có thể thấy bóng dáng của những thương hiệu thời trang quốc tế nổi tiếng. Đây là chút sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm mang đến cái nhìn mới lạ, trẻ trung.

 

 Dự án Nghệ thuật công cộng Phùng Hưng được thực hiện trên đoạn phố dài hơn 200m, trưng bày 17 tác phẩm trên tổng số 127 vòm cầu, với những hình ảnh gợi nhớ về Hà Nội xưa. Hiện quá trình chỉnh trang lại những tác phẩm này sau gần 5 năm đi vào sử dụng đang được gấp rút hoàn thiện, nhằm tạo điểm vui chơi, tìm hiểu văn hóa về một Hà Nội xưa cho du khách trong và ngoài nước.