Những “Khoảng lặng” trong 12 ngày đêm khói lửa
Trưng bày chuyên đề “Khoảng lặng” tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò gợi nhớ về những mất mát, hy sinh của quân và dân ta sau các trận bom rải thảm, các trận đánh khốc liệt trong 12 ngày đêm khói lửa cuối năm 1972.
Nhằm kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972-12/2022); 50 năm trao trả phi công Mỹ bị bắt giam tại các trại giam miền Bắc (1973-2023), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò ra mắt Trưng bày chuyên đề “Khoảng lặng”.
Trưng bày chuyên đề “Khoảng lặng” tại Nhà tù Hỏa Lò |
Trưng bày được tổ chức theo hai phần nội dung: “Những ngày đỏ lửa” và “Sau bức tường đá”, gợi nhớ về những khoảng lặng sau các trận bom rải thảm, các trận đánh khốc liệt để lại bao mất mát, hy sinh của quân và dân ta sau 12 ngày đêm khói lửa cuối năm 1972; những suy nghĩ, cảm nhận của phi công Mỹ về cuộc chiến phi nghĩa họ tham dự, tác động lên đời sống con người Việt Nam và khoảng lặng sau 50 năm, những cựu binh Mỹ quay trở lại thăm chiến trường xưa và thăm “Hilton - Hà Nội”.
Cụ thể, trong phần nội dung “Những ngày đỏ lửa”, trưng bày tái hiện những ngày cuối năm 1972, cả bầu trời miền Bắc rung chuyển trong “vòng cung lửa” của các loại vũ khí hiện đại; từng ngôi nhà, dãy phố Hà Nội, Hải Phòng phải hứng chịu những trận bom rải thảm của máy bay B52, khiến cho “đất rung, ngói tan, gạch nát”.
Các hiện vật tại trưng bày |
Nhưng với niềm tin chiến thắng, Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố khác đều trở thành chiến trường đặc biệt. Nhân dân nhanh chóng thích ứng với cuộc sống vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Hệ thống còi báo động, loa phát thanh, kẻng báo động, trạm quan sát máy bay địch được lập ở khắp nơi.
Đặc biệt, bằng sự dũng cảm, sáng tạo, bộ đội ra-đa đã “vạch nhiễu tìm thù”; bộ đội phòng không - không quân thành “Rồng lửa”, “Én bạc” xuất kích đánh bại cuộc tập kích chiến lược của địch, góp phần quyết định làm nên kỳ tích “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của thế kỷ XX.
Ở nội dung “Sau bức tường đá”, trưng bày gợi lại hình ảnh những phi công thuộc lực lượng Không quân và Hải quân Mỹ bị bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò (lúc này có tên là Trại giam Hỏa Lò), trong đó phần lớn là những phi công đã tham chiến trong trận “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Tại đây, phi công Mỹ có thời gian lắng lại, để hiểu về cuộc chiến mình tham gia và cảm nhận về cuộc sống, con người Việt Nam, thông qua từng lá thư, từng nét vẽ gửi về gia đình từ Trại giam Hỏa Lò.
Để làm nổi bật từng phần nội dung, trưng bày giới thiệu nhiều hiện vật giá trị, như: Huy hiệu Bác Hồ mà phi công Nguyễn Văn Cốc được trao tặng khi bắn rơi máy bay Mỹ năm 1967; máy đo huyết áp, ống nghe của Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai sử dụng để khám bệnh cho người dân sau những trận ném bom của máy bay Mỹ tại Hà Nội, năm 1972; thư của Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber viết gửi con trai trong thời gian ở Trại giam Fafilm đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) nhân dịp Giáng sinh, năm 1970...
Bên cạnh đó, trưng bày cũng đã tái hiện nhiều hình ảnh nổi bật của giai đoạn lịch sử những năm 1964-1973 tại miền Bắc Việt Nam, với hệ thống đường giao thông hào, chiếc kẻng làm từ vỏ bom, hố tránh bom cá nhân, mũ bện rơm…
Tham quan trưng bày, công chúng được trải nghiệm chui hào giao thông khi có báo động, xem hoạt cảnh tái hiện công tác khẩn trương chuẩn bị sơ tán của nhân dân miền Bắc…; chiêm nghiệm một số bức tranh trong bộ “ODYSSEY, cuộc viễn chinh còn dang dở của Wellington Blackfly”, được Trung tá Không quân Hervey Studdiford Stockman vẽ trong thời gian bị giam tại Trại giam Hỏa Lò, để hiểu hơn về cuộc sống của phi công Mỹ trong thời gian này.
Trưng bày “Khoảng lặng” còn là dịp để công chúng và du khách gặp gỡ, giao lưu với các nhân chứng lịch sử, các cựu tù chính trị từng bị bắt giam trong các nhà tù thực dân, đế quốc, như: Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương; Trung tướng Nguyễn Đức Soát; Trung tướng Phạm Tuân; Trung tướng Phạm Phú Thái; thân nhân phi công Mỹ từng bị bắt giam tại Trại giam Hỏa Lò…