Trung Quốc có thêm Di sản Thế giới thứ 60
Lăng mộ Hoàng gia Tây Hạ của Trung Quốc đã được công nhận là Di sản Thế giới tại kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO vừa tổ chức tại Paris (Pháp), nâng tổng số di sản của Trung Quốc lên con số 60, đưa nước này lên vị trí thứ 2 thế giới về số lượng di sản được UNESCO công nhận chỉ sau Italia.
Lăng mộ Hoàng gia Tây Hạ được công nhận là Di sản thế giới
Được mệnh danh là “Kim tự tháp phương Đông”, lăng mộ Hoàng gia Tây Hạ nằm ở chân đồi phía Đông của dãy núi Hạ Lan thuộc khu vực giữa thành phố Ngân Xuyên, Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, Tây Bắc Trung Quốc.
Là một quần thể lăng mộ Hoàng gia của triều đại Tây Hạ (1038- 1227), một chế độ lịch sử quan trọng do người Đảng Hạng sáng lập, lăng mộ Tây Hạ là di tích khảo cổ lớn nhất, được xếp hạng cao nhất và còn nguyên vẹn nhất từ thời Tây Hạ còn tồn tại cho đến ngày nay.
Tọa lạc dưới dãy núi Hạ Lan trùng điệp hùng vĩ, lăng mộ Hoàng gia Tây Hạ gồm 9 lăng mộ vua, 271 lăng mộ phụ, một quần thể di tích kiến trúc rộng 5,03 ha và 32 di tích công trình chống lũ, cùng với hơn 7.100 cấu kiện kiến trúc và hiện vật được chế tác tinh xảo, đã được phát hiện tại di chỉ này tạo thành cảnh quan lăng mộ kỳ vĩ và tráng lệ.
Vương Trường Phong, một nhà khảo cổ học đã làm việc và nghiên cứu tại di chỉ này trong suốt 28 năm cho biết: “Những phát hiện này đã mang lại những hiểu biết quý giá về kỹ thuật, nghệ thuật và thành tựu văn hóa tinh xảo của triều đại Tây Hạ”.
Đây là di tích có quy mô lớn nhất, được bảo tồn nguyên vẹn từ thời Tây Hạ, là chứng nhân lịch sử gần 200 năm của triều đại Tây Hạ, cũng như khẳng định vai trò, vị thế trao đổi thương mại và giao thoa đa sắc tộc và tương tác đa văn hóa của Tây Hạ trên con đường tơ lụa cổ xưa từ thế kỷ XI đến thế kỷ thứ XIII.
Lăng mộ Hoàng gia Tây Hạ có đặc điểm độc đáo riêng trong việc chọn hướng đất, quy mô lăng tẩm, kiến trúc lăng mộ, kỹ thuật xây dựng, phong tục tang lễ, nhưng cũng kế thừa phong cách, kỹ thuật xây dựng lăng mộ của các triều đại phong kiến ở Trung Nguyên, đồng thời cũng kết hợp với truyền thống văn hóa đa dạng của các dân tộc Đảng Hạng, Thổ Phồn, Khiết Đan, Nữ Chân...
Lăng mộ Hoàng gia Tây Hạ vẫn giữ được tính xác thực và tính toàn vẹn cho đến ngày nay, là minh chứng độc đáo cho mô hình “đa nguyên và hội nhập” của nền văn minh Trung Quốc và quá trình hình thành một nhà nước đa sắc tộc thống nhất. Do đó, lăng mộ Hoàng gia Tây Hạ giữ một vị trí quan trọng và không thể thay thế trong lịch sử văn minh thế giới.
Sử sách ghi lại rằng dưới thời Tây Hạ, nhiều dân tộc khác nhau, bao gồm người Đảng Hạng, người Hán, người Duy Ngô Nhĩ và người Tạng, đã cùng chung sống. Sinh kế đa dạng, các hoạt động tôn giáo và phong tục văn hóa của họ đã làm phong phú thêm di sản Tây Hạ, định hình nên bản sắc văn hóa đa dạng và đặc trưng của vùng đất này.
Ông Du Jianlu, Viện trưởng Viện Dân tộc học và Lịch sử thuộc Đại học Ninh Hạ cho biết: “Là một chế độ đa sắc tộc, văn hóa Tây Hạ rất đa dạng và pha trộn, nhưng chủ yếu chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa. Bản sắc văn hóa này là một động lực nội tại mạnh mẽ thúc đẩy sự hình thành và phát triển ý thức cộng đồng cho dân tộc Trung Hoa”.
Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã diễn ra tại trụ sở UNESCO ở Paris, với 30 di sản được đề xuất đưa vào Danh sách Di sản Thế giới, bao gồm Quần thể lăng mộ Hoàng gia Tây Hạ của Trung Quốc đã được đề cử là di sản văn hóa và là di sản duy nhất của Trung Quốc được đề cử trong kỳ họp năm nay.